Từ năm 2015-2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) lâm vào “khủng hoảng kép”: Nhiều cán bộ cao cấp của Petrovietnam và một số đơn vị mắc sai phạm nghiêm trọng và giá dầu suy giảm tiêu cực. Nhưng Petrovietnam đã tích cực xử lý khủng hoảng, khôi phục được niềm tin của người dầu khí, đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành công bắt nguồn từ công tác xây dựng Đảng. Đồng chí Phạm Xuân Cảnh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Thành viên HĐTV Petrovietnam - đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Năng lượng Mới về vấn đề này.

PV: Có nhiều ý kiến đánh giá rằng, trong suốt giai đoạn 2015-2017 và cho đến nay, Petrovietnam đã xử lý thành công các cuộc “đại khủng hoảng”, bắt đầu từ công tác xây dựng Đảng. Đồng chí nghĩ thế nào về đánh giá đó?

Bài học về xây dựng Đảng ở Petrovietnam
Bài học về xây dựng Đảng ở Petrovietnam

Đồng chí Phạm Xuân Cảnh: Đây thực sự là câu chuyện lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng.Nhớ lại những năm tháng ấy, tôi lại rơi nước mắt, vẫn thấy như mới xảy ra hôm qua.

Chưa bao giờ có khoảng thời gian, cứ đến tối thứ Sáu là mọi người xem VTV có thông báo là bắt ai, khởi tố ai ở Petrovietnam. Chưa bao giờ một tập đoàn kinh tế được coi là trụ cột của nền kinh tế lại có đến hàng chục cán bộ phải ra tòa, kể cả những lãnh đạo cao nhất.

Cũng chưa bao giờ, giá dầu xuống dốc thê thảm khiến nhiều dự án phải dừng, giãn tiến độ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn Petrovietnam. Có những đơn vị ở khâu đầu (tìm kiếm, thăm dò, khai thác), cán bộ công tác phải đi bằng máy bay giá rẻ, phải tiết kiệm từng chai nước uống...

Cũng chưa bao giờ niềm tin của người dầu khí lại bị suy sụp đến như vậy. Một bầu không khí bi quan, chán nản, thất vọng bao trùm cả Petrovietnam... Và từ đó, nội bộ sinh ra nghi ngờ lẫn nhau, từ đó nảy sinh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”...

Vậy, vào thời điểm đó, Đảng ở đâu? Vai trò của công tác Đảng ở đâu? Các cấp ủy Đảng trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã làm gì?

Để xảy ra khủng hoảng ở Petrovietnam giai đoạn 2015-2017 có lỗi của Đảng bộ, đó là làm chưa tốt công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý cán bộ chưa tốt.

Nhưng vào lúc “đại khủng hoảng” đó, giả sử không có tổ chức Đảng thì Petrovietnam sẽ như thế nào? Ai đứng ra để lo vấn đề chung nữa, để lo xử lý khủng hoảng và củng cố lại Petrovietnam?

Năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào Petrovietnam kiểm tra. Không phải ngẫu nhiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, mặc dù trước đó là đã chỉ đạo để thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cả cơ quan điều tra. Những bê bối của Petrovietnam làm cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ vô cùng lo lắng. Bởi sự phát triển của Petrovietnam là vô cùng quan trọng với kinh tế đất nước, là trụ cột của nền kinh tế quốc dân, là một người lính tiên phong trong việc giữ gìn chủ quyền an ninh trên biển.

Để xử lý một cách triệt để và vực dậy Petrovietnam, lãnh đạo Đảng, Chính phủ chọn cách là phải đi bằng con đường xây dựng Đảng.

Một câu hỏi đặt ra: Nếu không có tổ chức Đảng thì ai là người giám sát thường xuyên việc Petrovietnam quán triệt các quy định của Trung ương, của Đảng?

Bài học về xây dựng Đảng ở Petrovietnam
Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ kết nạp đảng viên tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (ảnh: Thanh Hiếu)

PV: Đồng chí có thể cho biết, công tác xây dựng Đảng bao gồm những công việc gì? Ở Petrovietnam những năm trước đó, công tác xây dựng Đảng được thực hiện ra sao?

Đồng chí Phạm Xuân Cảnh: Công tác xây dựng Đảng là cả một vấn đề mang tính hệ thống xuyên suốt và liên tục.

Đầu tiên, xây dựng Đảng là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng Đảng bao gồm xây dựng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo, quan hệ với quần chúng, người lao động; là công tác tổ chức, công tác xây dựng về con người.

Tất cả phải thấm nhuần tư tưởng: Đã là đảng viên, là cán bộ, đều phải chấp hành công tác xây dựng Đảng.

Đảng ta vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền, nhưng mà có hai yếu tố nữa rất độc đáo và thiêng liêng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đây là điều Bác Hồ nói trong bài diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng và sau này trong Di chúc nữa.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh, đó là cốt cách, cốt lõi trong mọi việc làm. Còn việc Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền là biểu hiện ra bên ngoài, nhưng phải xuất phát từ đạo đức, văn minh thì mới lãnh đạo, cầm quyền được.

Thứ hai, Đảng ta xác định: Lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.

Hiện nay có đảng viên là cán bộ lãnh đạo cứ nói nhưng mà không thấu hiểu câu chuyện xây dựng Đảng là gì cho nên chỉ đạo rất sáo rỗng, thậm chí “cải lương”. Trong lãnh đạo, cầm quyền, nếu sáo rỗng và “cải lương” thì vô cùng tai hại, sẽ vô hiệu hóa vai trò của Đảng.

