Tào Phi, con trai thứ hai cũng là người kế nghiệp Tào Tháo, là vị Hoàng đế đầu tiên của Tào Ngụy. Không để lại dấu ấn trên cương vị một Hoàng đế nhưng Tào Phi, lại là cái tên đóng vai trò quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Tào Phi không chỉ là 1 nhà thơ lỗi lạc của giai đoạn Văn học Kiến Án mà còn được biết đến là nhà phê bình – lí luận văn học đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Tào Tháo, tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt suất cuối Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Tào Phi – Hoàng đế đầu tiên của Tào Ngụy
Theo ghi chép sử liệu, Táo Tháo có tổng cộng 25 người con trai, trong đó nổi bật nhất là trưởng nam Tào Ngang, thứ nam Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực và Tào Xung. Sau khi Tào Ngang chết ở trận Uyển Thành, Tào Phi trở thành đích trưởng tử của Tào Tháo.
Tào Phi - Ngụy Văn Đế - hoàng đế đầu tiên nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc
Tào Phi sinh ở huyện Tiêu, nước Bái, thuộc Dự châu (nay thuộc Bạc Châu, tỉnh An Huy), là con của Tào Tháo với Biện phu nhân. Theo Ngụy thư, Tào Phi từ nhỏ văn võ song toàn, 8 tuổi có thể đặt bút viết thơ, giỏi kị xạ, múa kiếm, thông hiểu Bách gia chư tử.
Trong số các con của Tào Tháo, Tào Phi là người sắc sảo nhất. Không chỉ chuyên tâm dùi mài kinh sử hay thao luyện quân binh, Tào Phi thường có mặt trong triều để tranh thủ sự ủng hộ của các quan và tham gia vào việc quân sự cùng cha.
Năm Kiến An thứ 22 (217), Tào Phi chính thức được phong làm Vương Thế tử, trở thành người kế thừa của Tào Tháo. Năm Kiến An thứ 25 (220), Tào Tháo chết, Tào Phi kế nghiệp chức Thừa tướng nhà Hán, nhận danh hiệu Ngụy vương.
Tào Tháo và con trai kế nghiệp Tào Phi
Lên làm Ngụy vương, Tào Phi không e ngại dư luận như Tào Tháo và mang chí hướng muốn soán Hán tự lập. Mùa thu năm đó, Tào Phi sai thân tín dâng thư lên Hán Hiến Đế, khuyên Hiến Đế nhường ngôi cho Ngụy vương. Để tỏ ra khiêm nhường, Tào Phi đã từ chối 3 lần, đến lần thứ 4 mới nhận. Đây được gọi là sự kiện Tào Phi soán Hán nổi tiếng lúc bấy giờ.
Tháng 10.220, Tào Phi tự xưng là Ngụy Đế , trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của Tào Ngụy. Sau khi lên ngôi, ông đã tiếp tục cuộc chiến của cha mình chống lại Thục Hán của Lưu Bị và Đông Ngô của Tôn Quyền. Năm 224-225, Tào Phi xuất chinh đánh Ngô nhưng thất bại, từ đó lâm bệnh nặng. Tào Phi ở ngôi 6 năm (220 - 226), băng hà khi chỉ vừa 40 tuổi.
