Câu chuyện "ăn chặn" tiền thưởng là nỗi buồn và gây ra không ít rắc rối cho thể thao Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Một tuần trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Cục Thể dục thể thao nhận văn bản nhắc nhở và phê bình từ Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch vì chậm xử lý vụ lùm xùm ở đội tuyển Thể dục dụng cụ Quốc gia. Đó là vết gợn của thể thao Việt Nam kéo dài từ cuối năm 2023 sang năm mới 2024 vẫn chưa có hồi kết.

Nhưng, đây không chỉ là câu chuyện buồn đơn thuần từ sai phạm trong công tác quản lý. Nhìn từ những góc độ khác,  câu chuyện VĐV chia tiền thưởng cho HLV như "luật bất thành văn" khiến những người ở cả trong và ngoài ngành thể thao phải suy ngẫm. Ở đó, có một ranh giới mong manh giữa sự sẻ chia và "ăn chặn". 

VĐV Phạm Như Phương tố HLV

VĐV Phạm Như Phương tố HLV "ăn chặn tiền thưởng".

Chia sẻ với VTC News, một huấn luyện viên kể lại kỷ niệm chạnh lòng khi bị gạt ra khỏi danh sách nhận thưởng của doanh nghiệp trong lễ vinh danh thành tích ở đơn vị địa phương. Ngoài bằng khen và phần thưởng theo quy định của nhà nước từ đơn vị chủ quản, vị HLV này không được ghi nhận bằng hình thức nào khác khi học trò có thành tích cao ở giải quốc tế dù bản thân ông cũng là thành viên của đội tuyển quốc gia.

Các vận động viên ngỏ ý muốn trích tiền thưởng cá nhân, góp l lại cho người thầy đã huấn luyện họ nhiều năm từ lứa trẻ. Dẫu vậy, vị HLV cương quyết từ chối. 

Có lẽ ở nhiều môn thể thao khác, thứ gọi là "luật bất thành văn" trong việc thầy-trò chia tiền thưởng cũng hình thành như vậy. Công việc của các HLV vốn được xem là cống hiến thầm lặng và khi vinh danh, họ không được ghi nhận nhiều bằng những nhân vật chính - các VĐV - là điều dễ hiểu.

 

Nhiều khi các HLV chẳng đòi VĐV chia tiền - điều vừa phản cảm mà cũng trái quy định, nhưng bản thân các học trò muốn sẻ chia với thầy cô. Họ chọn cách gửi lại phần quà như sự tri ân. Thứ "luật bất thành văn" trở thành câu chuyện vui vẻ và ai cũng thấy thoải mái.

Ở bất kì môn thể thao nào, để có được thành tích, cần cả một bộ máy đứng sau các VĐV. Từ ban huấn luyện, lãnh đạo, nhân viên hậu cần và thậm chí là những người "thầm lặng" là "quân xanh" trong tập luyện.

Câu chuyện của VĐV Phạm Như Phương khiến ngành thể thao phải suy ngẫm về

Câu chuyện của VĐV Phạm Như Phương khiến ngành thể thao phải suy ngẫm về "luật bất thành văn" trong việc chia tiền thưởng.

Anh T. (tên nhân vật được thay đổi) - từng là cán bộ truyền thông của một đội bóng đá chuyên nghiệp kể lại câu chuyện được thưởng cuối năm... vài trăm nghìn đồng. Vì CLB không có cơ chế khác, tự các thành viên còn lại quyết định góp tiền tặng cho anh T., cảm ơn người "đội nắng, dầm mưa theo lịch tập luyện, thi đấu của cầu thủ". 

Ở một số CLB khác tại V.League, ban huấn luyện và cầu thủ tự đặt ra nội quy trích riêng tiền thưởng (do lãnh đạo CLB và nhà tài trợ dành tặng sau mỗi trận thắng) để cảm ơn nhân viên hậu cần, văn phòng. Đây là khoản quỹ tự nguyện.

Sẽ chẳng có chuyện lùm xùm nào nếu sự sẻ chia ấy không bị biến tướng. Các VĐV muốn cảm ơn thầy cô là việc tốt, nhưng nếu họ không làm vậy thì cũng không có vấn đề gì chê trách cả. Tuy nhiên, câu chuyện rẽ theo hướng rất khác khi xuất hiện yếu tố ép buộc. Ranh giới giữa việc "sẻ chia" và "ăn chặn" nằm ở suy nghĩ, cảm xúc và tính minh bạch của khoản tiền.

Làm thế nào để sự sẻ chia không biến tướng thành ăn chặn?

Chỉ có một cách để giải quyết, mọi thứ đừng chỉ là "ngầm hiểu", hãy rõ ràng ngay từ đầu và nâng cao tính minh bạch. Các VĐV có quyền lựa chọn không theo "luật bất thành văn" ấy. Họ - những chủ nhân hoàn toàn xứng đáng của khoản tiền thưởng - phải được quyền quyết định.

https://vtc.vn/vet-buon-nam-cu-cua-the-thao-viet-nam-de-se-chia-khong-bien-thanh-an-chan-ar848366.html

MAI PHƯƠNG / VTC News