Chiến dịch Meetinghouse như một trận bão lửa hủy diệt Tokyo và có thể đã cướp đi sinh mạng của 200.000 người trong một đêm.
Oanh tạc cơ B-29 được dùng trong chiến dịch Meetinghouse. Ảnh: USAF. |
Rạng sáng 10/3/1945, quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch không kích hủy diệt mang tên "Meetinghouse", tạo nên một trận bão lửa quét qua thủ đô Tokyo của Nhật Bản, gây thiệt hại khủng khiếp hơn cả hai vụ ném bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, theo Aviationist.
Chiến dịch này diễn ra trong bối cảnh Thế chiến II đang đi tới hồi kết, khi Mỹ liên tục tấn công và chiếm được các hòn đảo chiến lược trên Thái Bình Dương từ tay đế quốc Nhật. Sự chống trả quyết liệt của lính Nhật tại những đảo nhỏ xa bờ, cũng như thiệt hại lớn cho cả hai phía khiến quân đội Mỹ lo ngại thương vong không thể tưởng tượng nếu đổ bộ lên lãnh thổ Nhật Bản.
Washington quyết định thực hiện hàng loạt đợt không kích quy mô lớn nhằm vào các thành phố Nhật, nhằm mục đích buộc nước này đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, bom hạt nhân khi đó vẫn đang trong quá trình phát triển, những loại bom thông thường khó phát huy hiệu quả khi đế quốc Nhật đã sơ tán cơ sở hạ tầng khỏi thành phố. Vì vậy, bom cháy E46 đã được sử dụng để tăng tối đa sức hủy diệt, biến Meetinghouse trở thành chiến dịch ném bom đẫm máu nhất lịch sử thế giới.
E-46 chỉ là một trong nhiều loại bom cháy được sử dụng trong cuộc không kích. Bom E-46 có vỏ được buộc bằng 9 dây đai cố định ở phía ngoài và được thả từ độ cao 1,5 km. Các dây đai sẽ đứt cùng lúc để giải phóng 47 túi bom làm bằng vải thưa mềm và phát tán trên diện tích rộng. Chúng không gây nổ mạnh hay tạo sóng xung kích, mà chỉ đáp nhẹ xuống mái nhà và bốc cháy mạnh.
Theo kế hoạch của tướng Curtis Lemay, chỉ huy chiến dịch Meetinghouse, 300 oanh tạc cơ chiến lược B-29 được huy động tấn công Tokyo vào rạng sáng ngày 10/3/1945. Những chiếc oanh tạc cơ này sử dụng toàn bom cháy và không cần thả bom chính xác.
Đợt ném bom đầu tiên sẽ tạo nên một chữ X khổng lồ bằng lửa để đánh dấu trung tâm mục tiêu. Những chiếc B-29 còn lại chỉ cần thả bom gần chữ X này và ngọn lửa sẽ hủy diệt mọi thứ dưới mặt đất.
Phi đội B-29 thả bom cháy xuống lãnh thổ Nhật. Ảnh: USAF. |
Chiến dịch này diễn ra như mọi cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Nhật trước đó. Mở đầu là còi báo động và âm thanh từ oanh tạc cơ trong đêm, theo sau là tiếng lộp bộp khi bom cháy rơi xuống mái nhà. Nhiều tiếng nổ rung chuyển mặt đất sau đó vang lên khắp thành phố Tokyo.
Tiếng la hét thất thanh lớn dần khi ngọn lửa lan ra. Những ngọn lửa đơn lẻ nhanh chóng nhập vào nhau, tạo thành hàng loạt đám cháy lớn. Thêm nhiều quả bom cháy rơi xuống, tạo nên những đám cháy nuốt trọn cả một khu phố. Ngọn lửa hút không khí từ những khu vực xung quanh, tạo nên những cơn gió mạnh cuốn theo đồ đạc và cả con người vào cơn cuồng phong lửa ở trung tâm. Khung cảnh Tokyo khi đó được ví như một địa ngục trên mặt đất.
Cuộc không kích kết thúc chỉ trong chưa đầy một tiếng. Sức nóng từ những ngọn lửa hơn 600 độ C tạo nên những cột khí nóng khổng lồ, gây nhiễu loạn cho chính những oanh tạc cơ B-29 cuối cùng tới ném bom Tokyo. Mục tiêu phía dưới bị lửa và khói che khuất, khiến các máy bay này không thể nhắm mục tiêu khi ném bom.
Những người trải qua chiến dịch Meetinghouse của cả hai bên đều chia sẻ những điều đáng sợ tương tự nhau. Sáng 10/3, sự im lặng bao trùm lên khắp thành phố Tokyo. Người sống sót lang thang với lớp da và quần áo cháy xém, moi móc tàn tích sau đám cháy để tìm những thứ tận dụng được.
Các tổ bay B-29 kiệt sức và có dấu hiệu rối loạn tâm lý sau sang chấn, căn bệnh phổ biến với những quân nhân trải qua tình huống chiến đấu nguy hiểm hoặc chứng kiến thiệt hại khủng khiếp của chiến tranh. Chiến dịch Meetinghouse làm thay đổi cả hai phía, kể cả tướng Curtis Lemay vốn lạnh lùng cũng tỏ ra kinh hãi vì thiệt hại sau trận ném bom.
Bức tranh mô tả trận bão lửa do một người sống sót vẽ. Ảnh: USAF. |
Số người thiệt mạng trong chiến dịch Meetinghouse vẫn còn gây tranh cãi. Đánh giá thiệt hại của quân đội Mỹ cho rằng ít nhất có 88.000 người chết ngay trong trận ném bom, một số sử gia khẳng định con số này lên tới 200.000 người. Hơn một triệu người lâm vào cảnh vô gia cư, trong khi nhiều nạn nhân bị thương cũng chết dần vì dịch bệnh và đói ăn.
Dù có quy mô rất lớn, chiến dịch này hầu như không được nhắc đến trong các cuốn sách lịch sử về Thế chiến II của Mỹ. Rất ít nhiều người biết về Meetinghouse, trong khi các bài học lịch sử gần như không bao giờ nhắc tới cuộc không kích đẫm máu này.
Ký ức rợn người về chiến dịch ném bom hủy diệt Tokyo Vào một đêm sáng trời tháng 3.1945, hơn 300 máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã tiến hành một trong những chiến dịch không ... |
Người Mỹ biến bom "ngu" thành "thông minh" như thế nào? Với sự ra đời của các loại bom thông minh, chiến thuật ném bom rải thảm giờ đây đã trở thành quá thừa thãi, khi ... |