Cả đội tuyển Pháp và Hà Lan đều có khởi đầu khá chật vật tại EURO 2024. Họ chỉ có thể giành chiến thắng với cách biệt sát nút. Màn so tài diễn ra lúc 2h ngày 22/6, sân Red Bull Arena cũng là cơ hội để hai đội kiểm chứng sức mạnh thực sự, trước khi bước vào hành trình khó khăn hơn trong thời gian tới.

“Oan gia ngõ hẹp”

Sau chiến dịch World Cup 2022, Hà Lan chia tay Louis van Gaal và bổ nhiệm Ronald Koeman làm HLV trưởng. Nhiệm vụ hàng đầu của Koeman là đưa Hà Lan giành vé trực tiếp tham dự EURO 2024 với một vị trí tốt. Tuy nhiên, kế hoạch này đã sớm trục trặc, khi Hà Lan được xếp chung bảng với Pháp và chạm trán đội bóng này ngay lượt trận đầu tiên.

Một Hà Lan mới trong quá trình xây dựng lại đội tuyển đã để thua tan tác ngay trên đất Pháp. Họ cầm bóng nhiều hơn đối thủ, dứt điểm tương đương, chuyền bóng chính xác hơn và nhận thẻ phạt cũng ít hơn. Khác biệt duy nhất là tỷ số, khi Pháp ghi tới 4 bàn, còn Hà Lan không có bàn thắng nào.

Sau trận thua Pháp, Hà Lan thắng Gibraltar ở lượt trận thứ 2, rồi tiếp tục thua Croatia 2-4, thua Italia 2-3 tại UEFA Nations League. Khả năng cầm quân của Koeman bị đặt dấu hỏi, và chỉ vơi bớt vào thời điểm lịch thi đấu của đội tuyển Hà Lan không còn những đối thủ nặng ký nữa.

Hà Lan kết thúc vòng loại EURO 2024 với thành tích 6 thắng, 2 thua. Họ giành trọn vẹn điểm số trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn như Hy Lạp, Cộng hòa Ireland và Gibraltar. Tuy nhiên, 3 trong 6 trận thắng đó chỉ có cách biệt 1 bàn. Trong cả 2 trận gặp Pháp, Hà Lan đều để thua.

Hà Lan dưới thời Koeman chỉ có thể giành chiến thắng trước những đội bóng nhỏ, và luôn mong manh trước đối thủ lớn. Điều đó một lần nữa thể hiện trong quá trình chuẩn bị cho vòng chung kết EURO. Hà Lan thắng đậm Scotland, Canada và Iceland cùng với tỷ số 4-0. Nhưng khi gặp Đức trong một trận giao hữu hồi tháng 3, họ lại tiếp tục để thua.

Đâu là lý do khiến "cơn lốc màu da cam" hùng mạnh một thời, nay lại chật vật đến thế ở những giải đấu lớn. Câu trả lời nằm ở con người làm nên đội tuyển quốc gia. Hà Lan không còn sở hữu siêu sao hàng đầu quốc tế nữa. Thay vào đó, đội bóng này phải trông cậy vào những người bình thường.

Trong 3 thủ môn của đội tuyển Hà Lan, có 2 người đang bắt tại những CLB hạng trung của Anh, người còn lại thi đấu trong nước. Ở hàng phòng ngự, De Vrij và Van Dijk không còn ở thời đỉnh cao, De Ligt không có phong độ tốt tại CLB. Trên hàng công, Memphis Depay đá chính trong tình cảnh bị Atletico Madrid chấm dứt hợp đồng và đang thất nghiệp.

Hàng tiền vệ Hà Lan, nơi vốn tự hào sở hữu nhiều cầu thủ tài hoa, giờ chỉ còn những cái tên vô danh. Georginio Wijnaldum được triệu tập dù đã bước sang tuổi 34 và đang "dưỡng già" ở châu Á. Gương mặt nổi bật nhất, Frenkie de Jong, lại gặp chấn thương và không thể tham dự EURO.

