Mỹ và Việt Nam đang tăng cường quan hệ song phương là điều không có gì phải nghi ngờ.
Đó là khẳng định của ông Brian Hook, cố vấn cấp cao của ngoại trưởng Mỹ, trong cuộc họp báo qua điện thoại hôm 9-1 về chính sách của Washington với châu Á.
Theo ông Hook, việc Mỹ chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam mới đây đánh dấu cột mốc mới trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương, đồng thời thể hiện Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải.
"Thời gian của tổng thống Mỹ được sắp xếp rất kỹ và việc Tổng thống Donald Trump đến thăm cả Đà Nẵng và Hà Nội là biểu tượng cho thấy mối quan hệ này quan trọng thế nào đối với chúng tôi" - ông Hook đề cập tới việc ông chủ Nhà Trắng đến Đà Nẵng dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 11-2017.
Cũng trong chuyến thăm này, hai bên đã ký các thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỉ USD, cho thấy quan hệ hai nước "dựa trên trụ cột chính là an ninh và kinh tế".
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập trong năm 2017 Ảnh: AP
Ông Hook cho biết thêm trong gần một năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump luôn xem châu Á là trung tâm của các chính sách và Washington sẽ tiến hành một số chương trình trong năm nay để thúc đẩy sáng kiến "Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Về vấn đề biển Đông, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố khi hành vi của Trung Quốc vượt ra ngoài những giá trị và chuẩn mực quốc tế, Mỹ sẽ đứng lên bảo vệ trật tự luật pháp.
"Hoạt động quân sự hóa mang tính khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế. Họ đang đẩy các quốc gia láng giềng nhỏ hơn vào chỗ căng thẳng. Chúng tôi sẽ bảo vệ hoạt động tự do hàng hải và cho họ biết Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu, máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép" - ông Hook nhấn mạnh.
Cũng theo lời ông Hook, vấn đề biển Đông đã được Mỹ nêu ra trong tất cả cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc. Và trong các cuộc gặp cấp cao, phía Washington đều khẳng định sự ủng hộ đối với tự do hàng hải và nêu rõ Trung Quốc không được có hành động đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông.
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết nước này sẽ phản đối qua con đường ngoại giao nếu xác định rõ Bắc Kinh nuốt lời hứa không quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông.
Bình luận này được đưa ra không lâu sau khi Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát những hình ảnh cho thấy Đá Chữ Thập của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) dường như đang bị chuyển đổi phi pháp thành một căn cứ không quân.
"Chính phủ Trung Quốc từng nhiều lần nói họ sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mới bồi lấp. Nếu thật sự chúng ta có thể chứng minh họ đã đưa binh lính và hệ thống vũ khí đến đây, đó là hành vi nuốt lời" - ông Lorenzana tuyên bố.
Tướng hàng đầu Trung Quốc bị "sờ gáy" Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy đang bị điều tra vì có "nghi vấn về hối lộ" - ... |
Món quà đặc biệt Tổng thống Pháp tặng Chủ tịch Tập Cận Bình Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tặng ngựa cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là "chưa từng có tiền lệ". |