Sử sách ghi lại, thời phong kiến ở nước ta cũng có những vị quan ăn hối lộ, nhưng cũng có những tấm gương quan thanh liêm quyết không nhận của đút dù chỉ là mâm cỗ.
Sử sách ghi lại, thời phong kiến ở nước ta cũng có những vị quan ăn hối lộ, nhưng cũng có những tấm gương quan thanh liêm quyết không nhận của đút dù chỉ là mâm cỗ.
Trần Thì Kiến móc họng giả mâm cỗ
Tiêu biểu cho các tấm gương liêm khiết là vị quan Trần Thì Kiến (1260 - 1330) đời Trần. Ông quê ở Đông Triều, Quảng Ninh, vốn là môn khách được Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tiến cử, vua Trần bổ nhiệm làm An phủ lộ Yên Khang (nay là huyện Yên Khánh, Ninh Bình), rồi An phủ sứ Thiên Trường. Đến năm 1296, do tính cương trực, liêm khiết, Trần Thì Kiến được triều đình bổ nhiệm làm kiểm pháp quan, nhậm chức Đại an phủ Kinh sư.
Việc Trần Thì Kiến quyết không nhận hối lộ từ những lễ vật thông thường được đời sau ca ngợi qua câu chuyện khi ông làm quan ở Thiên Trường, có người trong địa phương, nhân ngày giỗ đem biếu mâm cỗ. Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu, người ấy trả lời là vì gần trị sở nên đem biếu chứ không kêu xin gì. Mấy ngày sau quả nhiên người ấy có việc kêu xin, Thì Kiến liền móc họng nôn hết.
Sau này, Trần Thì Kiến được thăng làm kiểm pháp quan. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Mỗi khi có kiện tụng thì dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm phương pháp để ứng phó. Người đời đều cho là giỏi xét đoán kiện tụng”.
Đến năm 1298, vua lấy Trần Thì Kiến làm Nhập nội Hành khiển Hữu gián nghị đại phu - chức quan chuyên can gián các việc của triều đình, chỉ đứng sau Tể tướng.
Nguyễn Duy Thì không nhận hai nghìn lạng vàng
Trong cuốn ký sự “Tang thương ngẫu lục” của hai tác giả Nguyễn Án và Phạm Đình Hồ, ghi lại những câu chuyện, giai thoại về các nhân vật thời Lê mạt, cũng có những câu chuyện về việc hối lộ các vị quan.
Quan thượng thư Nguyễn Duy Thì (1562 - 1642), người Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là một vị văn tướng nổi danh đời Lê Trung Hưng. Do tính ông ngay thẳng nên khuyên can chúa Trịnh điều gì chúa đều nghe.
Trong phủ ông ở, có một nhà riêng gọi là Tư Chính Đường. Mỗi khi ở trong triều về, ông nghỉ ở đó. Trong nhà chỉ có hai thằng nhỏ, ngày đêm chực hầu mà thôi. Người ngoài tuyệt nhiên không ai dám đến cầu khẩn việc gì, ngay vợ con cũng không được đến
Một hôm, có người mắc tội đáng chết, đã đi kêu van khắp nơi quyền quí không ai giúp được, ai ai cũng không cứu nổi. Vợ người bị tội liền tìm gặp hai người hầu, khóc lóc nhờ nói xin lễ ông hai ngàn lạng vàng. Hai người hầu từ chối xua tay bảo rằng: “Tướng công tôi không phải là người mà vàng bạc làm chuyển lòng được. Nhưng tôi thấy chị lo lắng cũng thương hại không nỡ làm thinh. Vậy để tôi ướm xem”.
Nói xong hai người hầu bưng vàng vào nhà, bày ngay ở chỗ giường ông nằm. Đêm khuya ông ở trong triều về, lên giường nằm đụng phải vàng rơi loảng xoảng, ông ngạc nhiên hỏi: “Làm sao có của này?”. Người hầu quỳ lạy xin tha tội và kể đầu đuôi. Ông ngồi im một lúc rồi bảo:
- Thôi, cho đứng dậy, ta không bắt tội mày. Án tử hình là việc lớn, nay vì mối lợi hai ngàn lạng vàng, mà mày còn trẻ đã dám đương lấy cái chết, nhưng hoặc giả là ý trời chăng! Thế mụ ấy cho mày bao nhiêu?
- Bẩm, sáu trăm lạng!
- Thôi, số bạc ấy cho mày, còn ta không nhận tí gì đâu, hãy đem trả ngay lại cho người ta!
Nói xong, lập tức ông bảo đánh xe vào phủ chúa, gõ cửa xin hầu. Chúa giật mình trở dậy, mời vào hỏi có viêc gì mà khẩn cấp. Ông thưa:
- Lúc ban ngày tôi xét một việc án can hệ, kẻ phạm tội phải xử tử. Đêm đến có người nói là nó bị oan không kêu vào đâu được. Vậy xin Chúa thượng xét lại!
Chúa Trịnh cười mà bảo rằng: “Tiên sinh khó nhọc quá, sao không để đến mai?”
Ông thưa: “Thần sợ để chậm một chút, lỡ có vẻ nghiêng thêm về ý riêng”.
Chúa ân cần khuyên nhủ, sau người tù ấy thoát khỏi tội chết.
Vì bữa xôi thịt mà cứu mạng người
Cũng sách “Tang thương ngẫu lục” chép chuyện ông Nguyễn Văn Giai (1553 – 1628), người làng Thiên Lộc (Hà Tĩnh), khi giữ chức Chưởng quản Lục bộ (Chức Thủ tướng), các bậc thân quý của Chúa đều kiêng nể không dám làm chuyện phạm pháp.
