Tôn Sách được đánh giá là thiếu niên hào kiệt, mệnh danh là Giang Đông Tiểu Bá Vương. Chỉ với 1.000 người ngựa ban đầu, ông đã xây dựng nên một dải Giang Nam hùng mạnh. Thế nhưng, người anh hùng ấy lại ra đi ở tuổi 25.
Câu chuyện đột tử ở tuổi 25 của Tôn Sách có liên quan tới truyền thuyết về một đạo nhân tên Vu Cát, người đã khiến cho vị hào kiệt này mất ăn mất ngủ trước khi lâm bệnh nặng và qua đời. Vu Cát là một phương sĩ ở Lang Nha (nay ở phía Bắc của Lâm Cân tỉnh Sơn Đông), sáng tác một quyển Thần Thư gồm 170 quyển. Một đệ tử của Vu Cát đã dâng sách này cho vua Hán Thuận Đế (tại vị 126-144). Được xem là kinh điển tối yếu trong giai đoạn ban đầu hình thành Đạo giáo, quyển đạo kinh này bàn về phụng thờ trời đất, thuận theo âm dương ngũ hành, tảo trừ đại loạn, giúp thiên hạ thái bình, sách còn bàn sự hưng phế của quốc gia, phương pháp dưỡng sinh, cách tu luyện thành thần tiên, bùa chú… Triều đình cho rằng đây là sách tà đạo nên tịch thu.
Theo “Tam Quốc Chí”, Vu Cát đến đất Cối và Ngô (nay là huyện Cối Kê của Chiết Giang và huyện Ngô của Giang Tô) lập tinh xá đốt hương đọc Đạo thư, chế tạo nước phép để trị bệnh cho dân chúng...
Tôn Sách. Ảnh trên phim.
Tôn Sách binh hùng tướng mạnh trấn giữ một cõi Giang Ðông. Tôn Sách từng dâng biểu lên triều đình xin chức Đại Tư Mã nhưng bị Tào Tháo chối từ. Sách giận nên định cử binh đánh Tào. Lúc đó Thái Thú Ngô Quận là Hứa Công định báo tin cho Tào Tháo biết, nào ngờ sứ giả bị quân Tôn Sách bắt được. Sách cho chém Hứa Công.
Thủ hạ Hứa Công có ba người từ đó thề báo thù cho chủ. Một hôm, Tôn Sách đi săn hươu, bị ba tên đó mai phục bắn một mũi tên vào gò má. Tôn Sách rút được tên ra rồi xông lại chém hết thích khách, quân sĩ xem mặt biết là bọn thủ hạ của Hứa Công. Tôn Sách về, có học trò của Hoa Ðà tới chữa bệnh.
Thầy thuốc nói mũi tên có tẩm thuốc độc, phải tĩnh dưỡng lâu ngày mới khỏi. Còn nếu cứ tức giận thì khó mà qua khỏi. Tôn Sách bình sinh làm gì là muốn làm ngay, nay nghe vậy thì bực lắm. Sau đó có Trần Chấn tới, dâng thư của Viên Thiệu muốn hiệp lực đánh Tào. Tôn Sách liền họp tướng sĩ bàn chuyện xuất quân.
Trong lúc đang bàn bạc, bỗng thấy mọi người rỉ tai nói nhỏ với nhau rồi lần lượt xuống lầu. Tôn Sách hỏi có việc gì vậy thì tả hữu thưa vì có Vu Cát chân nhân đi qua nên mọi người xuống lạy mừng. Tôn Sách liền tựa lan can nhìn xuống, thấy một đạo sĩ mặc áo choàng trắng, xách cây gậy đứng bên đường, còn mọi người thì thi nhau đốt hương quỳ lạy.
Tôn Sách bất bình nạt lớn: “Loài yêu đạo mê hoặc nhân dân”. Rồi truyền quân giải Vu Cát tới. Tôn Sách mắng Vu Cát: “Mi dùng tà đạo mê hoặc lòng dân, tội đáng chết!” Vu Cát nói: “Bần đạo hái thuốc, chữa trị cho dân, lễ vật không lấy, sao lại bảo làm mê hoặc?”.
