Xích Bích là trận đánh lớn trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa". Đến nay, các chuyên gia lịch sử còn tranh luận gay gắt về những bí ẩn của đại chiến này.
Sau trận đại chiến này, thế chân vạc (Ngụy - Thục - Ngô) chính thức được hình thành, mở ra giai đoạn định đoạt thiên hạ hàng chục năm sau đó mà không bên nào giành thắng lợi tuyệt đối, cho đến khi cha con Tư Mã Ý thống nhất thiên hạ.
Đại chiến Xích Bích được dựng lại thành phim.
Trận đánh đã được hầu hết sử gia miêu tả trong các tác phẩm lịch sử, ghi dấu ấn công lao của nhiều nhân vật lừng danh. Đồng thời, tài năng, tính cách của những Chu Du, Gia Cát Lượng, Tôn Quyền, Tào Tháo… cũng được khắc họa chi tiết.
Những tranh cãi
Từ trước đến nay, đại chiến Xích Bích thường gắn liền những miêu tả trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Theo La Quán Trung, lực lượng quân Tào tham chiến và hoàn toàn bị tiêu diệt ở trận này lên tới 800.000 người. Tuy nhiên, đây có thể là con số không chính xác.
Các tư liệu sử học chính thống còn lưu giữ được cho thấy số quân Tào Tháo tham chiến ở Xích Bích không lớn như La Quán Trung nêu ra mà ít hơn rất nhiều, khoảng 200.000 người.
Sau khi chiếm được Kinh Châu, Tào Tháo thu nhận hàng binh từ Lưu Biểu, giúp quân số tăng lên gần 300.000. Thậm chí, theo Tam Quốc Chí của Trần Thọ, quân số thực sự có thể chiến đấu của Tào Ngụy chỉ khoảng 150.000 người.
Ở phía bên kia chiến tuyến, Tôn Quyền có 30.000 thủy quân. Lưu Bị có 10.000 thủy quân và gần 10.000 bộ binh. Như vậy, liên minh Thục - Ngô về cơ bản có khoảng 50.000 - 60.000 quân lính.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung miêu tả việc Gia Cát Lượng dùng diệu kế “người cỏ mượn tên” để thu về hàng vạn mũi tên của Tào Tháo mà chẳng cần mất binh tốt nào.
Những chi tiết miêu tả của La Quán Trung hết sức ly kỳ, đã tôn vinh tài trí của Khổng Minh lên mức “thánh thần”. Ví dụ, việc ông biết âm mưu của Chu Du muốn giết mình, rồi những dự đoán về sự biến đổi của thời tiết trong những ngày tiếp theo…
Tình tiết Gia Cát Lượng đi cùng Lỗ Túc và 30 thuyền cỏ trong sương mù, khiến Tào Tháo không dám xuất quân mà chỉ bắn tên ra. Tuy nhiên, theo sách 100 điều chưa biết về Gia Cát Lượng của các nhà sử học Trung Quốc, “thuyền cỏ mượn tên” không phải là kế của Không Minh, mà của Tôn Quyền.
Ai nghĩ ra kế 'hỏa công'?
Đây cũng chính là một trong những chi tiết gây tranh cãi trong trận đánh lịch sử này. Dùng “hỏa công” để tiêu diệt đại quân của Tào Tháo là chủ kế của Khổng Minh, Chu Du hay danh tướng nào khác?
Theo La Quán Trung, “hỏa công” là chủ ý của Khổng Minh và Chu Du. Cụ thể, diệu kế này được 2 người họ cùng nghĩ ra và viết lên tấm lụa trắng.
Tuy nhiên, theo ghi chép của nhiều nhà sử học, kể cả Tam Quốc Chí của Trần Thọ, người đề xuất kế đốt cháy quân Tào chính là lão tướng Hoàng Cái. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông đã “trá hàng” quân Tào trước đó.
Trần Thọ trong phần Ngô thư - Ngô chủ truyện viết: "Du, Phổ làm tả hữu Đô đốc, mỗi người lĩnh vạn quân, hợp sức cùng Bị. Đụng độ tại Xích Bích, đại phá Tào công. Công đốt thuyền rút lui, sĩ tốt đói mệt, chết quá nửa".
Bộ tướng Du là Hoàng Cái nói Địch đông ta ít, khó đánh lâu dài. Nay quan sát thấy thuyền Tào nối liền đầu đuôi, có thể dùng hỏa công... nên gửi thư cho Tào công trước, giả vờ đầu hàng. Đợi quân sĩ Tào công chủ quan, Cái phóng hỏa. Thuận gió mạnh, lửa ắt thiêu cháy doanh trại trên bờ'".
Trong phần Hoàng Cái truyện của Tam Quốc Chí, tác giả Trần Thọ đã ghi danh Hoàng Cái là nhân vật đã có công theo Chu Du kháng Tào ở Xích Bích, "hiến kế hỏa công".
Ngoài những tranh cãi ở trên thì hàng nghìn năm nay, địa điểm chính thức từng diễn ra trận Xích Bích vẫn là bí mật, với nhiều ý kiến khác nhau của giới sử học. Người ta vẫn chưa thể xác định được nơi chính xác đại chiến diễn ra. Nguyên nhân của tranh cãi này là bởi sông Trường Giang đã đổi dòng chảy từ thời nhà Đường, dẫn đến nhiều địa danh lịch sử không còn nằm ở vị trí cũ của nó. |
3 bí mật khiến Tào Tháo đến lúc chết cũng không dám xưng đế Theo lời của Tào Tháo thì: "Nếu thiên mệnh chỉ trúng tôi, vậy thì tôi sẽ làm Cơ Xương Chu văn Vương!". |
Chân dung con gái danh tướng Quan Vũ: “Hổ nữ” thời Tam Quốc Nếu là một fan của Tam Quốc diễn nghĩa, chúng ta không lạ gì những cái tên như Quan Bình, Quan Hưng hay Quan Sách ... |