Trong tuần giao dịch 10-6 đến 14-6, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá, trong đó nhiều mặt hàng ghi nhận mức biến động mạnh. Nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đặc biệt thu hút sự chú ý.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm ưu thế ở nhiều mặt hàng quan trọng đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt tuần tăng 0,7% lên mức 2.295 điểm.

17.6-3-nl.png
Bảng giá giao dịch năng lượng tuần từ 10-6 đến 16-6. Nguồn: MXV.

Kết thúc tuần vừa qua, giá dầu thế giới phục hồi từ mức đáy 4 tháng, sau một loạt các báo cáo tháng tích cực từ các tổ chức lớn, bên cạnh áp lực vĩ mô giảm bớt. Chốt tuần, giá dầu thô WTI tăng 3,87% lên 78,45 USD/thùng, tương tự giá dầu thô Brent tăng 3,77% lên 82,62 USD/thùng.

Trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 6, Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng (EIA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 lên 1,10 triệu thùng/ngày so với ước tính trước là 900.000 thùng/ngày. Báo cáo cũng giảm dự báo sản lượng dầu thế giới thêm 200.00 thùng/ngày sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện tới quý III. EIA dự báo thị trường sẽ thâm hụt 320.000 thùng/ngày trong năm nay, thay vì tương đối cân bằng như ước tính trước đó.

Ở diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm 1,27% khi EIA điều chỉnh tăng số liệu tồn kho của Mỹ, bất chấp báo cáo thường niên của Hội đồng Điện Bắc Mỹ nhấn mạnh nguy cơ thiếu năng lượng tăng cao ở một số bang tại nước này do nhiệt độ nóng hơn trong mùa hè.

17.6-2-ca-phe.png
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp tuần từ 10-6 đến 16-6. Nguồn: MXV.

Chốt tuần, giá bông giảm mạnh gần 4% xuống mức 1.564,6 USD/tấn, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10-2022, sau 3 tuần giảm liên tiếp. Đồng USD mạnh lên, khiến giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, gây sức ép lên giá.

Tại thị trường cà phê, sau 4 tuần tăng liên tiếp, giá cà phê Robusta đã đảo chiều giảm gần 3% trong tuần qua. Cùng với đó, giá cà phê Arabica cũng điều chỉnh giảm 0,22%, từ vùng đỉnh lịch sử.

Đáng chú ý, tỷ giá USD/BRL lên mức cao nhất 18 tháng đã thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil do thu về nhiều ngoại tệ hơn, từ đó củng cố nguồn cung cà phê trên thị trường.

https://hanoimoi.vn/tuan-bien-dong-manh-gia-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-669466.html

Lam Giang / HNM.com.vn