Ngôi nhà 7 tầng của "ông trùm" ma túy Tàng Keangnam nằm ngay mặt quốc lộ 6, trung tâm thị trấn nông trường Mộc Châu, Sơn La đã bị đánh sập.
Tòa nhà 7 tầng của "trùm" ma túy Tráng A Tàng (36 tuổi, hay còn gọi là Tàng "Keangnam", ở xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La) vừa được UBND huyện Mộc Châu, Sơn La tổ chức phá dỡ vào ngày 15/1.
Trả lời trên báo Tiền phong, ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho hay: “Hàng năm, tỉnh Sơn La phải chi cả nghìn tỷ đồng cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy. Tàng "Keangnam" là một "trùm" ma túy sừng sỏ. Căn nhà 7 tầng như một “lâu đài ma túy”, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phá bỏ, không thể để đấy làm tấm gương “mơ ước” cho tội phạm ma túy”.
Trước đó, vào tháng 7/2013, khi ngôi nhà đang được xây dựng thì Tàng cùng vợ là Giàng A Sua và nhiều đồng phạm khác bị bắt khi đang vận chuyển 265 bánh heroin và 553 viên ma túy tổng hợp qua tỉnh Bắc Ninh. Sau khi Tàng "Keangnam" bị bắt, cơ quan điều tra xác định ngôi nhà 7 tầng này là tài sản có nguồn gốc từ buôn bán heroin mà có nên đã kê biên theo quy định.
Ngôi nhà bị phá dỡ. (Ảnh: Báo Thanh niên) |
Từ vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Vậy việc xử lý tài sản của người phạm tội được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?
Thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá - Công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự thì vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Việc xử lý vật chứng sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng. Trong trường hợp vật chứng là tài sản do người phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Về phương án xử lý tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu được thực hiện theo Thông tư 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận bàn giao tài sản từ cơ quan thi hành án (đối với tài sản có quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày quyết định tịch thu có hiệu lực pháp luật (đối với tài sản do cơ quan điều tra, viện kiểm sát ra quyết định tịch thu), đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản để trình cấp có thẩm quyền quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP phê duyệt.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản về phương án xử lý tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu, cấp có thẩm quyền quy định Điều 23, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP có trách nhiệm phê duyệt phương án xử lý tài sản.
Về thẩm quyền phê duyệt xử lý tài sản, được quy định tại Nghị định 29/2014/NĐ-CP.
Theo đó, trong trường hợp tài sản không thuộc trường hợp là vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh; vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, không được sử dụng vào mục đích thương mại và các tài sản khác không được phép lưu hành; tài sản là máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn theo tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định thì thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại sao Sơn La cương quyết phá hủy tòa nhà của \'trùm ma túy\' Tàng Keangnam? Việc một tỉnh nghèo như Sơn La không phát mại, sung công mà lại đập bỏ một công trình kiên cố và đồ sộ khiến ... |
Mộc Châu đánh sập tòa nhà 7 tầng Tàng KeangNam Trong quá trình phá dỡ "lâu đài ma túy" của Tàng KeangNam, tòa nhà 7 tầng bất ngờ đổ sập, đè một phần chiếc máy ... |