Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang chế tạo con tàu bí ẩn mới có một số đặc điểm của tàu tấn công đổ bộ hoặc tàu nghiên cứu đại dương dân sự.

Tạp chí quân sự The Warzone của Mỹ mới đây công bố những hình ảnh được chụp bởi Planet Earth hôm 23/10, cho thấy Trung Quốc dường như đang chế tạo con tàu bí ẩn mới có một số đặc điểm tàu tấn công đổ bộ hoặc tàu nghiên cứu đại dương dân sự.

Con tàu đang được đóng bởi Nhà máy đóng tàu Quảng châu (COMEC) trên đảo Long Huyệt, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. COMEC thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC).

Hình ảnh vệ tinh cho thấy sàn bay của của một con tàu đang được chế tạo tại xưởng đóng tàu ở đảo Long Huyệt, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: The Warzone)

Hình ảnh vệ tinh cho thấy sàn bay của của một con tàu đang được chế tạo tại xưởng đóng tàu ở đảo Long Huyệt, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: The Warzone)

Tom Shugart, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) có trụ sở tại Washington, đánh giá cấu hình con tàu giống tàu sân bay hạng nhẹ hoặc tàu tấn công đổ bộ, chẳng hạn như tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga của Nhật Bản hoặc tàu tấn công lớp 075 của Trung Quốc.

Shugart ước tính con tàu bí ẩn dài khoảng 200 m với chiều rộng khoảng 40 m, lưu ý đây cũng có thể là một "tàu sân bay nghiên cứu".

Ngoài ra, Shugart cho biết ông cũng chú ý đến một chiếc tàu ba thân không người lái dài 60 m đang được Viện nghiên cứu số 716 của CSSC đóng gần đó.

Phía Trung Quốc không bình luận về bất kỳ con tàu nào, cũng như không xác nhận mục đích của chúng.

Công ty phụ trách từng giới thiệu con tàu ba thân có "hệ thống động cơ bền bỉ và được phát triển hoàn toàn trong nước", cho biết tàu "có thể tự mình thực hiện các nhiệm vụ trong nhiều tình huống khác nhau".

Tạp chí Warzone chỉ ra những điểm tương đồng với tàu không người lái Seahunter của Hải quân Mỹ, được thiết kế cho tác chiến chống tàu ngầm.

Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Trung Quốc mở rộng cả lực lượng hải quân cùng hạm đội tàu nghiên cứu dân sự trong những năm gần đây và hiện có 64 tàu nghiên cứu dân sự đang hoạt động.

Dù Bắc Kinh tuyên bố nỗ lực mở rộng nghiên cứu khoa học, nhưng những chuyến đi của các tàu nghiên cứu đại dương dân sự nước này khiến nhiều bên lo ngại về ranh giới mờ nhạt giữa công nghệ quân sự và dân sự.

Ví dụ, lớp tàu khảo sát đại dương Hướng Dương Hồng ban đầu được chế tạo cho mục đích quân sự trước khi chuyển giao cho hạm đội dân sự.

Vào tháng 2, Sri Lanka từ chối cho tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 03 của Trung Quốc cập cảng. Quyết định được cho là chịu áp lực từ Ấn Độ, quốc gia cáo buộc các tàu nghiên cứu của Trung Quốc "do thám" quân đội nước này.

Vào tháng 7, lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cảnh báo một tàu nghiên cứu của đại lục đi vào phạm vi 20 hải lý (37 km) tính từ bờ biển của hòn đảo. Đài Loan cho rằng cách tiếp cận này là một phần trong chiến thuật "vùng xám" của Bắc Kinh nhằm gây áp lực lên hòn đảo mà không cần chiến tranh toàn diện.

Hoa Vũ / VTC News