Chiến thắng đối thủ được xem là khó chơi nhất bảng A với tỷ số 3-0 hẳn khiến người hâm mộ cả nước nức lòng. Song, để có thể bảo vệ thành công chiếc Huy chương Vàng bóng đá nam ở SEA Games 31 này, U23 Việt Nam vẫn còn những điểm rất cần tinh chỉnh.
- U23 Việt Nam và tâm thế đương kim vô địch
- Thắng đậm U23 Indonesia, U23 Việt Nam khởi đầu mỹ mãn ở SEA Games 31
Phải thừa nhận U23 Việt Nam đã có một màn ra quân ấn tượng, với những gương mặt ấn tượng đủ để tạo niềm tin về một thế hệ kế cận ở cấp ĐTQG như Lý Công Hoàng Anh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Xuân, Lê Văn Đô…
Cùng với việc lựa chọn tăng cường các vị trí trên 23 tuổi rất khôn ngoan của ông Park Hang-seo, U23 Việt Nam đã cho thấy họ là một ứng cử viên hàng đầu cho HCV bóng đá nam kỳ SEA Games này. Song, muốn đi tới đích, chúng ta cần phải tỉnh táo nhìn nhận những điểm chưa được ở trận gặp Indonesia và tinh chỉnh cho các trận đấu kế tiếp.
Hãy quên đi 3 bàn thắng mà chúng ta có được và tập trung nhiều vào hiệp 1, hiệp đấu mà chúng ta không thể ghi bàn. Những ưu điểm ở hiệp 1 đã được duy trì rất tốt ở hiệp 2, mà điển hình nhất là khả năng giữ cự ly, giữ khối đội hình tốt, tổ chức pressing hiệu quả, phòng ngự sớm đón lõng chặt chẽ, kiểm soát bóng 2 tốt. Nhưng việc kiểm soát được hoàn toàn thế trận mà không ghi được bàn thắng khi vẫn tạo ra được các cơ hội cần được ông Park Hang-seo xem là một nhược điểm phải khắc phục khẩn trương.
U23 Việt Nam phát triển bóng tốt, tổ chức tấn công có bài bản, ý tưởng và dàn xếp bóng vào vòng cấm đối phương cũng rất khôn ngoan. Nhưng các chân sút của chúng ta vẫn còn thiếu một chút gì đó, không phải là may mắn, để biến cơ hội thành bàn thắng. Sự thiếu chính xác của họ không đến từ kỹ năng cá nhân đơn thuần mà nhiều khi đến từ nhịp vào bóng chưa thực sự chuẩn xác. Trong bóng đá, ở các tình huống uy hiếp khung thành, tiếp bóng sớm hay muộn chỉ một nhịp nhỏ thôi cũng khiến cơ hội bị bỏ lỡ.
Muốn khắc phục được nhược điểm này, tầm hoạt động của hàng công là thứ cần cân nhắc kỹ nhất. Tầm hoạt động này sẽ quyết định việc các tiền đạo bắt đầu bứt tốc từ đâu, với khoảng cách bứt tốc là bao nhiêu, và từ đó ăn khớp với nhịp lên bóng, chuyền bóng của đồng đội một cách hiệu quả hơn. Có lẽ, ông Park và đội ngũ trợ lý lành nghề của mình sẽ mổ xẻ yếu tố này rất kỹ để lựa chọn cho Văn Tùng, Tiếm Linh, Lý Công Hoàng Anh (hoặc những nhân tố thay thế họ) một khu vực hoạt động thuận lợi hơn nhằm mục đích khi tiếp bóng uy hiếp khung thành đối phương, họ được đặt vào vị thế và nhịp chơi dễ dàng đạt độ chính xác nhất.
Một nhược điểm khác cần phải tinh chỉnh chính là khả năng chuyển hướng lên bóng đột ngột để lợi dụng việc khối đội hình của đối thủ đang bị xô lệch về bên biên có bóng. Phải thừa nhận U23 Indonesia năm nay không sắc bén. Do đó, U23 Việt Nam dễ thở hơn ở khâu triển khai bóng, phát động và tổ chức tấn công. Nhưng muốn đi đến ngôi vô địch, chúng ta cần xác định rõ đối thủ ở bán kết, chung kết sẽ khó chơi hơn rất nhiều, khiến chúng ta vất vả hơn nhiều trong các khâu kể trên. Ở vào thế bị phong toả như vậy, việc chuyển hướng đột ngột luôn là giải pháp mang lại hiệu quả rất cao.
Hiệp 1 trận gặp U23 Indonesia, ở phút thứ 9, có một pha Lê Văn Xuân bất ngờ chuyền dài chéo sân từ biên trái sang biên phải. Pha chuyền bóng đó ý đồ rất tốt, đường chuyền tốt nhưng đồng đội của Xuân không đón bóng được. Tuy thất bại nhưng nó chính là một dấu hiệu cho thấy cầu thủ của ông Park Hang-seo hoàn toàn có khả năng chơi chuyển hướng bất ngờ kiểu này. Đặc biệt, với việc dùng hai biên thủ trái kèo như cách sử dụng Văn Xuân, Văn Đô của ông Park, những đường mở chéo sân tịnh tiến hướng di chuyển của đồng đội kiểu này chắc chắn đủ mang lại cho ông Park một vũ khí mới.
Không có gì là hoàn hảo cả và U23 Việt Nam cũng vậy. Nhưng từng trận đấu ở vòng bảng chính là cơ hội để dần hoàn thiện mình hơn. Hi vọng, ở trận gặp U23 Phillippines ở ngày 8/05 tới đây, U23 Việt Nam sẽ có những tinh chỉnh để người hâm mộ được nhìn thấy một ứng cử viên sắc bén thực sự, tin cậy thực sự và đa dạng trong cách ứng phó với các đối thủ khác nhau.