Trên thực tế, sau khi đứng hạng 3 ở World Cup 2014, Hà Lan đã bước vào thời kỳ thoái trào. Họ đã vắng mặt ở vòng chung kết EURO 2016 và World Cup 2018. Trong bối cảnh ấy, việc Hà Lan chật vật vượt qua Ba Lan không có Lewandowski không phải điều quá bất ngờ, và họ sẽ khó đương đầu với Pháp.

anh 2.jpg -0
Đội tuyển Hà Lan dưới thời Koeman thua 100% số trận trước các đội bóng lớn.

Ngôi sao lớn nhất là HLV

Trái ngược với Hà Lan, Pháp đang sở hữu phong độ rất tốt trong 18 tháng qua. Sau khi để thua Argentina tại chung kết World Cup 2022, Pháp chỉ nhận thêm 1 thất bại trước Đức ở trận giao hữu quốc tế, và hòa Hy Lạp tại lượt cuối vòng loại EURO. Xuyên suốt hành trình ấy là chuỗi chiến thắng như chẻ tre của HLV Didier Deschamps cùng các học trò.

Dấu hỏi về chiếc ghế của Didier Deschamps từng được bàn luận nhiều sau EURO 2020, cũng như World Cup 2022. Nhưng bất chấp hàng loạt ứng viên sáng giá, bao gồm cả Zinedine Zidane, Deschamps vẫn được Liên đoàn Bóng đá Pháp tin dùng hơn cả. Ông đáp lại kỳ vọng đó bằng chuỗi trận đấu ấn tượng tại các giải quốc tế lớn.

Trong 12 năm dẫn dắt đội tuyển Pháp, Deschamps đã tham dự 6 giải đấu lớn, tính cả EURO 2024. Trước đó, ông có 1 lần lọt vào vòng 1/8 (EURO 2020), 1 lần vào tứ kết (World Cup 2014), 2 lần giành ngôi Á quân (EURO 2016, World Cup 2022), 1 lần vô địch World Cup 2018. Đó là thành tích rất ấn tượng với một HLV ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Đâu là lý do khiến Deschamps thành công đến vậy cùng đội tuyển Pháp? Câu trả lời không nằm ở con người. Bóng đá Pháp chưa bao giờ thiếu những cầu thủ lớn, nhưng làm cách nào để quản lý và thúc đẩy họ lại là điều nan giải. Tại World Cup 2002, Pháp rời giải mà không ghi được bàn thắng nào, dù sở hữu 3 vua phá lưới tại các giải đấu hàng đầu châu Âu.

Đến năm 2010, đội tuyển Pháp một lần nữa sớm rời World Cup với bê bối ở đội tuyển quốc gia, nơi đội trưởng Patrice Evra công khai xúc phạm HLV trưởng. Điều đó không bao giờ xảy ra ở đội tuyển Pháp dưới thời Deschamps. Ông quản quân rất chặt, và không bao giờ để các cầu thủ tạo phe cánh.

Cách Deschamps dùng người tại đội tuyển Pháp cũng tạo hiệu quả mạnh, dù gây không ít tranh cãi. Ông trao cơ hội cho Evra trở lại đội tuyển Pháp, và đá chính tại chung kết EURO 2016 khi đã 35 tuổi. Nhưng Karim Benzema lại không may mắn như thế. Anh bị loại khỏi đội tuyển trong 5 năm khi đang có phong độ tốt, và chỉ được gọi lại ở EURO 2020.

Ngôi sao lớn nhất đội tuyển Pháp hiện tại không phải Mbappe, mà chính là Deschamps. Chừng nào ông còn tại vị, bóng đá Pháp còn gặt hái thành công, và Hà Lan cũng không phải đối thủ quá khó chơi với họ vào lúc này.

https://cand.com.vn/euro2024/vong-2-bang-d-euro-2024-ha-lan-phap-dinh-cao-thu-thach-i735027/

 

An Khánh / cand.com.vn