Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Trung thu, là các loại hàng hóa, bánh kẹo, đồ chơi dành cho trẻ em có sức tiêu thụ tăng đột biến. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự lấn lướt mạnh mẽ của đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc.

Các điểm chơi Trung thu ở ba miền
Văn Miếu đẹp rực rỡ trong đêm \'Thu vọng nguyệt\'
Đồ chơi trẻ em dịp Trung thu. Ảnh: Trần Kháng

Hàng năm, trước Trung thu hàng tháng, các mặt hàng phục vụ cái Tết đặc biệt dành cho trẻ em này đã bày bán nhộn nhịp, từ quần áo, bánh kẹo, nhất là bánh Trung thu, và đồ chơi trẻ em.

Cận kề dịp Trung thu, số lượng, chủng loại các mặt hàng nói trên, tăng lên chóng mặt, sức mua cũng rất lớn. Với tình yêu trẻ, các gia đình Việt, dù khó khăn đến mấy cũng dốc hầu bao để có quà Trung thu cho con.

Trong các mặt hàng Trung thu, bánh kẹo vẫn có nhiều thương hiệu Việt. Một số loại bánh kẹo ngoại nhập đắt tiền chỉ có ở các thành phố lớn, không phù hợp với túi tiền người dân các vùng khác.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng đồ chơi thì “tiếng nói” của hàng Việt còn chưa đủ mạnh, chủ yếu là một số mặt hàng đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, một số dụng cụ xếp hình, bóng bay…

Và thị trường của các mặt hàng này, tập trung tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM..., chưa lan tỏa đến các vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, có thể thấy các nơi bán hàng Trung thu, đầy ắp và chật ních đồ chơi Trung Quốc. Sản phẩm của họ, đa số giá thành rất thấp, chỉ từ vài nghìn, đến vài trăm nghìn. Mẫu mã, vô cùng đa dạng, chủng loại hết sức phong phú, màu sắc bắt mắt, tính năng thông minh, độc đáo.

Phải thừa nhận, các doanh nghiệp Trung Quốc rất giỏi nắm bắt tâm lý trẻ em, xu thế thời đại, có rất nhiều sáng tạo (hoặc bắt chước, học hỏi) trong việc sản xuất đồ chơi, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu luôn thay đổi của trẻ em.

Dĩ nhiên, những loại hàng hóa này độ bền kém. Trẻ chỉ chơi trong một, vài ngày, thậm chí vài tiếng là hỏng. Nhưng như vậy trẻ cũng đã thỏa mãn, vì đồ chơi nhanh chán.

Mặt khác, giá rẻ thì không thể có hàng tốt, bền.

Còn chúng có độc hại với trẻ hay không, không rõ. Nhưng chắc chắn, chủ yếu những đồ chơi đó đều làm từ nhựa tái chế, rẻ tiền.

Về nguồn gốc xuất xứ, bên cạnh hàng hợp pháp, cũng không thiếu hàng hóa nhập lậu, mà cơ quan chức năng không thể kiểm tra xuể.

Hàng ngày, chứng kiến người Việt dốc hầu bao để dòng tiền chảy về doanh nghiệp nước ngoài, quả thật rất lo ngại.

Làm gì để doanh nghiệp sản xuất đồ chơi Việt mạnh lên, cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài là câu hỏi cần được trả lời, không thể cứ mãi hô khẩu hiệu suông: “Người Việt dùng hàng Việt”.

https://laodong.vn/ban-doc/trung-thu-dung-de-doanh-nghiep-san-xuat-do-choi-viet-thua-tren-san-nha-567893.ldo

/ Quang Đại/Báo Lao động