Ngoài nạn dịch cô đơn, sự mất cân bằng giới tính còn bóp méo thị trường lao động, dẫn theo tội phạm bạo lực, buôn người hay mại dâm gia tăng

Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nam giới đang nhiều hơn nữ giới tới 70 triệu người, trong đó 50 triệu người ở độ tuổi dưới 20. Cả hai quốc gia đông dân nhất thế giới đều đang vật lộn với những hậu quả nặng nề của sự mất cân bằng giới tính này.

Khủng hoảng tâm lý phái mạnh

Trong lịch sử loài người chưa từng xảy ra điều gì tương tự. Trong 1,4 tỉ dân của Trung Quốc, nam giới nhiều hơn nữ giới 34 triệu người, tức lớn hơn cả dân số nước Malaysia. Chính sách một con trong khoảng thời gian 1979-2015 của Bắc Kinh chính là một nhân tố lớn tạo ra sự mất cân bằng này khi hàng triệu cặp vợ chồng xác định đứa con duy nhất phải là con trai.

Ấn Độ, vốn cũng rất đặt nặng chuyện có con trai thừa kế, đang thừa 37 triệu nam giới. Tỉ lệ bé gái chào đời không ngừng đi xuống, kể cả khi kinh tế nước này ngày càng phát triển. Giới chức trách đổ lỗi tình trạng đó cho công nghệ lựa chọn giới tính "lộng hành" suốt 30 năm qua, tới nay đã bị cấm nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi.

Hậu quả của tình trạng quá nhiều nam giới đang tới tuổi lập gia đình gây ảnh hưởng sâu rộng: ngoài nạn dịch cô đơn, sự mất cân bằng giới tính còn bóp méo thị trường lao động, dẫn theo tội phạm bạo lực, buôn người hay mại dâm gia tăng. Theo báo The Washington Post, những hậu quả này còn lan rộng tới các nước láng giềng, thậm chí vươn xa tới cả những nền kinh tế châu Âu và châu Mỹ.

Mất cân bằng giới dẫn đến khủng hoảng tâm lý đối với phái mạnh. "Trai ế vợ bị người xung quanh đánh giá thấp. Vai trò cơ bản của đàn ông trong xã hội nông thôn phải là lập gia đình và chu cấp cho gia đình" - nhà nghiên cứu khoa học xã hội Prem Chowdhry tại New Delhi chỉ rõ. Còn theo chuyên gia Therese Hesketh tại Trường ĐH London (Anh), ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc hay Ấn Độ, đàn ông không tìm được vợ đồng nghĩa với việc an phận sống bên lề xã hội.

"Chỉ vò võ một mình. Cuộc sống thật chán chường và cô đơn". Đó là lời ngao ngán của anh chàng độc thân Li Weibin, 30 tuổi ở TP Đông Quản - Trung Quốc. Tại thành phố với tỉ lệ giới là 118 nam/100 nữ này, sự chênh lệch lớn giữa số lượng đàn ông và phụ nữ hiện rõ ở cả ngôi làng trên núi nơi Li chào đời, trong nhà máy anh làm việc và cả trên công trường xây dựng nơi anh kiếm được khoản lương khiêm tốn.

Anh chàng đã từ bỏ hy vọng tìm kiếm bạn đời. Thời gian rảnh Li dành cho việc chơi điện tử, hát karaoke và đi mát-xa chân. Vấn đề không chỉ ở Li nghèo mà hơn hết là vì Trung Quốc "thừa nam".

tim vo nhu chay dua vu trang

Bà Om Pati cùng 3 con trai Ảnh: THE WASHINGTON POST

Ra đường quấy rối phụ nữ

Ở quốc gia đông dân nhất thế giới, con trai trước nay được coi là chỗ dựa cho cha mẹ khi về già. Thế nhưng, nhiều cha mẹ giờ đang phải hy sinh để tiếp sức cho con trai lấy vợ. Nhiều thanh niên Trung Quốc ngày nay thấm nhuần rằng thể hiện giá trị tài sản là cách duy nhất để thu hút và giữ chân một cô gái. Nhiều người buộc phải từ bỏ làng quê nghèo tới thành phố lớn lập nghiệp mới mong có ngày chinh phục được trái tim một cô gái.

Nhà kinh tế học Shang Jin Wei tại Trường ĐH Columbia (Mỹ) ví việc tìm vợ ở Trung Quốc giống như chạy đua vũ trang trên thị trường hẹn hò và hôn nhân. Muốn lấy được vợ tốt thì điều kiện cần là có nhà, tiền tiết kiệm, công việc sáng giá.

Ở Ấn Độ, số đàn ông không tìm được cô dâu ngày càng tăng còn gây áp lực lên nhịp sống của nhiều gia đình. Nhiều mẹ già vẫn phải nai lưng nấu ăn, dọn dẹp cho những cậu con trai đã lớn. Người Ấn Độ có một lời chúc phúc trong tiếng Phạn dành cho các bà mẹ là "chúc có 100 đứa con trai". Lời chúc xuất phát từ quan niệm trong văn hóa xem con trai là trên hết, là người lo tang lễ cho cha mẹ, thừa kế tài sản và chăm sóc cha mẹ già.

Đối với bà Om Pati - vợ một nông dân ở làng Bass thuộc bang Haryana, đôi lúc bà có cảm giác mình thực sự là mẹ của 100 cậu con trai dù thực tế bà chỉ sinh hạ 7 con trai, trong độ tuổi từ 22-38. Quần quật làm việc từ khi mặt trời vừa ló dạng tới tận nửa đêm, người mẹ 60 tuổi tự an ủi bản thân với ý nghĩ rằng đến một ngày bà sẽ có con dâu để trò chuyện, chia sẻ việc bếp núc và tất nhiên là cả việc có cháu nội để bế bồng.

Nhưng vào thời điểm con trai cả, Sanjay, một đầu bếp nay đã 38 tuổi, đến tuổi kết hôn, gia đình đã không thể tìm được mối nào cho anh. Phần nhiều phụ nữ đã bỏ làng để tìm cơ hội tốt hơn, số phụ nữ ít ỏi ở lại đều là "hoa có chủ". Bà Pati cho biết tìm vợ cho con nay đã là điều ngoài tầm tay.

Sự mất cân bằng giới tính được cho là đang khiến tệ nạn quấy rối phụ nữ trở nên trầm trọng. Tại bang Haryana, Bắc Ấn Độ, tỉ lệ tội phạm nhắm vào phụ nữ tăng 127% trong 10 năm qua. Các nghiên cứu cho thấy bang này có 7.000 ngôi làng thừa 150-200 đàn ông. Những nam giới vô công rồi nghề có xu hướng ra đường quấy rối các phụ nữ trẻ nhiều hơn.

tim vo nhu chay dua vu trang Truy tìm voi rừng bị mắc bẫy

Anh Huy nói, một phần chân của con voi khoảng 3-5 tuổi đã bị hoại tử. Lực lượng chức năng đang tìm con voi trên ...

tim vo nhu chay dua vu trang Phá đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc

Thấy đàn ông Trung Quốc đang có nhu cầu tìm vợ, Ngô Thị Có bàn với chồng về Việt Nam phối hợp với Sỹ, Tâm, ...

ĐỖ QUYÊN

/ http://nld.com.vn