Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam và cách ly đủ 14 ngày tại Hải Phòng, tân Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Yusuke Adachi sẽ chính thức làm việc vào tuần cuối cùng tháng 8. Tuy nhiên, đâu là lý do thật sự để VFF nối lại duyên xưa với một chuyên gia Nhật Bản, nhất là sau mối tình không trọn vẹn cùng HLV Toshiya Miura?
Sự nghiệp thăng trầm
Cái tên Yusuke Adachi có thể lạ lẫm với khán giả bóng đá Việt Nam khi lần đầu nghe tên nhưng lại vô cùng quen thuộc với dân trong nghề. Có nhiều lý do dẫn đến sự mâu thuẫn đó, nhưng một phần cũng là bởi ông Adachi gần như chưa bao giờ trực tiếp làm tướng đánh trận ở những sân chơi lớn. Thời còn làm cầu thủ, Adachi chỉ là một cầu thủ vô danh chơi bóng 5 năm cho một CLB bán chuyên tại địa phương mình sống. Ông chưa từng thi đấu chuyên nghiệp dù chỉ một trận.
Yusuke Adachi không có nhiều kinh nghiệm làm bóng đá đỉnh cao. |
Adachi giải nghệ năm 23 tuổi để sớm chuyển sang Đức học công tác huấn luyện, con đường khá giống với người đồng hương Toshiya Miura. Nhưng trong khi cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam từng bôn ba qua nhiều đội bóng ở J.League, lập kỳ tích thăng hạng với một vài CLB nhỏ ông từng làm việc, thì Adachi chưa từng làm được điều đó. Dấu ấn đáng nhớ nhất của Adachi chỉ là… 1 năm làm HLV trưởng Yokohama FC ở J.League 2 với với vỏn vẹn 10 chiến thắng sau 45 trận cầm quân.
Quãng thời gian gắn bó cùng HLV Adachi là chuỗi ngày đáng quên của Yokohama FC bởi họ bỏ rất nhiều tiền chiêu mộ cầu thủ giỏi với mục tiêu thăng hạng nhưng không thành công. Từ vị trí nhì bảng sau khi kết thúc giai đoạn một J.League 2 năm 2005, Yokohama FC liên tục trượt dài và khép lại với thành tích đứng thứ 11. Lãnh đạo CLB vẫn đặt niềm tin vào Adachi ở mùa giải mới, nhưng dần thất vọng bởi thành tích giao hữu trước thềm J.League 2 năm 2006.
Trận thua ngay vòng đầu tiên trở thành giọt nước tràn ly khiến Adachi mất ghế. Yokohama FC đưa ông về phụ trách đào tạo trẻ nhưng gần như không giao nhiệm vụ gì cả. Mỗi ngày đến văn phòng làm việc, tất cả những gì Adachi làm là cập nhật nội dung hoạt động CLB lên trang web chung. Chán nản vì không được làm công tác chuyên môn, Adachi xin nghỉ việc, chuyển sang làm giảng viên ở Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản rồi sau đó là AFC.
Trong thời gian gắn bó cùng AFC trên cương vị giảng viên đứng lớp, Adachi làm việc cùng nhiều HLV Việt Nam. Ai cũng ấn tượng về ông thầy người Nhật Bản về mức độ tận tụy yêu nghề. Dù vậy, việc được trao hợp đồng 3 năm với cương vị GĐKT thực sự là điều ngay Adachi cũng không dám nghĩ tới. Ông đến Việt Nam không chỉ với tư cách chuyên gia nước ngoài ký hợp đồng dài nhất lịch sử trong lần đầu làm việc cùng VFF, mà còn bởi chính ông chưa bao giờ được tin cậy đến thế ở Nhật Bản.