Tào Phi – nhà phê bình, lí luận văn học đầu tiên Trung Quốc
Tào Phi rất giỏi thơ phú, ông cùng với cha (Tào Tháo) và em trai (Tào Thực), được gọi là Tam Tào, là những cây bút nổi tiếng bậc nhất trên Văn đàn Kiến An. Thơ của ông hiện còn lưu lại khoảng 40 bài và bộ Điển luận, tác phẩm phê bình và lí luận văn-thơ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Tào Phi là nhà thơ lỗi lạc của Văn đàn Kiến An
Văn học Kiến An là cái tên dùng để chỉ một giai đoạn văn học khá quan trọng trong lịch sử phát triển của văn học Trung Quốc. Khái niệm văn học Kiến An được dùng để chỉ một giai đoạntừ cuối triều Đông Hán đến đầu triều Tào Ngụy. Ra đời trên sự sụp đổ của đế quốc Hán và theo sau đó là sự lung lay của hệ tư tưởng Nho giáo, cho nên có thể nói thời Kiến An là giai đoạn bản lề quan trọng của lịch sử văn học Trung Quốc. Lúc bấy giờ, có các đại biểu, như "tam Tào" (Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực) cùng với Kiến An thất tử, Thái Diễm... đều kế thừa truyền thống tốt đẹp của Kinh Thi, tinh thần hiện thực của dân ca nhạc phủ; để cho ra đời những tác phẩm ưu tú, phản ảnh được tình hình xã hội của thời loạn lạc; thể hiện được tình cảm hào sảng, ý chí bi tráng của những người lập công dựng nghiệp, cũng như có lòng đồng tình sâu sắc với nhân dân. Kiến An là giai đoạn quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Thơ ngũ ngôn bắt đầu hưng thịnh, thơ thất ngôn bắt đầu đặt được nền móng. Văn đàn Trung Quốc xưa nay coi Kiến An là thời kỳ chống chủ nghĩa hình thức uỷ mị, yếu đuối, họ nêu cao ý nghĩa hiện thực trong các tác phẩm Kiến An mà họ gọi là "phong cốt Hán Ngụy". |
Theo giáo sư Trần Đình Sử, viết trong bộ Từ điển văn học (mới), thì Tào Phi là người tiên phong trong việc phản đối thói "văn nhân tương khinh" (văn nhân thường khinh nhau), hay thói quen khép kín kiến giải của mình. Ngoài ra, ông còn phê phán khuynh hướng "quý xa, khinh gần", làm văn cốt cầu danh, mà quay lưng với sự thực.
Hoàng đế Tào Ngụy cũng được coi là nhà phê bình - lí luận văn học đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Quan điểm của Tào Phi trong “Điển luận” rất sắc sảo khi nhận định văn chương trước sau là sự biểu hiện tư tưởng, tình cảm của người viết. Cho nên gốc văn chương giống nhau mà ngọn khác nhau. Cái khác đó. Theo Tào Phi, là do "khí". Tào Phi viết: "Văn lấy khí làm chủ, mà khí trong hay đục là bẩm phú, không thể dùng sức gắng gượng mà có được".
Bàn về các thể văn, Tào Phi cho rằng luận thuyết phải đúng lý, mà thi phú thì cần phải đẹp. Đó là khởi nguyên phong trào duy mĩ ở thời Lục Triều, trái hẳn với lối "Văn dĩ tải đạo" (văn để chở đạo) của Tiền Hán trở về trước. Duy mĩ tức là "nghệ thuật vị nghệ thuật", mà tải đạo tức là "nghệ thuật vị nhân sinh".
Nho gia xem "lập ngôn" đứng sau "lập đức", "lập công"; Tào Phi, trong Điển luận, đưa "lập ngôn" lên vị trí cao nhất, xem đó là "việc lớn lao bất hủ trong sự nghiệp trị nước". Đây chính là quan điểm làm cho văn học Kiến An phồn thịnh, mà đại diện tiêu biểu chính là Tào Phi.
5 loại vũ khí lợi hại nhất trong "Tam quốc" gồm những gì? Tam quốc không chỉ là thời kỳ tập hợp của đội ngũ anh hùng hảo hán hoành tráng mà cũng là kho vũ khí với ... |
Vì sao Tôn Sách kiêu dũng bậc nhất Tam Quốc đột tử ở tuổi 25? Tôn Sách được đánh giá là thiếu niên hào kiệt, mệnh danh là Giang Đông Tiểu Bá Vương. Chỉ với 1.000 người ngựa ban đầu, ... |