Theo Bộ GTVT, tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ dù đã giảm nhưng vẫn còn diễn ra, nhất là ở các đoạn tuyến không có sự tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng hoặc chưa được bố trí hệ thống kiểm tra tải trọng.
- Sẽ cấm xe tải trọng lớn đi vào cao tốc Long Thành- Dầu Giây dịp cuối tuần và lễ tết?
- Xe 'khổng lồ' chở quá tải trọng bị xử phạt, chủ xe chây ỳ cãi 'cùn' không chịu chấp hành
Nhằm góp phần bảo vệ các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, góp phần thúc đẩy ổn định phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt chi phí bảo trì cho ngân sách nhà nước, Bộ GTVT nhấn mạnh cần thiết nghiên cứu, sớm tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường bộ cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Mặt khác, căn cứ quy định tại Nghị định số 25/2023 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương về phương án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường bộ cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Song song với đó, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe. Kể từ thời điểm thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội đến nay, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và lực lượng thanh tra giao thông sử dụng cân xách tay đã kiểm tra 61.269 xe.
Trong đó có 6.150 xe vi phạm, tước 1.632 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 90,6 tỷ đồng. Điều này tạo sự đồng thuận cao của xã hội, sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, chủ xe và lái xe.