Lý do không ai ngờ tới
Trước khi "kết duyên" cùng HLV Adachi, VFF từng chịu nhiều tiếng xấu vì kết thúc không trọn vẹn với người tiền nhiệm Juergen Gede. Vị chuyên gia người Đức từng có công rất lớn với hàng loạt chiến tích của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua, nhưng ông lại không được tạo điều kiện để làm công việc chuyên môn thuần túy. Các quan chức VFF thông báo không ký hợp đồng mới cùng Gede qua một cuộc điện thoại kéo dài vài ba câu và chưa đầy một phút.
Cuộc chia ly với Gede thực sự là chuyện không hay, nhưng không thể tránh khỏi. Trong thời gian làm việc cùng vị chuyên gia người Đức, VFF chỉ coi ông như một quân sư phụ việc cho HLV Park Hang- seo và các đồng nghiệp, chứ không đặt ông vào cương vị chiến lược gia định hình, phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai. Rất nhiều đề xuất của Gede bị dập tắt ngay từ bước đầu, và không ít HLV trẻ còn thẳng thừng bỏ qua những buổi dạy của một người có gần 3 thập niên làm việc tại châu Á.
Phần lớn thời gian làm việc của ông Adachi sẽ chỉ làm công tác giảng dạy. |
Với những gì từng xảy ra với Gede, điều tương tự hoàn toàn có thể lặp lại với HLV Adachi. Vậy tại sao VFF lại muốn tiếp tục mời một chuyên gia nước ngoài về nắm giữ vị trí GĐKT trong khi họ thực sự không cần? Câu chuyện xuất phát từ một ngày diễn ra tròn 1 năm trước với những đề nghị liên quan đến "đầu tiên". Đó là thời điểm Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh sang Singapore dự hội nghị GĐKT của AFC tại khách sạn Holiday Inn.
Trước toàn thể đại diện của các liên đoàn bóng đá thành viên trực thuộc AFC, tổ chức này tuyên bố họ sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí và các chương trình cho liên đoàn thành viên với một điều kiện cụ thể. Theo đó, mỗi liên đoàn cần phải có 1 giảng viên đứng lớp tham gia giảng dạy các khóa học HLV của AFC. Từ ngày đó đến trước khi bổ nhiệm Adachi, VFF đã tính đến rất nhiều phương án nhưng không thành công bởi vô vàn lý do khách quan lẫn chủ quan.
Nếu xét về nhân lực trong nước, VFF chỉ có duy nhất chuyên gia Ngô Lê Bằng là giảng viên futsal sơ cấp. Để tìm một người đạt chuẩn AFC đưa ra, từ tháng 10-2019, đơn vị này đã cử ông Trần Hùng Cường, phiên dịch viên lâu đời của bóng đá Việt Nam cùng cựu GĐKT Gede sang Thái Lan học lớp giảng viên FIFA, rồi quay về Phú Yên để dự thính thỉnh giảng lớp bằng C. Gede từ chối hợp tác, đó là một phần nguyên nhân sau đó khiến ông không được gia hạn hợp đồng.
Về phần ông Trần Hùng Cường, đây là cán bộ có bằng phiên dịch viên cao cấp nhất của VFF (bằng A do AFC cấp) nhưng lại không đạt chuẩn làm giảng viên vì một lý do vô cùng trớ trêu. AFC quy định giảng viên phải có khả năng giảng bài lưu loát bằng tiếng Anh nên ông Cường đành ngậm ngùi trở lại mà không thể hoàn thành yêu cầu được VFF giao. Thế nên, lựa chọn duy nhất của VFF bây giờ là tìm một ai đó có kinh nghiệm giảng dạy.
Adachi sẽ làm gì ở Việt Nam?
Với những vị trí từng đảm nhiệm trong quá khứ, có thể dự đoán ông Adachi sẽ không thể có nhiều quyền hạn hơn người tiền nhiệm Gede. Ngay cả công việc quân sư, tư vấn trước kia của Gede, Adachi cũng khó có thể tham gia vào vì HLV Park Hang- seo có xu hướng ưu tiên sử dụng các trợ lý đồng hương ở bên cạnh ông. Vì thế, nhiệm vụ chính của ông Adachi gần như sẽ chỉ là đứng lớp các khóa học tổ chức tại Việt Nam.
