Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ sẽ kiến nghị Sở GTVT bổ sung hạng mục rửa đường vào công tác quản lý đường bộ để giảm ô nhiễm.

Ngạt thở trong khói bụi, ô nhiễm và tiếng ồn là hoàn cảnh người dân sống ở khu vực vòng xoay An Sương - nơi chỉ số chất lượng không khí kém nhất nhì TP.HCM - hiện phải chịu đựng. Dùng tay quẹt nhẹ lên mặt bàn, bà Nguyễn Thị Thanh (chủ cửa hàng điện thoại di động) ngao ngán cho hay bà mới lau cách đây 10 phút, vậy mà giờ bụi đã phủ đầy.

Bụi khắp nơi

Theo bà Thanh, bằng mắt thường ai cũng thấy ô nhiễm bụi trầm trọng nhưng mỗi ngày, bà vẫn phải hít thở, ăn uống, ngủ nghỉ trong môi trường này nên bà rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý.

Không chỉ cửa hàng của bà Thanh, những hàng quán kinh doanh ăn uống cũng khổ sở vì bụi, dù che chắn nhưng ống đũa, hũ tăm, hộp khăn giấy đều đóng bụi. Ngồi lau mớ tô chén vừa rửa xong, bà T. - chủ quán hủ tiếu gần Bến xe An Sương - than thở do bụi nhiều nên mấy tháng nay, quán bà cứ dần thưa khách.

Chạy xe ôm đoạn Quốc lộ 1 (quận 12), ông Nguyễn Văn Hải liên tục dùng tay che mũi mỗi khi có xe tải chạy qua bởi xe chạy nhanh một chút là bụi bốc lên mù mịt.

"Tôi chạy xe ở đây 7 năm rồi, sở dĩ khu vực này ô nhiễm nặng là vì lưu lượng xe rất đông, chưa kể nhiều căn nhà đang tháo dỡ, xây dựng lại để phục vụ dự án hầm chui An Sương nên bụi nhiều là đương nhiên. Cát bụi có bao nhiêu đều dồn về hai bên lề đường, vỉa hè. Còn việc vệ sinh đường thỉnh thoảng trong tuần có xe hút bụi đi qua nhưng mỗi lần quét, bụi bay tứ tung, còn rửa đường thì 5 năm rồi không thấy" - ông Hải cho biết khi chúng tôi hỏi về việc rửa đường.

tphcm kien nghi rua duong de giam o nhiem
Cát đất tồn đọng bên lề Quốc lộ 1 ngay khu vực vòng xoay An Sương - nơi chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức báo động.

Tương tự, dọc các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội đi qua địa bàn các quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, quận 9, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, người dân cũng kêu trời vì ô nhiễm.

Bà Lan, một hộ dân sống ven Quốc lộ 1 (quận Bình Tân), bức xúc: "Khổ nhất là xe ben chở cát đất đi san lấp, cung cấp vật tư cho các công trình dân dụng, ban đêm nhiều xe chở quá tải làm rơi vãi đầy đường mà không thể nào vệ sinh được. Chúng tôi chỉ mong nhiều "cây mưa" lớn để trôi bớt phần nào cát đất hòng giảm được chút bụi chứ ngày nào cũng bịt khẩu trang từ sáng đến chiều, chịu không thấu".

Tiến vào nội thành, các trục đường chính như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Đăng Lưu, Phan Văn Trị, Quang Trung… đều trong tình trạng khoác "chiếc áo" bẩn, mặt đường chuyển sang màu xám thay vì màu xanh đen của nhựa đường bởi nhiều năm qua chưa được xịt rửa. Đặc biệt, hai bên mép đường, vỉa hè tồn đọng nhiều cát đất, sỏi đá, chỉ cần dùng chân gom nhẹ có thể gom thành đống to.

Các đơn vị liên quan lên tiếng

Trước thực trạng trên, không ít chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị thắc mắc: TP.HCM ngoài xe hút quét bụi, cách đây 6 năm từng có phương tiện xịt rửa đường, thế nhưng thời gian qua không thấy phương tiện này hoạt động trong khi mật độ giao thông ngày càng tăng, ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động?

Theo ông Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm), hiện nay Trung tâm này phụ trách việc duy tu, bảo dưỡng, trong đó có hạng mục vệ sinh 31 tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố, chủ yếu là các tuyến quốc lộ, các trục đường chính, đường vành đai...

Công tác vệ sinh được thực hiện thường xuyên, định kỳ 8 lần/tháng/tuyến theo hợp đồng ký kết với các đơn vị trúng thầu, việc vệ sinh được thực hiện bằng máy quét và hút bụi, cát, sỏi trên mặt đường.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Hải cũng thừa nhận việc quét hút bụi chỉ hạn chế phần nào bụi đất, bởi việc vệ sinh đường chỉ thực hiện 8 lần/tháng nên không bảo đảm tuyến đường sạch, đẹp mà chỉ giảm phần nào rác, bụi.

"Do đó Trung tâm đang nghiên cứu đề xuất Sở GTVT thành phố tăng số lần vệ sinh mặt đường trong tháng, có thể lên gấp đôi hoặc tùy tuyến đường điều chỉnh cho hợp lý nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị, hạn chế bụi phát sinh như thời gian qua" - ông Hải nói.

"Nhưng phải thừa nhận việc rửa đường sẽ hạn chế bụi đất, giảm ô nhiễm nên sắp tới, Trung tâm sẽ kiến nghị Sở GTVT bổ sung hạng mục rửa đường vào công tác quản lý đường bộ" - ông Hải nhấn mạnh. Nói về giải pháp trước mắt, ông Hải cho hay sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình vận chuyển vật liệu làm rơi vãi trên đường.

Ngoài 31 tuyến đường lớn trên, hiện nay, nhiều tuyến đường do địa phương quản lý hầu hết cũng không triển khai việc rửa đường do hạng mục này không có trong đơn giá định mức, trừ một số đoạn đường là điểm tập kết rác buộc phải xịt rửa, vệ sinh quanh khu vực theo quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt của UBND thành phố. Vì vậy, các địa phương đều muốn đưa hạng mục rửa đường vào quy định để góp phần giảm ô nhiễm.

Cần thêm giải pháp căn cơ

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM), cho rằng rửa đường sẽ hạn chế bụi do cát đất tồn đọng lâu ngày. Tuy nhiên, để giảm ô nhiễm không khí, TP.HCM phải có nhiều giải pháp căn cơ hơn.

Cụ thể như tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có đông công nhân làm việc, thành phố cần buộc các doanh nghiệp xây dựng trường học, nhà lưu trú, cửa hàng tiện ích, bệnh viện, để người dân không phải di chuyển ra đường nhiều, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường... "Quá trình này mất khá nhiều thời gian nhưng muộn còn hơn không" - ông Ninh nhấn mạnh.

/ vtc.vn