Cao tốc Hữu Nghị- Chi Lăng sẽ được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 60 km đi qua địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP Lạng Sơn.
- Phí cao tốc bỗng dưng đắt đỏ hơn khi thuế VAT về 10%: Do thu phí tự động không dừng nên "tính đúng, tính đủ"
- Không để công trường cao tốc Bắc - Nam ngơi nghỉ
HĐND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.
Theo đó, tuyến cao tốc sẽ được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 60 km đi qua địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP Lạng Sơn.
Trong đó, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài khoảng 43km. Điểm đầu tại Km1+800 thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Điểm cuối tại Km44+749,67 (kết nối với điểm đầu tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài khoảng 17km, gồm 2 đoạn.
Tỉnh Lạng Sơn thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Hữu Nghị- Chi Lăng với gần 10.600 tỷ theo BOT |
Đoạn tuyến số 1 có chiều dài khoảng 15 km. Điểm đầu Km0+00 tại nút giao IC02 (Km7+700) - Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Điểm cuối tại Km14+356 tại nút giao giữa QL4A và đường đi vào khu cửa khẩu Tân Thanh.
Đoạn tuyến số 2 có chiều dài khoảng 2 km. Điểm đầu Km0+00 tại nút giao với tuyến nối cửa khẩu Hữu Nghị với cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam (Km7+480). Điểm cuối tại Km1+876 tại nút giao giữa QL.4A và đường đi vào cửa khẩu Cốc Nam.
Về quy mô đầu tư, giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.
Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được hoàn thiện quy mô mặt cắt ngang tuyến 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 32,25m. Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam được hoàn thiện với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 22m.
Sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn phân kỳ) khoảng 10.620 tỷ đồng.
Trong đó, vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.620 tỷ đồng (chiếm 52,92% tổng mức đầu tư).
Vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 47,08% tổng mức đầu tư), gồm: vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng.
Giá trị phần vốn Nhà nước trong dự án sẽ được bố trí chi trả cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.502 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng công trình tạm và xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 3.498 tỷ đồng.
Theo lộ trình đặt ra, giai đoạn phân kỳ của dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022, hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.
Giai đoạn hoàn chỉnh được thực hiện đầu tư phù hợp với nhu cầu giao thông, dự kiến sau năm 2025. Trong điều kiện cho phép về thu xếp vốn, sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án.