Gede kín tiếng nhưng cũng từng mắc vạ miệng khi làm việc. |
Nếu dự đoán trên là chính xác, Adachi sẽ phải rất vất vả bởi không phải ai cũng chuyên tâm học hành như các HLV tại V.League từng làm học trò của ông. Trong ngày công khai thông tin bị VFF từ chối gia hạn hợp đồng, Gede từng kể ông thấy rất chán nản trước thái độ của một số học viên ở lớp dạy bóng đá do ông đứng lớp. Trong khi ông thầy người Đức thao thao bất tuyệt trên bục giảng, những gì họ làm chỉ là nói chuyện riêng và bấm điện thoại.
Chỉ có VFF hưởng lợi nhiều nhất từ bản hợp đồng với Adachi. Bằng việc bổ nhiệm ông thầy Nhật Bản làm GĐKT, họ nghiễm nhiên có một chuyên gia "giúp việc" đáp ứng yêu cầu của AFC.
Lương Adachi bao nhiêu, được yêu cầu gì? Cũng đến Việt Nam làm GĐKT như Gede, nhưng mức thù lao Adachi nhận được không thể sánh ngang vị chuyên gia người Đức. So với Gede, Adachi không có bản thành tích quá ấn tượng, chủ yếu chỉ làm công tác giảng dạy nên ông nhanh chóng đồng ý ký vào bản hợp đồng 3 năm với tiền lương chưa bằng một nửa người tiền nhiệm. Chừng đó cũng là quá tốt với Adachi bởi chưa từng có đơn vị nào mời ông gắn bó lâu đến như vậy, lại còn hưởng đến gần 100.000 USD/ năm, gấp 3 lần thu nhập trung bình của một người Nhật Bản. Với chuyện không may từng xảy ra với các chuyên gia như Gede và Miura, ngoài công tác chuyên môn, có vẻ VFF sẽ yêu cầu Adachi không được tiết lộ chuyện nội bộ của đơn vị này trong thời gian ông còn hợp đồng. Trong quá khứ, Miura từng mất điểm với các quan chức VFF khi nhận lời lên một kênh truyền hình trả tiền tại Nhật Bản và nói nhiều điều không hay về bóng đá Việt Nam. Ông nói "V.League là giải đấu kinh khủng" và "quy định ở VFF 8 giờ có mặt, nhưng 9 giờ mọi người mới đến văn phòng". So với Miura, Gede có phần kín tiếng hơn nhưng cũng từng mang tiếng oan vì có người nói ông tuyên bố "ở VFF có một vài nhân vật không muốn tôi thành công". Chuyên gia này chỉ nói thật lòng mình khi biết bản thân sẽ không được VFF gia hạn hợp đồng nữa. Đến lúc đó người hâm mộ mới biết được phần nào chuyện ông cảm thấy cô đơn ở Việt Nam, phải làm việc một mình mà không có cộng sự chung chí hướng, cũng như rất nhiều công việc còn dang dở. Nhưng ngay cả khi VFF yêu cầu Adachi không được tiết lộ chuyện không hay về nội bộ đơn vị chủ quản, họ sẽ phải giám sát chuyên gia này khá nhiều. 5 năm qua ông xuất hiện trên truyền hình xứ sở hoa anh đào khá nhiều khi nhận lời làm bình luận viên kênh thể thao Sky Perfect TV. Ở đó, ông chia sẻ khá nhiều chuyện buồn về công việc cũ, bao gồm cả chuyện làm HLV đội trẻ nhưng lại được giao viết nội dung trang web CLB như đã nhắc ở trên. |
Đơn Ca
Tân Giám đốc kỹ thuật VFF đến Việt Nam để bắt tay vào công việc Tân Giám đốc kỹ thuật VFF, Yusuke Adachi đã có mặt tại Việt Nam và thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định. |