Có lần, viên Quận Mã (con rể Chúa) đi đánh giặc thua bỏ chạy, ông cho bắt bỏ vào ngục rồi khép vào tử tội. Chúa muốn xin tha nhưng không biết nói cách nào, nhân đem những chỉ dụ ra để cãi lý, song rốt cuộc không cãi nổi ông.
Ông có nhiều vợ, riêng bà thứ ba được ông yêu nhất. Quận chúa liền đem những đồ báu ngọc, nhờ người vú đưa vào xin yết kiến bà, và đem việc Mã Quận ra nói.
Bà Ba từ chối mà trả lời rằng: “Tướng công là người thanh liêm, vả lại việc đó là việc can hệ trọng trong triều, tôi đâu dám can dự vào”.
Quận chúa cố nài nỉ, bà Ba chầm chậm nói: “Thế thì sáng mai, bà sửa xôi nếp cái, lợn nhỏ luộc chín, để sẵn cả các thứ gia vị cùng dao vào mâm chờ lúc tướng công đi vắng mang cả mâm vào đây mà biếu”.
Quận chúa mừng rỡ cảm ơn ra về. Sáng hôm sau, khi sắp sửa vào triều, ông bảo dọn cơm sang, bà Ba thưa: “Trong triều đã đầy đủ các quan, hay để lúc về hãy dùng cơm vậy”. Ông nghe lời ra xe đi, khi tan triều về đến nhà nhân đương đói, thấy mâm đồ ăn, mở ra lại thấy sẵn dao liền thái thịt lấy xôi ăn.
Ăn xong, ông hỏi sao có thức ăn đó. Bà Ba mới thú thật, ông giận lắm, phàn nàn một lúc lâu rồi nói: “Lỗi tại ta, lỗi tại ta. Chỉ vì một bữa ăn no mà tha chết cho một mạng người, hay là ý trời đã định thế chăng?”.
Rồi ông vội đánh xe vào trong hầu Chúa để xin tha tội cho Quận Mã. Chúa mừng lắm, chuẩn y ngay.
Phạm Công Trứ lỡ ăn món chả chim
Sách của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ cũng kể giai thoại về việc hối lộ qua món ăn cho vị Quốc lão là Phạm Công Trứ (1600 - 1675), người huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương. Chuyện rằng một viên tù trưởng phạm tội đáng chết, người vợ liền đút lót với người đầu bếp của ông, nhờ mang chim sẻ vào dâng nói: “Cụ lớn ưa thích món này”. Người đầu bếp nướng món chả chim để ông ăn. Khi ăn xong ông hỏi, người đầu bếp mang vàng ra lạy xin tha tội. Ông liền móc họng nôn ra hết và bảo:
- Thôi, mày đem vàng ra ngay đi, ta không trách phạt gì.
Đến khi người tù sắp bị xử tử, ông vào xin hầu Chúa xin tha tội chết cho hắn. Chúa cũng nghe theo.
Bình luận về các sự việc này, tác giả “Tang thương ngẫu lục” viết: “Hai việc nói trên kể cũng giống nhau. Hai Nguyễn Văn Giai và Phạm Công Trứ đều là văn tướng, nổi danh thời Trung Hưng, mà một ông ăn lễ thịt lợn luộc, một ông ăn chả chim sẻ mà nên chuyện. Vậy thì, há chẳng nên cẩn trọng sự ham thích đấy chăng?”.
Nguyễn Bá Dương vàng không mua chuộc nổi
Ông Nguyễn Bá Dương, người làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê, nay là huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, thi đỗ tiến sĩ năm 1766, cũng là danh sĩ thời Lê mạt. Khi làm quan tại triều, có lần ông được chúa Trịnh Sâm giao cho xét án ở Ái Châu, nay là Thanh Hóa.
Ông phát hiện có viên quan coi việc kiện tụng thường cậy thế là người nhà của Tuyên phi Đặng Thị Huệ để làm càn và ăn của đút lót. Ông liền bắt trói viên quan tham và buộc y phải trả lại những thứ đã bòn rút của thiên hạ, nếu không sẽ bị đánh đòn cho đến chết mới thôi.
Quá kinh hãi, viên quan tham đành phải nộp lại bốn trăm lạng vàng mà y nhận hối lộ. Bá Dương liền giải hắn về kinh và đem số vàng ấy nộp cho chúa. Được tin dữ, Tuyên phi liền đến kêu khóc với Chúa, xin tha vụ này. Chúa cười, nói: Số vàng còn đủ cả đây thôi, kêu van gì nữa. Tuyên phi hổ thẹn lui ra, còn viên quan kia phải chịu tội.
Nguyễn Bá Dương được lưu lại kinh sư Thăng Long bổ dụng làm quan. Chúa Trịnh Sâm trọng văn tài của ông, cho làm Hàn lâm viện đại chế, Tế tửu Quốc tử giám.
Truyền rằng, dù làm quan to, nhưng Nguyễn Bá Dương không vì thế mà tư lợi, tham ô nhũng lạm nhân dân, bởi thế ông rất được chúa Trịnh Sâm nể vì, trọng dụng.
"Bao Công thời Trần" và chuyện móc họng trả thức ăn cho kẻ hối lộ Trần Thì Kiến là một trong những vị phán quan công minh nổi tiếng. Ông để lại nhiều giai thoại xử án công bằng, trong ... |
Bác sĩ Việt đầu tiên nhận giải thưởng Nikkei Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là người Việt đầu tiên được vinh danh ở lĩnh vực khoa học công nghệ trong 22 năm từ khi ... |
Kẻ dùng thuốc diệt cỏ phá vườn quất Tết của hàng xóm lĩnh 30 tháng tù Sau khi phun thuốc diệt cỏ lên hơn 400 cây quất cảnh của 2 người hàng xóm, Hà Thanh Liêm bị tòa tuyên 30 tháng ... |