Ngay từ đầu, Vietsovpetro đã xem móng là đối tượng nghiên cứu điều tra cơ bản trong điều kiện hoàn toàn thiếu thông tin khoa học về khai thác dầu trong đá móng, bởi lúc đó, các công ty nước ngoài không tin trong tầng móng có dầu. Chính vì thế, năm 1987-1988, Vietsovpetro đã có cơ hội tìm thấy dầu trong đá móng và trong Oligocen.
Ngay từ đầu, Vietsovpetro đã xem móng là đối tượng nghiên cứu điều tra cơ bản trong điều kiện hoàn toàn thiếu thông tin khoa học về khai thác dầu trong đá móng, bởi lúc đó, các công ty nước ngoài không tin trong tầng móng có dầu. Chính vì thế, năm 1987-1988, Vietsovpetro đã có cơ hội tìm thấy dầu trong đá móng và trong Oligocen.
Theo ông Nguyễn Văn Đức - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế dầu khí biển (NIPI), Chủ tịch Chi hội Dầu khí Vũng Tàu, khi đó là kỹ sư địa chất tham gia trực tiếp vào việc tìm thấy dầu trong tầng móng tại mỏ Bạch Hổ - trong báo cáo tổng kết 5 năm tìm kiếm thăm dò dầu khí (1976-1980) “Cấu trúc địa chất và triển vọng dầu khí thềm lục địa phía Nam Việt Nam” do tập thể Phòng Kỹ thuật của Công ty Dầu khí II thuộc Tổng cục Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) thực hiện năm 1980 có viết: “Các khối nâng của tầng chứa Paleozoi, Mezozoi được các tầng sinh Đệ Tam phủ lên là đối tượng tìm kiếm đáng được quan tâm”. Đây chính là kim chỉ nam cho công tác tìm kiếm thăm dò của Vietsovpetro ở bể Cửu Long lúc bấy giờ. Báo cáo này do ông Ngô Thường San, nay là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, làm chủ biên.
Nghiên cứu lát cắt tầng đá móng tại phòng nghiên cứu địa chất Vietsovpetro
Sau khi khoan vào móng và lấy mẫu lõi là đá granit phong hóa nứt nẻ có vết dầu ở giếng BH-1 nhưng thử vỉa trong móng không thành công. Nguyên nhân là do trấu làm phụ gia tampon nút các khe nứt trong móng để chống mất dung dịch khoan đã bịt kín bộ thử vỉa. Tiếp đó, giếng BH-1 được đưa vào khai thác tầng dầu Miocen từ ngày 26-6-1986.
Sau khi phát hiện dầu trong đá móng ở giếng khoan BH-6 (1987), Vietsovpetro đã tiến hành thăm dò thẩm lượng bằng cách quay lại thử vỉa lại tầng móng ở giếng khoan BH-1 vào năm 1988. Giếng khoan BH-1 đã khẳng định sự có mặt của tầng dầu trong móng ở vòm trung tâm mỏ Bạch Hổ.
Cần nhấn mạnh rằng, việc quay lại thử vỉa giếng BH-1 là một sáng kiến hợp lý hóa sản xuất thực hiện chủ trương của Vietsovpetro lúc đó là thẩm lượng tầng dầu móng bằng giếng thăm dò dự kiến BH-47r.
Tháng 5-1988, sau khi nghiên cứu đánh giá phát hiện dầu trong móng ở giếng khoan BH-6, Vietsovpetro đã quyết định khoan giếng xiên thăm dò BH-47r từ giàn cố định MSP-1 về phía Nam để thẩm lượng tầng dầu móng ở vòm trung tâm mỏ Bạch Hổ. 1 tháng sau, Cục Khoan biển của Liên doanh Vietsovpetro đã có sáng kiến đề xuất thử vỉa lại móng ở giếng BH-1 và được lãnh đạo Vietsovpetro chấp thuận tiến hành trước khi khoan giếng BH-47r.
