Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ GTVT đã trải qua thời gian nghiên cứu là 18 năm với 5 lần lập quy hoạch.
- Thông tin chính thức về sự cố mất điện làm gián đoạn hoạt động tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội
- Nhiều nơi ở Quảng Bình vẫn chìm trong biển nước, tuyến đường sắt Bắc-Nam tê liệt
Tại tọa đàm về chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, bất kỳ dự án đầu tư nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ GTVT đã trải qua thời gian nghiên cứu là 18 năm.
“Đến thời điểm hiện nay, trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ GTVT đã dự báo nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách trên trục Bắc-Nam là lớn nhất”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly trên 1.000 km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000 km phải là phương thức vận tải đường sắt. Do vậy khoảng cách từ các tỉnh miền Trung ra đến Hà Nội cần có một tuyến đường sắt phù hợp với tình hình mới để phục vụ nhu cầu của người dân là hoàn toàn hợp lý.
Cùng với đó, xét về điều kiện kinh tế, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực của chúng ta cơ bản không phải là thách thức lớn.
Tư vấn nước ngoài sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam |
Do vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đây là thời điểm thích hợp để trình Quốc hội xem xét, cho chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao.
Đề cập đến kịch bản triển khai dự án sau khi Quốc hội đã cho chủ trương thực hiện dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thông tin: Bộ này sẽ triển khai ngay việc lựa chọn tư vấn quốc tế để nghiên cứu một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và kiến giải những vấn đề kỹ thuật cần thiết phải làm rõ.
Bộ cũng sẽ triển khai ngay chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị quản lý nhà nước, quản lý dự án cũng như quản lý quá trình vận hành khai thác; chuẩn bị tiền đề để triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức thực hiện đầu tư dự án.
Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, lực lượng lao động của ngành đường sắt hết sức quan tâm tới dự án. Hiện lực lượng nhân sự tại Tổng Công ty Đường sắt là trên 22.000 người, đây là lực lượng chính, là tiền đề để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, với vai trò quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao này.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải thực hiện ngay nhiệm vụ chuẩn bị tái cơ cấu để xây dựng một mô hình phù hợp với điều kiện quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao.
Cùng với đó, ông Khánh cho biết, Tổng Công ty cũng đang chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực cho quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao. Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng với lực lượng lên tới gần 14.000 người. Hiện nay, đơn vị đang tổ chức triển khai bố trí lực lượng trong ngành để học tập tại các nước phát triển công nghiệp đường sắt.
Tổng Cty cũng đang chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực để chuẩn bị hợp tác, xây dựng các mô hình tổ chức cũng như cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận khi được giao.