Đường hầm thứ hai nối ga Ba Son và ga Nhà hát TPHCM, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 781m, sâu hơn 10m, được phát lệnh khởi công ngày 26.1, sau khi hầm thứ nhất được khoan xong ngày 18.10.2017.
Hầm metro thứ hai - chiều từ Ba Son về Nhà hát TP đã đào được gần 400m, dự kiến tháng 6.2018 hoàn thành. Ảnh: C.N-M.Q
Dự kiến đến tháng 6.2018, đường hầm thứ 2 sẽ được khoan xong. Khi đưa vào vận hành, mỗi đường hầm metro là một chiều tàu metro đi và một chiều metro về trung tâm thành phố.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7km (gồm 2,6km ngầm và 17,1km trên cao). Cả tuyến có 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao), với tổng mức đầu tư 47.325 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối 2020.
Đoạn xây hầm ngầm từ ga Nhà hát TP - ga Ba Son (P.Bến Nghé, Q.1), do nhà thầu liên danh Shimizu - Maeda thi công bằng đào ngầm TBM (robot TBM). Hiện hầm metro thứ nhất chiều từ Nhà hát TP tới Ba Son đã đào xong, các công nhân đang đổ bêtông đáy để lắp đường ray. Hầm metro thứ hai - chiều từ Ba Son về Nhà hát TP đã đào được gần 400m, dự kiến tháng 6.2018 hoàn thành.
Để “mục sở thị” tiến độ khoan hầm thứ hai của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, phóng viên Báo Lao Động đã theo chân ông Phan Hữu Duy Quốc - Phó Trưởng đại diện chuyên trách dự án hạ tầng - Tập đoàn Shimizu. Ở độ sâu hơn 20m, chúng tôi tận mắt thấy đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam, Nhật Bản hăng say công việc trên “con robot” khổng lồ nặng 300 tấn, dài 70m và đường kính 6,79m. Một tốp kỹ sư, công nhân tiến hành các thao tác kỹ thuật trực tiếp trên máy khiên đào, đứng trên máy thường có 3-5 kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản trao đổi sôi nổi về chuyên môn.
Theo ông Phan Hữu Duy Quốc, việc sử robot TBM cho công trình đánh dấu lần đầu công nghệ khiên đào tiên tiến của Nhật Bản được ứng dụng trong thi công công trình đô thị ở Việt Nam. Tính ưu việt của công nghệ thi công này là thực hiện mọi việc trong lòng đất nên ít tác động đến công trình xung quanh, ít chiếm dụng mặt bằng và hầu như không có ảnh hưởng gì đến giao thông trên mặt đất.
Ngoài ra, bằng phương pháp thi công cân bằng áp lực đất, máy khiên đào TBM sẽ đào đất ở một áp lực và tốc độ phù hợp với điều kiện địa chất mà không gây xáo trộn lớn cho nền đất. Khi máy đào tới đâu thì vỏ hầm được lắp đến đó, nên việc lún sụt từ trên xuống hầu như không xảy ra.
Việc thi công hầm thứ 2 được công nhân làm việc liên tục 24/24 giờ. Các kỹ sư, công nhân chia thành 3 ca, mỗi ca làm việc 8 giờ. Số lượng lao động dao động từ 10-20 người/ca. Phần lớn công việc đều tự động nên nhân công ít, chủ yếu để vận hành. Cứ 1,2m hầm được khoan, công nhân sẽ điều khiển “cánh tay” robot TBM lắp 6 tấm bêtông làm vách hầm đường kính 6,8m - nghĩa là hoàn thiện ngay đường hầm. Tất cả được lập trình chính xác tuyệt đối đến từng milimet, đáp ứng chuẩn thông số kỹ thuật để đường hầm khi đi vào vận hành không bị thấm nước, chịu được áp lực va đập.
Tại công trường, các kỹ sư Nhật Bản đánh giá cao khả năng tiếp cận công nghệ, thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần cầu thị của các kỹ sư, công nhân Việt Nam. Các chuyên gia Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục đào tạo để đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam nắm bắt những phần việc phức tạp hơn như: Trực tiếp điều khiển và thay đổi các thông số thiết bị cho phù hợp, để từng bước nắm bắt công nghệ này.
Mặt khác, nhằm mục đích chuyển giao công nghệ, liên danh nhà thầu Nhật Bản đang hướng dẫn gần 30 kỹ sư, công nhân Việt Nam để có thể tự thực hiện các công trình tương tự.
Thận trọng đào đường hầm thứ 2 tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên Do nằm cạn hơn đường hầm thứ nhất, việc đào đường hầm thứ hai của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên phải rất thận trọng, các ... |
Đường hầm 800m của tuyến metro Sài Gòn đã hình thành Sau hơn 5 tháng thi công, robot TBM đã khoan hoàn tất 781m hầm metro từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố, ... |
Hầm metro đầu tiên của Việt Nam về đích sớm một tháng Bày tỏ vui mừng vì tiến độ làm hầm phía Đông tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nhà thầu Nhật Bản cũng nhắc Việt ... |