Khi các vòng đấu loại trực tiếp cũng như việc công bố xét vé trực tiếp về khúc cuối cũng là lúc thể thao Việt Nam hoàn thành mục tiêu giành tối thiểu 12 vé tham dự Olympic Paris 2024 (Olympic 2024). Người có trách nhiệm trong ngành và cả những người không liên quan cũng đều thở phào với việc này.
Áp lực giành vé
Cũng phải kể thêm rằng, hành trình giành vé dự Olympic 2024 của thể thao Việt Nam bắt đầu trong bối cảnh Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc thi đấu tại ASIAD 19 và nhận phải hàng loạt góp ý có phần gay gắt. Khi ấy, dù Đoàn thể thao Việt Nam đã giành 3 HCV, vượt 1 HCV so với mục tiêu tối thiểu là giành 2 HCV nhưng tiếng chê lại nhiều hơn lời khen.
Tất nhiên, ai cũng biết trong 3 tấm HCV ấy, chỉ có 1 HCV đến từ môn có trong chương trình thi đấu Olympic là bắn súng. Còn karate và cầu mây lại không có tên ở Olympic 2024. Nếu có sự cân bằng trong cách đánh giá, nhìn nhận về những tấm huy chương, những nỗ lực của các VĐV thì có lẽ ngành Thể thao Việt Nam khi ấy cũng có động lực hơn trong thực hiện những mục tiêu tiếp theo, trong đó đầu tiên là giành đủ số vé dự Olympic 2024. Còn người có trách nhiệm cũng thực sự áp lực khi cố gắng đưa các đội tuyển hoàn thành chỉ tiêu về vé tham dự Olympic 2024, để thấy thành tích tại ASIAD 19 cũng có liên thông đến việc giành vé trực tiếp dự Olympic 2024.
Ngay chính người trong ngành Thể thao cũng thừa nhận rằng khi các yêu cầu, tiêu chuẩn để được góp mặt ở Olympic 2024 theo diện trực tiếp ngày càng cao thì cơ hội của các VĐV Việt Nam ngày càng hạn hẹp. Bài toán kinh phí thi đấu quốc tế vẫn chưa có lời giải triệt để khi nguồn kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Cho nên, ngành Thể thao cũng chỉ dám đặt ra mục tiêu khiêm tốn là giành tối thiểu 12 vé trực tiếp tham dự Olympic 2024.
Trong gần 2 năm qua, mục tiêu ấy được nhắc đi nhắc lại, từ lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến giới chuyên môn và cả những người quan tâm đến thể thao Việt Nam. Và ai cũng hiểu, việc “nhắc đi nhắc lại” ấy chỉ sớm dứt khi thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu. Áp lực về việc giành vé tham dự Olympic 2024, chứ chưa kể đến việc giành huy chương ở sân chơi này, cũng hiện rõ ở cả lãnh đạo Cục TDTT và ngay cả các địa phương có VĐV góp mặt ở đội tuyển quốc gia, tham gia vào hành trình san vé dự Olympic 2024.
Mới chỉ cách đây ít tháng, khi chưa có VĐV Hà Nội nào giành vé tham dự Olympic 2024, sự căng thẳng thấy rõ ở những cuộc họp chuyên môn tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, vốn được xem là đầu tàu và thường xuyên đóng góp nhiều VĐV trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn. Bởi đơn giản, nếu không đóng góp được VĐV giành vé trực tiếp tham dự Olympic 2024 thì người có trách nhiệm cũng khó ăn khó nói. Và điều đó sẽ càng làm rõ sự chững lại của thể thao Hà Nội hiện nay trên bản đồ thể thao thành tích cao Việt Nam.
Cũng phải đến khi võ sĩ Hà Thị Linh giành vé dự Olympic 2024 thì không khí tại nơi này mới bớt căng thẳng dù ai cũng hiểu là còn quá nhiều thách thức ở phía trước để thể thao Thủ đô khẳng định vị thế hàng đầu của mình.
Như vậy, hiện tại, thể thao Việt Nam có 12 suất trực tiếp dự Olympic 2024 ở các đội tuyển gồm bắn súng (2 suất), cầu lông (2), boxing (2), cử tạ (1), bơi (1), rowing (1), canoeing (1), bắn cung (1), xe đạp (1).
Phía sau cái thở phào
Đến lúc này, sau khi cung thủ Lê Quốc Phong giành vé tham dự Olympic 2024 từ thành tích thi đấu ở World Cup 2024 môn bắn cung ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần qua, thể thao Việt Nam đã có 12 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Dù vậy, đó là mục tiêu tối thiểu. Còn mục tiêu lớn hơn mà người trong ngành đặt ra là giành từ 12 đến 15 vé chính thức, không kể đến vé đặc cách. Người trong ngành vẫn hy vọng các VĐV sẽ giành thêm 2 vé trực tiếp tham dự ở môn bắn cung (nội dung đồng đội nữ) và judo ở hạng 48kg của Hoàng Thị Tình thông qua xét thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới.
Trong đó, võ sĩ Hoàng Thị Tình đã lên đường tới Lima (Peru) để thi đấu giải quốc tế cuối cùng trong tháng này. Tích thêm được điểm từ kết quả thi đấu tại giải cũng sẽ giúp võ sĩ này củng cố vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế (hiện xếp hạng 9 trong các võ sĩ châu Á hạng 48kg nữ được xét chọn dự Olympic 2024), qua đó giành vé dự Olympic 2024.
Dù có thể sẽ giành thêm từ 1-2 vé dự Olympic 2024 và đã thở phào khi hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu nhưng có thể thấy rằng thể thao Việt Nam vừa trải qua một hành trình gian nan. Hành trình ấy lẽ ra có thể kết thúc ngay từ khoảng tháng 3 vừa qua nếu các đội tuyển đủ mạnh và các VĐV được thi đấu đủ các giải quốc tế như mong muốn. Nhưng thực tế đã cho thấy nguồn lực con người của thể thao Việt Nam vẫn hạn chế nên mới gian nan hoàn thành đủ chỉ tiêu tối thiểu đến vậy. Không kể, có địa phương đủ tiềm lực con người, kinh phí như Hà Nội thì lại vướng thủ tục hành chính quá lâu để ra quyết định đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu nước ngoài. Điều đó dẫn đến việc VĐV lỡ dở nhiều chuyến thi đấu quốc tế, không cải thiện được thứ hạng, thậm chí tụt dốc không phanh trên bảng xếp hạng quốc tế - một trong những yếu tố để xét vé dự Olympic.
Một hành trình giành vé dự Olympic 2024 của thể thao Việt Nam sắp khép lại với nhiều bài học và đi kèm là sự nhìn nhận chính xác thực lực của mình. Đấy mới là điều cần bàn đến thay vì thở phào vì hoàn thành mục tiêu tối thiểu giành vé dự Olympic 2024.
Tính đến mục tiêu xa
Lúc này, thể thao Việt Nam đang chuẩn bị tối đa cho các VĐV đã giành vé tham dự Olympic 2024 với hy vọng mong manh sẽ có huy chương ở sân chơi này. Còn theo nhiều chuyên gia, thể thao Việt Nam cũng phải tính toán và thực hiện những bước đi ngay từ bây giờ để có lực lượng đủ mạnh, sớm hoàn thành mục tiêu giành vé dự Olympic 2028. Thậm chí việc này đã phải thực hiện đồng bộ từ 2-3 năm trước.
Minh Khuê
https://cand.com.vn/the-thao/tho-phao-voi-suat-truc-tiep-du-olympic-2024-i734893/