Tôn Sách hỏi lại: “Không lấy của dân, vậy chớ áo mặc đó ở đâu ra?” Nói rồi toan chém. Các quan hết lòng can gián, Tôn Sách truyền hãy giam Vu Cát vào ngục. Tôn Sách bình sinh có tài thao lược, trí dũng đều giỏi, được mệnh danh là Tiểu Bá Vương, oai danh hiển hách. Và cũng chính vì cái ‘oai danh hiển hách’ này, khiến cho Tôn Sách không phục Vu Cát, nghĩ rằng mình là chúa Giang Đông thì mọi người phải quy phục mình, nào ngờ còn có người mà họ còn trọng “ngang mình”, nên rất tức giận.
Tôn Sách giết thủ hạ của Hứa Công.
Tôn Sách về dinh, mẹ là Ngô Thái Phu nhân tới bảo rằng: “Mẹ nghe nói con cầm tù Vu Cát. Vị đó được coi như thần nhân giáng hạ, chữa bệnh cho dân chúng, con đừng làm vậy mà mất nhân tâm”.
Tôn Sách thưa: “Nó dùng yêu thuật mà mị dân nên con phải trừ mới được”. Phu nhân lại khuyên giải nữa. Cũng may là Sách rất hiếu kính cha mẹ. Vì vậy mẹ ông cũng là người duy nhất có thể khiến ông ngồi nghe, và cũng qua đó khiến ông dần dần hiểu ra được một chút đạo nghĩa. Hôm sau, Tôn Sách truyền dẫn Vu Cát vào, nguyên tên cai ngục không đeo gông cho Vu Cát ở trong nhà giam, khi nào bị kêu ra thì mới lấy gông tra vào cổ Vu Cát. Có người mách lại Tôn Sách, khiến ông lại nổi máu ganh, cho rằng một tên lính mà còn coi trọng lão già này như vậy, thật chẳng coi Sách ra gì. Tôn Sách truyền đánh tên cai ngục mấy chục trượng rồi bắt xiềng chặt Vu Cát lại.
Các quan lại thấy vậy bèn rủ nhau ký tên vào một tờ bảo lãnh dâng lên Tôn Sách. Sách xem qua tên các quan rồi nói: “Các quan là các người học thức mà sao lại tin tà đạo thế này! Ngày xưa Trương Tân xuất quân đều bắt lấy bao đỏ bịt đầu để thần thánh trợ oai mà sau vẫn bị chết. Việc đó cũng đủ thức tỉnh mọi người. Nay ta trừ Vu Cát là trừ mê tín trong nhân dân, sao lại cứ ngăn cản ta?”.
Lữ Phạm thưa: “Vu Cát có tài đảo võ, bây giờ hạn hán, nếu y làm được thì đủ cho chuộc tội.” Tôn Sách đành phải nghe theo. Lúc đó dân chúng xúm lại để coi. Vu Cát nói: “Ta cầu mưa có được thì tính mạng ta cũng không an!”. Nói rồi Vu Cát tự trói mình mà quỳ dưới trời đang nắng. Ðến giờ ngọ, gió thời vi vu, mây đen vần vũ.
Tôn Sách chờ tới đó thì mắng rằng: “Ðúng ngọ mà mây thì có, mưa thì không, đúng là yêu đạo!” Rồi khiến quân bỏ Vu Cát vào đống củi đã nhóm lửa sẵn. Lửa cháy bốc lên, một đường khói xẹt lên không, có tiếng nổ vang rồi thì mưa xuống như trút. Vu Cát vẫn nằm yên trên đống củi đã tắt, các quan đỡ Vu Cát xuống rồi một lượt thảy đều quỳ xuống giữa bãi sình lầy và xưng tụng Vu Cát.
Tôn Sách thấy tình cảnh như vậy càng thêm bất mãn mà rằng: “Mưa hay không là do trời sinh ra, sao các ngươi quá tin làm vậy?”, đồng thời tiếp tục cho bắt giam Vu Cát.
Tôn Sách giết Vu Cát.
Sáng hôm sau, quân vào báo xác Vu Cát đã mất biến khỏi ngục. Cùng lúc Tôn Sách nhìn ra cổng thấy có một người hình dáng giống Vu Cát. Tôn Sách toan chém thì xây xẩm mặt mày, té lăn xuống đất.
