Chủ trương dạy bơi trong nhà trường và phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học và THCS đã có, tuy nhiên, thực tế tình trạng trẻ em đuối nước vẫn rất nghiêm trọng.
- Hà Nội: Xuống hồ vợt cần câu cá, nam thanh niên đuối nước đến tử vong
- Kỹ năng sinh tồn giúp tránh bị đuối nước
- Theo mẹ và bà đi gặt lúa, hai em nhỏ đuối nước thương tâm
Chỉ tính từ cuối tháng 3 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ em thiệt mạng. Phần lớn các trường hợp đuối nước đều xảy ra gần khu vực sinh sống, gia đình hết sức khó khăn nên rất thương tâm... Như ngày 10-4, ba em học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) rủ nhau ra một hồ nước trong buôn để bắt ốc nhưng không may rơi vào vùng nước sâu, cả ba em tử vong.
Ngày 18-4 tại xã Hòa An (huyện Krông Pắk) cũng xảy ra vụ đuối nước khiến ba em học sinh lớp 4 tử vong. Cả ba em đều có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, trong đó một em từ nhỏ đã sống cùng bà nội. Cụ thể, một nhóm năm học sinh rủ nhau ra đập Bà Tỵ (huyện Krông Pắk) chơi. Trong lúc vui đùa tại khu vực tràn nước, không may ba em bị trượt chân ngã xuống hố nước sâu. Thấy vậy hai em còn lại ở trên bờ chạy đi gọi người đến cứu. Tuy nhiên khu vực đập vắng vẻ, ít người qua lại nên khi đến nơi cả ba em đã tử vong.
Gần đây nhất, ngày 1-5 nhân dịp nghỉ lễ, hai học sinh tiểu học tại xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột xin gia đình đi chơi nhưng đến chiều thì phát hiện chết đuối thương tâm tại hồ nước gần nhà. Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong hai năm 2020 và 2021 tỉnh Đắk Lắk xảy ra 102 vụ đuối nước khiến 121 trẻ tử vong.
Còn tại các tỉnh miền Tây, do đặc điểm sông ngòi chằng chịt nên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước. Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra bảy trường hợp trẻ đuối nước. Còn năm 2021 tỉnh xảy ra 18 trường hợp trẻ em đuối nước.
Riêng tại tỉnh An Giang, năm 2021 có 12 trường hợp và quý 1-2022 có bốn trường hợp trẻ đuối nước. Theo thống kê tại tỉnh Tiền Giang từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 trường hợp đuối nước ở trẻ em.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trong đó, số trẻ em tử vong do đuối nước lên tới 3.500 em. Riêng năm 2022, dù chỉ mới đầu hè nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trước đó về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội được giao nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo này, gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em. Rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Bộ Giáo dục và đào tạo được yêu cầu triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
Phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè. Hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và các điều kiện cần thiết liên quan và việc hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi, các dịch vụ liên quan cho học sinh, trẻ em.
Ngày 4/5, Bộ GD&ĐT đã có Công điện số 476/CĐ-BGDĐT gửi các Sở GD&ĐT trên cả nước về việc tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Bộ GD&ĐT đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo triển khai 4 nhiệm vụ cơ bản.
Thứ nhất, tăng cường quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh (gọi chung là học sinh), đặc biệt chú trọng các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC ngày 21/4/2022 về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với học sinh.
Thứ hai, mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học.
Thứ tư, tham mưu UBND tỉnh/thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn, các dịch vụ liên quan cho học sinh.