Phát biểu sau cuộc họp khẩn sáng sớm 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết tên lửa rơi trúng lãnh thổ Ba Lan “có khả năng không phải do Nga phóng”, đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ đồng minh NATO điều tra vụ việc.
- Nga khẳng định không liên quan đến tên lửa rơi ở Ba Lan
- Tên lửa rơi trúng Ba Lan, NATO điều tra cáo buộc nghi ngờ do Nga tiến hành
Trước đó, ông Biden được phụ tá đánh thức giữa đêm để cập nhật thông tin về vụ việc tên lửa rơi trúng một ngôi làng của Ba Lan, gần biên giới với Ukraine, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Ông Biden đã gọi điện thăm hỏi tình hình với người đồng cấp Ba Lan. Ngoài ra, ông cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các nước đồng minh đang có mặt tại Indonesia tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20.
Sáng 16/11, khi được hỏi liệu tên lửa có được bắn từ Nga hay không, ông Biden cho biết: “Có thông tin sơ bộ phản bác điều đó. Không chắc là nó được bắn từ Nga, nhưng chúng ta sẽ sớm được biết thôi”.
Hiện chưa rõ liệu ông Biden có ám chỉ rằng “tên lửa hoàn toàn không phải do Nga bắn” hay không. Ukraine vẫn duy trì kho vũ khí do Liên Xô cũ và Nga sản xuất, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không S-300.
Ông Biden cho biết đã thông báo tóm tắt cho các đồng minh về cuộc trò chuyện của mình với Tổng thống Ba Lan và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nhấn mạnh, các lãnh đạo nhất trí “ủng hộ cuộc điều tra của Ba Lan với vụ tấn công”.
Tổng thống Mỹ nói thêm, các lãnh đạo từ Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh, Liên minh châu Âu đã lên tiếng phản đối vụ tấn công bằng tên lửa trên diện rộng của Nga, nhằm vào nhiều thành phố trên khắp lãnh thổ Ukraine. Kiev cho rằng đây là cuộc tấn công có quy mô lớn nhất trong vòng 9 tháng qua.
Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, tên lửa rơi trúng nước này được sản xuất tại Nga. Tuy vậy, Tổng thống Ba Lan lại tỏ ra thận trọng khi nói về nguồn gốc của các tên lửa, cho biết các qua chức chưa xác định rõ nơi sản xuất hay bắn tên lửa này. Ông nói rằng nó “rất có thể” do Nga sản xuất, nhưng điều đó vẫn đang được xác minh.
Thông tin về vụ tên lửa rơi trúng Ba Lan khiến các thành viên NATO “nâng cao cảnh giác”. NATO có một nguyên tắc rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên cũng là tấn công vào toàn bộ liên minh.