Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 đạt gần 545 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
- Xăng dầu giảm giá 4 lần, người tiêu dùng trông chờ giá hàng hóa "hạ nhiệt"
- Tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 34,2% so với tháng 1/2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Trong đó:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa: Ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 7,2%.
Xét từng địa phương so với cùng kỳ, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Đà Nẵng tháng 1/2023 tăng 24,7%; Hà Nội tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 11,4%; Khánh Hòa tăng 9,3%; TPHCM tăng 7,8%.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống: Ước đạt 56 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có tốc độ tăng cao là Đà Nẵng tăng 83,6%; Kiên Giang tăng 47,4%; TPHCM tăng 43,4%; Hà Nội tăng 32,4%; Quảng Ninh tăng 29,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 27,4%.
- Doanh thu du lịch lữ hành: Ước đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương tăng mạnh: Hải Phòng tăng 541,5%; Đà Nẵng tăng 387,1%; Tiền Giang tăng 380,2%; Lào Cai tăng 196,3%; Hà Nội tăng 113,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 98,7%.
- Doanh thu dịch vụ khác: Ước đạt 51,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có tốc độ tăng cao: Đà Nẵng tăng 65,3%; Đồng Nai tăng 32,9%; Khánh Hòa tăng 31,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,9%; Hà Nội tăng 12,6%; Cần Thơ tăng 10,1%; Hải Phòng tăng 6,5%; TPHCM giảm 9,8%.
Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng mạnh, theo Tổng cục Thống kê, con số năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm trước đó đạt 454,2 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, cũng theo Tổng cục Thống kê.