Vào ngày 6-9-1988, khi thông giếng xuống móng, giếng BH-1 đã cho dòng dầu phun mạnh với lưu lượng 2.000 tấn/ngày từ móng ở độ sâu 3.104-3.144m và giếng được đưa ngay vào khai thác tạm thời qua bộ cần khoan do Vietsovpetro lúc đó chưa chuẩn bị cần ống khai thác cho lưu lượng lớn như vậy.
“Việc thử lại móng giếng BH-1 đã tiết kiệm chi phí thi công giếng BH-47r và đẩy nhanh thời điểm có dầu từ móng sớm hơn khoảng 4 tháng. Đây là lần thứ hai Vietsovpetro nhận được dòng dầu thương mại từ đá móng cũng là ngày Vietsovpetro bắt đầu khai thác dầu trong móng mỏ Bạch Hổ” - ông Đức cho biết.
Trong ký ức của ông Đức vẫn nhớ như in rằng, trước thành công phát hiện dầu trong tầng phong hóa ở giếng khoan BH-6, tất cả những cán bộ địa chất thăm dò đều vui mừng nhưng vẫn còn băn khoăn, có phải là phát hiện mới trong móng thực thụ không? Nhưng khi có kết quả thử vỉa lại giếng khoan BH-1 xác nhận đúng là phát hiện dầu trong móng thì ông và mọi người mới cảm thấy thực sự vinh dự và tự hào.
“Thật hạnh phúc vì chúng tôi đã không phụ lòng mong đợi của cả nước đối với Vietsovpetro”- ông Đức chia sẻ. Ông kể lại rằng, lúc đó ông chợt nhớ đến truyền thuyết mà thời còn du đi học được nghe cô giáo người Nga kể về hình tượng chàng trai Đancơ đã lấy trái tim mình ra thắp sáng, soi đường đưa dân làng thoát ra khỏi rừng già và màn đêm tăm tối.
Cần khẳng định rằng, việc Vietsovpetro tìm thấy và khai thác dòng dầu trữ lượng lớn trong tầng móng mỏ Bạch Hổ đã đóng góp một nguồn tài chính rất lớn cho đất nước, góp phần đáng kể thực hiện chính sách đổi mới của Đảng, đưa Việt Nam vượt thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn diện vào những năm đó.
Ông Đức nhắc đến quan điểm của một số người cho rằng, việc Vietsovpetro tìm thấy dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ chỉ là “ăn may” và chỉ là thừa hưởng thành quả nghiên cứu của các công ty trước đó để lại chứ không phải là thành quả nghiên cứu của Vietsovpetro. Ông Đức khẳng định, luận điểm đó không chính xác vì Vietsovpetro đã tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí với những bước đi ban đầu bài bản, xem móng là đối tượng nghiên cứu điều tra cơ bản, do đó mới có cơ hội tìm thấy dầu trong đá móng và trong Oligocen.
Các công ty dầu khí trước đó đã không đặt vấn đề nghiên cứu móng, họ chỉ thấy dầu không đạt giá trị thương mại trong trầm tích Miocen, tỷ phần đối tượng sau này chỉ là rất nhỏ trong tổng sản lượng dầu khai thác chung của Vietsovpetro, nên không có chuyện Vietsovpetro thừa hưởng thành quả của các công ty trước.
“Trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí cũng rất cần có vận may. Từ năm 1988 Việt Nam đã mở cửa đầu tư đến nay, nhiều công ty đã đầu tư rất nhiều vào tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và cũng đã biết bài học kinh nghiệm của Vietsovpetro, nhưng thực tế có công ty thành công, cũng có nhiều công ty không gặp may”, ông Đức nói.
