Xe máy phải bật đèn ban ngày, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Dự thảo sửa đổi Luật giao thông đường bộ bổ sung quy định xe gán máy phải bật đèn cả ban ngày.
Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ và các vụ tham mưa cùng Văn phòng UB An toàn giao thông quốc gia tiếp tục rà soát các quy định của 2 Công ước Viên (Công ước về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo và tín hiệu đường bộ) để đưa vào dự thảo nhằm nội luật hoá, thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Công ước Viên.
Theo tổ biên tập, qua quá trình rà soát, đối chiếu với Công ước Viên cho thấy, cần nội luật hóa quy định này, bởi khi gia nhập Công ước, VN không thực hiện bảo lưu.
Vì vậy các nội dung của Công ước phải được quy định phù hợp tại luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
| |
Theo dự thảo sửa đổi luật Giao thông đường bộ, xe máy phải bật đèn ban ngày |
Để nâng cao an toàn cho người đi xe máy, quy định đèn nhận diện ban ngày là giải pháp kỹ thuật có hiệu quả tiềm năng, góp phần cắt giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban ngày.
Đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay, giải pháp xe máy phải bật đèn ban ngày đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Mỹ, Úc và đa số các nước châu Âu cùng nhiều quốc gia châu Á (Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ) đã quy định bật đèn ban ngày. Trong đó, Malaysia và Thái Lan là 2 nước Đông Nam Á có khí hậu nắng nóng và điều kiện giao thông tương đồng Việt Nam.
Mức độ ảnh hưởng của việc bật đèn xe ban ngày tới nền nhiệt độ môi trường rất nhỏ, chi phí phát sinh với người sử dụng xe máy không đáng kể.
Ý kiến trái chiều
Nói về quy định này, anh Nguyễn Ngọc Nam ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho rằng, việc bắt buộc xe máy phải bật đèn cả ngày là không cần thiết, gây nguy hiểm vì làm cho người đi ở chiều đối diện bị loá mắt.
Một số ý kiến khác nhận định, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, nơi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.
Còn Việt Nam là nước nhiệt đới nên không cần thiết phải bật đèn ban ngày. Nếu xe máy phải bật đèn cả ngày, buộc chủ phương tiện phải bỏ thêm tiền để cải tạo độ bền của bình ắc quy, bóng đèn… gây tốn kém về kinh tế cho chủ phương tiện.
Anh Nguyễn Đức Chính, một chuyên gia về ô tô, xe máy cho hay, xe máy, ô tô không tốn nhiều chi phí nhiên liệu cho việc bật đèn.
Hơn nữa với công nghệ hiện đại, các nhà sản xuất ô tô, xe máy đều sử dụng loại bóng đèn tốt, không tiêu hao nhiên liệu và không ảnh hưởng tới sự vận hành của động cơ xe.
Nếu quy định xe máy phải bật đèn cả ban ngày được đưa vào, Nhà nước cần khuyến khích chủ xe máy đời cũ lắp thêm một loại đèn phát sáng đảm bảo an toàn, không gây loá cho người đi đối diện...
Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức), TS. Vũ Anh Tuấn, giải pháp đèn nhận diện ban ngày trên mô tô, xe máy đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, góp phần giảm từ 15 - 20% các vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban ngày.
Để hỗ trợ triển khai, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu bổ sung quy định, quy tắc sử dụng đèn nhận diện ban ngày trong luật Giao thông đường bộ, bổ sung quy định về loại đèn, đồng thời hoàn thiện các quy định chế tài xử phạt và công tác tuyên truyền, cưỡng chế thực thi pháp luật liên quan.
Đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc đưa vào dự thảo quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn cả ban ngày sẽ được lấy ý kiến rộng rãi, phù hợp với thực tiễn VN.
Các cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và giải trình ý kiến tham gia góp ý của các bộ, ngành cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng dân cư để xây dựng quy định phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao an toàn giao thông đường bộ.
Có nên quy định bật đèn xe máy ban ngày? |
Vì sao Bộ GTVT đề xuất bắt buộc xe máy bật đèn vào ban ngày? |
Bộ Giao thông đề xuất xe máy phải bật đèn vào ban ngày |