Ngô Thái phu nhân hay tin thì rất lo lắng. Tôn Sách tỉnh lại thưa cùng Phu nhân: “Con theo thân phụ xông pha trận mạc từ nhỏ, không tin chuyện thần tiên, ma quái. Ý con chỉ muốn trừ họa cho dân”. Canh ba đêm đó, Tôn Sách nghỉ ngơi trong trướng, thấy thấp thoáng ở dưới đèn, nhìn lại ra Vu Cát. Tôn Sách hét lớn: “Bình sinh ta rất ghét ma quỷ, sao ngươi dám bén mảng tới!”. Rồi phóng gươm vào Vu Cát, Vu Cát lại biến mất.
Vì có hiếu với mẹ, Tôn Sách tuy đau nặng vẫn gắng gượng ra vẻ khỏe mạnh mà tới hầu Phu nhân. Phu nhân lo lắng nên đặt lễ tại Ngọc Thanh Quán để cầu an”. Tôn Sách không dám trái lệnh, tới nơi, đạo sĩ mời đốt hương. Tôn Sách đốt, nhưng không chịu lạy, bỗng thấy trong đám khói tỏa lên có hình Vu Cát. Tôn Sách bỏ đi ra, tới cổng lại thấy có hình ảnh Vu Cát. Tôn Sách phóng gươm trúng ngay Vu Cát, khi nhìn lại thì ra lại là hộ vệ của mình.
Tôn Sách về dinh cũng thấy hình ảnh Vu Cát bên cổng, liền ở trại ngoài thành. Ðêm ấy Tôn Sách lại thấy Vu Cát hiện lên trong trại khiến ông ta quát mắng ầm ầm. Ngô phu nhân thấy hình dạng Tôn Sách trở nên tiều tụy thì âu lo lắm, Tôn Sách khuyên giải mẹ là sống chết có số, đừng nên quá đau lòng.
Vừa nói xong thì lại xuất hiện hình ảnh Vu Cát, Tôn Sách hét lên một tiếng, vết thương nơi má bị xé rách, máu tuôn dầm dề, Tôn Sách lăn ra bất tỉnh. Hồi lâu tỉnh lại, Tôn Sách than rằng: “Ta chắc chẳng còn sống được bao lâu”. Bèn gọi em ruột là Tôn Quyền và Trương Chiêu vào mà trối. Sau đó Tôn Sách qua đời.
Trên đây chỉ là một trong các thuyết nói về cái chết ở tuổi 25 của Tôn Sách mà sách Tam Quốc Chí ghi lại. Ngoài ra, còn nhiều thuyết khác liên quan đến cái chết bí ẩn của vị anh hùng nhà Đông Ngô. Cụ thể, Trần Thọ nói rằng cái chết của Tôn Sách là một sự tình cờ. Tôn Sách giết Thái thú quận Ngô là Hứa Cống. Người môn khách của Hứa Cống dẫn theo con nhỏ của Cống đi trốn ở ven sông. Sách cưỡi ngựa đi ra ngoài một mình, ngẫu nhiên gặp người khách ấy. Người này bèn đâm Tôn Sách. Vết thương rất nặng. Sách gọi bọn Trương Chiêu tới dặn dò rồi chết trong đêm đó. Cùng kể ra một câu chuyện tương tự, Viên Hoành cho rằng đó là mưu kế để dụ Sách vào bẫy. Hậu Hán kỷ nói rằng con nhỏ của Hứa Cống và môn khách muốn báo thù. Họ bàn nhau rằng: Tôn Sách dũng cảm, nhanh nhẹn. Nếu giết nhiều người ngoài đường, Sách ắt tự mình ra tay, chắc có thể bắt được đấy”. Khách theo lời, bèn giết người ở bờ sông. Sách nghe tin, nổi giận, một ngựa xông ra. Khách đâm cho bị thương. Vết thương quá nặng, một thời gian sau thì Sách chết... |
Giải mã đại nghi án thời Tam Quốc: Cái chết bí ẩn của Ngụy Diên Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Ngụy Diên là một phần tử kiên quyết chống Tào Ngụy, Gia Cát Lượng dự đoán sau khi ông qua ... |
Nỗi oan Triệu Tử Long: Hai lần cứu Lưu Bị đều bị... cướp công Triệu Vân (168-229), tên tự Tử Long, là danh tướng thời kỳ cuối Đông Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Vân ... |