Tội cưỡng đoạt tài sản là một trong những tội xâm phạm sở hữu diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi trong thời gian gần đây.

Tội cưỡng đoạt tài sản là gì?

Luật sư Lê Giang Nam – Văn phòng luật sư An Việt, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, các yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản bao gồm có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác.

Đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực được hiểu là hành vi của người phạm tội đe dọa sẽ thực hiện một hành động (hay đe dọa sẽ sử dụng sức mạnh vật chất) để gây thiệt hại cho người bị hại.

Mục đích của việc đe doạ này là làm cho người bị hại sợ và giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra gắn liền với hành vi đe doạ nêu trên.

Luật sư Lê Giang Nam – Văn phòng luật sư An Việt.

Luật sư Lê Giang Nam – Văn phòng luật sư An Việt.

Khác với hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực trong tội cướp tài sản, việc đe doạ này không mang tính mãnh liệt và tức thời, người bị hại (người chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản) hoàn toàn có điều kiện chuẩn bị đối phó và chưa đến mức làm tê liệt chí ý kháng cự của họ, mà chỉ hạn chế ở chỗ làm cho họ lo sợ ở mức độ nhất định.

Đồng thời họ vẫn có thời gian để lựa chọn giữa việc kháng cự hay chấp nhận giao tài sản (đây là điểm khác biệt cơ bản giữa tội cướp tài sản với tội này).

Việc đe doạ được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Đe doạ trực tiếp là người phạm tội thực hiện việc đe doạ bằng lời nói, cử chỉ, hành động… công khai, trực tiếp với người bị hại. Còn đe doạ gián tiếp là người phạm tội thực hiện việc đe doạ thông qua các hình thức như: nhắn tin, điện thoại, thư… mà không gặp người bị hại.

Với hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác được hiểu là dùng các thủ đoạn gây áp lực rất lớn về tinh thần của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra, kèm với việc dùng thủ đoạn đó.

Các thủ đoạn thường sử dụng là lợi dụng những lỗi lầm, khuyết điểm của người bị hại mà người phạm tội biết được để đe doạ sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ.

Tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự xử lý thế nào?

Luật sư Giang Nam phân tích, với tội danh Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự, mức án cao nhất tới 20 năm tù.

Theo đó, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

Có tổ chức

Có tính chất chuyên nghiệp

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng

Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

https://vtc.vn/toi-cuong-doat-tai-san-bi-xu-ly-the-nao-ar834303.html

MINH TUỆ / VTC News