Bộ GTVT sẽ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Nà Sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong giai đoạn 2024 - 2025.
- Bất ngờ: Vừa duyệt sân bay Nà Sản, Sơn La lại muốn có thêm sân bay Mộc Châu
- Khôi phục sân bay Nà Sản là cần thiết
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH-CN về kiến nghị của các tỉnh Sơn La và Hòa Bình liên quan tới đầu tư Cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La) và mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).
Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không Nà Sản được quy hoạch với quy mô 4C, công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2050 có công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm.
Để có cơ sở triển khai đầu tư, Bộ GTVT sẽ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Nà Sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong giai đoạn 2024 - 2025.
Bộ GTVT ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư cảng hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Sẽ đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản theo PPP |
Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn thiện đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để sớm báo cáo Bộ Chính trị thông qua (phấn đấu trong tháng 1/2024), trong đó Cảng hàng không Nà Sản được đề xuất giao cho địa phương đầu tư theo phương thức PPP.
Cảng hàng không Nà Sản có vị trí tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, thuộc khu vực Tây Bắc, được xây dựng vào năm 1950. Những năm 1960 sân bay này duy trì hoạt động nhưng sau một thời gian dừng khai thác do ít khách. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khai thác trở lại. Năm 2004, sân bay Nà Sản tiếp tục đóng cửa do đường cất hạ cánh xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác.
Tháng 3/2022, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP và giao cho tỉnh Sơn La làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Về đề xuất đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ GTVT cho biết, dự án được triển khai sẽ cùng với các đoạn cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, an toàn hơn để kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Sẽ sớm mở rộng tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình |
Việc sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình thành cao tốc hoàn chỉnh là cần thiết.
Theo Bộ GTVT, ngày 12/5/2023, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 395 giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, hiện dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP.
Ngày 28/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 106 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình được áp dụng cơ chế tại Điều 3 (danh mục dự án tại phụ lục III).
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình căn cứ vào Nghị quyết nêu trên, các quy định pháp luật về xây dựng, đầu tư theo phương thức PPP và các quy định có liên quan khác để triển khai dự án. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cao tốc Hòa Lạc (Hà Nội) - Hòa Bình dài 32 km, quy mô 6 làn xe cao tốc, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Hiện nay, đường Hòa Lạc - Hòa Bình đang khai thác theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12 m, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Hướng tuyến và các yếu tố hình học của đường Hòa Lạc - Hòa Bình cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đường cao tốc theo quy hoạch.