Nói về thành quả tìm thấy dầu trữ lượng lớn trong tầng móng mỏ Bạch Hổ, trước tiên có lẽ phải kể đến những thuận lợi của Vietsovpetro, đó là tập thể lao động quốc tế Việt - Xô. Trong đó, Liên Xô đã huy động tất cả những tiềm lực khoa học công nghệ và kinh nghiệm tích lũy của mình để sát cánh cùng với Vietsovpetro xử lý, giải quyết những vấn đề hóc búa trong công nghệ thăm dò và khai thác dầu khí trong đá móng. Các công ty dầu khí và các nhà thầu dịch vụ cũng hỗ trợ Vietsovpetro nhiều trong việc chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện nghiên cứu chung và cung cấp những bài báo, thông tin chuyên khảo về đối tượng dầu trong móng mới và lý thú này.
Nhưng Vietsovpetro cũng gặp không ít khó khăn và thách thức, mà theo ông Đức, khó khăn chính là lúc đó của Vietsovpetro là thiếu thông tin khoa học về khai thác dầu trong đá móng. Thậm chí cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa tiếp cận được những thông tin kinh nghiệm khai thác của các mỏ dầu cực lớn trong móng hàng chục năm trước như mỏ dầu Nafoora Augila ở Libia có trữ lượng gấp 2-3 lần mỏ Bạch Hổ...
Về thiết bị công nghệ, Vietsovpetro và các nhà thầu dịch vụ có thể tìm được những phương án khắc phục, thay thế tương đương. Cũng như về mặt an toàn của các thiết bị công nghệ khai thác ở Vietsovpetro, các chuyên gia trong lĩnh vực này của Vietsovpetro biết rất rõ.
Một vấn đề quan trọng là giai đoạn sau của quá trình khai thác dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ là những thách thức về khoa học công nghệ trong việc duy trì áp suất vỉa, gia tăng hệ số thu hồi dầu.
Ông Đức chia sẻ, sau này Vietsovpetro tiếp cận được tài liệu duy trì áp suất vỉa trong móng công bố vào năm 1987 dựa trên tính toán thử nghiệm ở mỏ La Paz Venezuela. Năm 1992, khi Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam có tham vấn các chuyên gia quốc tế, họ khuyên Vietsovpetro không nên bơm nước vào móng để duy trì áp suất vỉa. Sau nhiều đắn đo, năm 1993, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam mới có quyết định bơm nước thử nghiệm vào móng mỏ Bạch Hổ và sau đó đã thành công, gia tăng hệ số thu hồi dầu từ 13,8% lên gần 40%.
Những vấn đề xung quanh việc duy trì áp suất vỉa và gia tăng hệ số thu hồi dầu tầng móng mỏ Bạch Hổ sẽ được thông tin chi tiết ở kỳ sau...
Việc Vietsovpetro tìm thấy và khai thác dòng dầu trữ lượng lớn trong tầng móng mỏ Bạch Hổ đã đóng góp một nguồn tài chính rất lớn cho đất nước, góp phần đáng kể thực hiện chính sách đổi mới của Đảng, đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn diện vào những năm đó.
(Xem tiếp kỳ sau)
30 năm tìm thấy dầu ở tầng đá móng mỏ Bạch Hổ: Sự kiên nhẫn làm nên kỳ tích Ngay cả khi bộ phận địa vật lý trên bờ đã kết luận vỉa giếng BH-1 là vỉa khô, không dầu, nhưng đội ngũ cán ... |
Chuyện tìm dầu ở tầng đá móng: Làm gì có chuyện “ăn may”! Cho đến nay, việc tìm ra dầu ở tầng đá móng đã được coi là “huyền thoại”, “kỳ tích” của Tập đoàn Dầu khí Việt. ... |
Niềm tin từ điều không tưởng Ở thời điểm đó, khai thác dầu ở tầng đá móng là điều không tưởng. Trong lịch sử khai thác dầu khí thế giới cũng ... |
Kỳ tích ở tầng đá móng Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), sức ép về nhu cầu năng lượng để tái thiết và sản xuất của chúng ... |