Thông tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) cho hay, đến cuối tháng 6/2022 này, Điều lệ khung của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 sẽ được ban hành. Trong khi đó, còn chưa đến nửa năm nữa là đến ngày khai mạc chính thức Đại hội Thể thao toàn quốc.
- Hà Nội tiếp tục tạm dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời
- Thủ tướng: Càng trong dịch bệnh phức tạp, càng cần đẩy mạnh thể dục, thể thao
Thêm một lần “nước đến chân” và các bộ phận liên quan sẽ phải chạy hết tốc lực để có thể đạt kết quả tốt nhất cho kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc này.
Không thể coi nhẹ
Đối với nhiều địa phương, ngành trên cả nước, thành tích, kết quả thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc (thường diễn ra với chu kỳ 4 năm/ lần) thực sự có ý nghĩa quan trọng. Tất cả đều hiểu đó là dịp để đánh giá, tổng kết lại quá trình đầu tư, chăm chút cho thể thao của đơn vị. Và đương nhiên, không ai muốn bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Và ở đây, kết quả thi đấu sẽ là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá. Từ kết quả thi đấu của Đại hội này sẽ quyết định đến việc nhận được sự đầu tư từ đơn vị quản lý cho cả chu kỳ Đại hội tiếp theo.
Không ngẫu nhiên khi các đơn vị đều nỗ lực hết sức để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc (cho đến trước Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 còn được gọi là Đại hội TDTT toàn quốc). Vấn đề là muốn có sự chuẩn bị tốt lại phải căn cứ vào Điều lệ khung của Đại hội liên quan đến số môn thi đấu, tên môn thi đấu, quy định về nhân sự tham gia thi đấu…Nếu không biết chắc, đương nhiên, các đơn vị sẽ lâm vào thế bị động, không thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc. Không kể, điều này khiến các bộ phận liên quan không thể ban hành Điều lệ của từng môn thi đấu, nên các đơn vị tham gia lại trong cảnh thắc thỏm, không thể biết rõ cơ hội tranh chấp huy chương cũng như khả năng xếp hạng chung cuộc.
Không kể, đặc thù của Đại hội Thể thao toàn quốc tại Việt Nam là có môn thi còn diễn ra trước ngày khai mạc cả vài tháng nên việc sớm ban hành Điều lệ khung thực sự quan trọng, không thể coi nhẹ.
Còn nhớ, cho đến cuối năm 2017, trước khi diễn ra khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc gần 1 năm, việc chưa có Điều lệ khung Đại hội đã được xem là quá muộn. Khi đó, nhiều đơn vị đều cho rằng, đương nhiên gặp khó khăn đáng kể để chuẩn bị nhân sự tham gia. Còn nhiều bộ môn của Tổng cục TDTT lúc đó cũng đã chuẩn bị sẵn Điều lệ của môn thi tại Đại hội và chỉ còn chờ Điều lệ khung được ban hành đẻ thực hiện bước tiếp theo là ban hành Điều lệ thi đấu cụ thể của từng môn. Cũng phải đến đầu tháng 1-2018, Điều lệ khung Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 được ban hành.
Chạy đua với thời gian
Còn cho đến trước Đại hội Thể thao toàn quốc sắp tới, nhiều đơn vị cũng thực sự sốt ruột. Nhiều HLV cho rằng, rất chia sẻ với ngành khi phải căng mình chuẩn bị cho SEA Games 31 nhưng rõ ràng, việc cân nhắc, ban hành Điều lệ khung của Đại hội hoàn toàn có thể xử lý sớm hơn với tiến độ hiện nay.
Thực tế, đến cuối tháng 3 vừa rồi, Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 được phê duyệt thì ngay sau đó có thể ban hành ngay Điều lệ khung của Đại hội để các đơn vị có thể sớm nắm bắt hơn, dù là đã muộn so với thông lệ (thường là ít nhất 1 năm trước ngày khai mạc Đại hội). Từ đây, còn liên quan đến công tác hậu cần của các đoàn tham dự, từ việc sắp xếp lịch di chuyển, mua vé di chuyển…đến nơi lưu trú. Rõ ràng, càng có sớm càng giúp các đơn vị chuẩn bị tốt hơn, tiết kiệm chi phí hơn về các khâu hậu cần…
Trong chia sẻ gần đây với báo giới, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt thông tin, việc chưa thể ban hành Điều lệ khung của Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 do các đơn vị tổ chức từ địa phương (Quảng Ninh cùng một số tỉnh, thành khác) cho tới Trung ương (đại diện là Tổng cục TDTT) chưa thống nhất được 3 vấn đề gồm: số môn thi đấu là bao nhiêu; nơi tổ chức đăng cai sẽ tổ chức thi đấu bao nhiêu môn; kinh phí thực hiện. Tuy vậy, trong thời gian ngắn nhất, vấn đề này sẽ được giải quyết rốt ráo để có sớm có Điều lệ khung của Đại hội.
Đại diện Tổng cục TDTT cũng cho hay, dự kiến cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7 tới, Ban tổ chức Đại hội sẽ ban hành Điều lệ khung thi đấu của tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022. Từ đó, các bộ môn, địa phương chuẩn bị tốt nhất so với điều kiện thực tế.
Dự kiến, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 sẽ diễn ra vào tháng 11. Như thế cũng chỉ còn hơn 4 tháng nữa là diễn ra hàng loạt cuộc tranh tài của Đại hội. Thực tế, nếu chỉ xét về chuyên môn thì “khó người, khó ta”, các đoàn tham dự đều sẽ phải chuẩn bị trong trạng thái gấp gáp, thắc thỏm như nhau. Thế nhưng từ việc này, cũng sẽ khó đòi hỏi chất lượng chuyên môn cao ở kỳ Đại hội tới và đương nhiên ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng đầu tư của từng địa phương, ngành cho thể thao trong cả chu kỳ Đại hội vừa qua.
Đó là điều phải chấp nhận khi tất cả đang trong cảnh “nước đến chân”. Nếu không muốn vậy thì đến các lần tổ chức sau chỉ còn cách thúc đẩy tiến độ chuẩn bị sớm hơn, nhanh hơn so với kỳ chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII và IX. Xem ra, đó không phải là việc khó, quá sức.
Làm rõ kinh phí tổ chức Đại hội
Tổng cục TDTT cho biết, vấn đề kinh phí tổ chức cũng đang được thảo luận kỹ lưỡng để phân rõ nguồn của địa phương và nguồn của Tổng cục TDTT theo từng hạng mục. Hiện chi phí tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 của ngành Thể thao là trên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương đăng cai chính là Quảng Ninh đề xuất Tổng cục TDTT hỗ trợ về lễ khai, bế mạc và dự kiến mức chi phí cho chương trình từ phía Tổng cục TDTT là khoảng 10 tỷ đồng.
Minh Khuê
https://cand.com.vn/the-thao/them-mot-lan-nuoc-den-chan-i657895/