Các nhà nghiên cứu cho rằng trí thông minh cảm xúc (EQ) sẽ dự đoán thành công trong cuộc sống tốt hơn sự thông minh trí tuệ (IQ).
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, trí thông minh cảm xúc (EQ) sẽ là một trong 10 kỹ năng làm việc hàng đầu vào năm 2020. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng chỉ số EQ dự đoán sự thành công, các mối quan hệ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người trong tương lai.
Tác giả cuốn Giác ngộ kinh doanh Shris Myers cũng đưa ra kết luận như vậy. Tại nơi làm việc, xung quanh ông luôn là những đồng nghiệp rất thông minh, nhưng bằng cách nào đó ông vẫn vượt trên họ. Nhiều năm sau, con trai ông, một cậu bé được đánh giá xuất chúng với chỉ số IQ 145, cũng phải nỗ lực hết sức mới đạt được thành công, chứ không dễ dàng như nhiều người nghĩ.
Myers cho rằng sự thành công trong cuộc sống và kinh doanh là vấn đề của "cảm xúc, mối quan hệ và tính cách chứ không chỉ đơn thuần chỉ là trí thông minh ban đầu". Ông trích dẫn câu nói của nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Mỹ Maya Angelou: "Mọi người sẽ quên những gì bạn nói, quên những gì bạn đã làm, nhưng không bao giờ quên cách bạn đã khiến họ cảm thấy thế nào".
Trí tuệ cảm xúc của trẻ nên được cha mẹ vun đắp, để ý ngay khi các con còn nhỏ. Ảnh: SCMP. |
Khảo sát của CareerBuilder năm 2011 trên 2.600 quản lý nhân sự, 71% cho biết họ coi trọng EQ của nhân viên hơn IQ, và 59% cho rằng họ sẽ bỏ qua ứng cử viên có chỉ số IQ cao nhưng EQ thấp.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội sức khỏe học sinh tại Mỹ cũng tiến hành khảo sát trên hơn 123.000 học sinh tại 153 trường năm 2013. Kết quả cho thấy hơn một nửa số học sinh cảm thấy căng thẳng trong suốt năm học, 1/3 cho hay bị trầm cảm nặng. Như vậy có thể thấy yếu tố cảm xúc sẽ ảnh hưởng nhiều tới kết quả học tập, cũng như đời sống của các em.
Trí tuệ cảm xúc là yếu tố quan trọng cho sự thành công chung, nó là những kỹ năng linh hoạt có thể được nuôi dưỡng từ nhỏ. Theo bác sĩ thần kinh, Daniel Siegel, và chuyên gia nuôi dạy con cái, Tina Payne Bryson, bạn có thể nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc của trẻ bằng cách hiểu cơ chế hoạt động của não bộ.
Bộ não trẻ em được các tác giả mô tả đơn giản như một ngôi nhà cảm xúc hai tầng với tầng trên và tầng dưới. Bộ não ở tầng dưới chịu trách nhiệm về cảm xúc, chẳng hạn như giận dữ và sợ hãi. Bộ não ở tầng trên chịu trách nhiệm cho những quyết định và tự nhận thức. Khi bộ não bên trên của trẻ hoạt động tốt, trẻ có thể cân nhắc kỹ, suy nghĩ trước khi hành động, trẻ cũng có thể điều chỉnh cảm xúc và để ý tới cảm xúc của người khác.
Trong khi bộ não ở tầng dưới được xây dựng hoàn toàn khi còn nhỏ, bộ não ở tầng trên vẫn được xây dựng và hoàn thành vào tuổi đôi mươi. Cha mẹ vì thế cần hỗ trợ, nâng đỡ cho con ngay khi còn nhỏ, để con có được trí thông minh cảm xúc cao sau này. Việc phối hợp, trao đổi với các thầy cô giáo ở trường cũng giúp cha mẹ có thể đảm bảo được trí tuệ cảm xúc của con, từ việc học tới các trách nhiệm xã hội.
Những gợi ý được đưa ra:
- Đừng mong đợi con bạn có thể đưa ra một quyết định tốt, bình tĩnh xử lý mọi việc hay biết để ý tới cảm xúc người khác mọi lúc. Bộ não phía trên của con đang hoàn thiện mỗi ngày. Con không thể hiểu hết những điều này ngay lập tức.
- Dạy con cách "đặt tên để chế ngự". Khi con bạn trải qua cảm xúc mãnh liệt, hãy nói những điều như "mẹ đoán con đang cảm thấy sợ hãi," và khuyến khích con đặt tên, nói ra cảm xúc của mình. Điều này giúp trẻ bình tĩnh lại, cảm thấy được đồng cảm và dễ dàng lấy lại tinh thần hơn.
Lời khuyên của Myers là không quan trọng trí thông minh của bạn thế nào, vấn đề là bạn "kết nối với ai, hiểu và truyền cảm hứng thế nào cho người khác". Ông tin rằng trí thông minh cảm xúc cho phép con người ta thể hiện sự khiêm nhường, khiến mọi người có khuynh hướng tự nhiên giúp bạn thành công. Nó cũng thúc đẩy khả năng phục hồi, giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của thất bại và chấp nhận rủi ro để thành công trong tương lai.
Mộc Miên
4 dấu hiệu con bạn vượt trội về trí thông minh cảm xúc Nếu thấy bé hay bắt chước biểu cảm của người khác, không lập tức nổi giận khi bị trêu chọc, hãy mừng vì có thể ... |