Nhiều người chỉ hiểu xây dựng Đảng là làm mấy việc như tổ chức một vài lớp học chính trị, quán triệt nghị quyết, là sinh hoạt Đảng, kết nạp đảng viên... Đó chỉ là những nghiệp vụ công tác Đảng.  

Khi bắt tay vào xử lý khủng hoảng, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có Chỉ thị số 136 về “Tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị nhằm ổn định tình hình, bảo đảm tăng trưởng, phát triển bền vững, thực hiện nghiêm quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Còn xây dựng Đảng, về bản chất là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tức là bảo đảm vấn đề rất triết học, vừa “xây” vừa “chống”. Trong thời gian qua đã có những lúc chúng ta rơi vào chủ nghĩa “cải lương”, chỉ thuần túy hô hào xây dựng Đảng theo kiểu động viên, xây theo kiểu chỉ suy nghĩ một chiều, nhưng không quan tâm, chú trọng đến “chống” và bị mất cân đối, sa vào chủ nghĩa hình thức, hời hợt. Phải luôn luôn, thường xuyên, “vừa xây vừa chống”.

Vấn đề nữa là lâu nay, có người vẫn hiểu xây dựng Đảng là chỉ xây dựng trong phạm vi tổ chức Đảng, bỏ qua các tổ chức khác. Nhưng họ không biết rằng, xây dựng Đảng là xây dựng cả hệ thống chính trị, là phải có một tổ chức Đảng tốt, phải có một tổ chức chính quyền, tổ chức nhà nước tốt, có các đoàn thể chính trị - xã hội tốt thì công tác xây dựng Đảng mới có kết quả tốt.

Với Petrovietnam cũng thế. Không phải tháng nào cũng họp Thường vụ, quý nào cũng họp Ban Chấp hành rồi làm một số vấn đề tuyên truyền, hội nghị nọ kia rồi bảo sinh hoạt “có nề nếp”, làm tốt công tác xây dựng Đảng.

Phải có một Ban Chấp hành Đảng bộ mạnh, có số lượng đủ, cơ cấu hợp lý, từng ủy viên phải tốt, nêu gương, đặc biệt là người đứng đầu; có quy chế làm việc chặt chẽ, khoa học và phân công đúng người, đúng việc. Nhưng có Ban Chấp hành tốt chưa phải đã là xây dựng Đảng tốt. Petrovietnam phải có cả Hội đồng Thành viên mạnh và thành viên trong Hội đồng Thành viên phải là người tốt. Phải phân công đúng người, đúng việc, phát huy ưu điểm, năng lực của từng người, đặc biệt là người đứng đầu. Rồi phải có Ban Tổng giám đốc tốt và phải có mối quan hệ công tác giữa cấp ủy với Hội đồng Thành viên và Ban điều hành tốt... Có như vậy mới phát huy sức mạnh tổng hợp. Đó là nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng. Làm tốt được điều này thì mới bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy mọi công việc khác.

Bài học về xây dựng Đảng ở Petrovietnam
Chào cờ trên giàn khai thác Hải Thạch

Khi bắt tay vào xử lý khủng hoảng, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng ủy Tập đoàn) đã có Chỉ thị số 136 về “Tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị nhằm ổn định tình hình, bảo đảm tăng trưởng, phát triển bền vững, thực hiện nghiêm quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Chỉ thị 136 đã thẳng thắn nêu rõ: “Bên cạnh đó, thực trạng chất lượng nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực của Petrovietnam thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế; những yếu kém, tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của Petrovietnam cũng như niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động. Đây là những bài học đắt giá để Petrovietnam nghiêm khắc nhìn nhận về chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, quản trị và khả năng dự báo để chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cho phát triển bền vững”.

Chỉ thị 136 đã đề ra 8 nhóm giải pháp và lần đầu tiên, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đặt ra việc “tái tạo văn hóa dầu khí” với yêu cầu “rà soát các chuẩn mực văn hóa dầu khí; hoàn chỉnh bộ quy tắc ứng xử văn hóa dầu khí trong tình hình mới; tổ chức tuyên truyền và áp dụng sâu rộng trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.

Đây thực chất là chỉ thị mang tính chất hiệu triệu của Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, ngay lập tức đã được các cấp ủy Đảng triển khai nghiêm túc, tạo ra một khí thế mới trong toàn Petrovietnam.

Lãnh đạo Petrovietnam chính thức đề nghị Trung ương, Chính phủ có chỉ đạo để các cơ quan chức năng ưu tiên tập trung điều tra, thanh tra, kiểm tra, để làm rõ, kết luận và xử lý những vấn đề tồn tại để Petrovietnam có thời gian phục hồi, giữ chân được cán bộ. Lúc đó, nếu không xử lý nhanh, cán bộ mất hết nhuệ khí làm việc thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

Chỉ thị 136 đã tạo ra một bầu không khí mới trong đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Petrovietnam. Trong đó, vai trò gương mẫu của đảng viên được đưa lên hàng đầu. Năm 2014, trong cuộc gặp gỡ với các bí thư chi bộ tiêu biểu của Petrovietnam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất ngắn gọn, xúc tích và cực kỳ đầy đủ về vai trò của đảng viên, của bí thư chi bộ: “Đảng viên không gương mẫu, nói ai nghe? Bí thư chi bộ không gương mẫu, còn nói ai, vận động ai?”.

Chính tinh thần gương mẫu của đảng viên, đứng đầu là các bí thư, đã tạo ra được sự đồng thuận với các chủ trương, quyết sách trong việc tái cơ cấu bộ máy quản lý từ Công ty mẹ tới từng đơn vị thành viên. Một cuộc cải tổ bộ máy lớn chưa từng có với hàng trăm đầu mối được sáp nhập hoặc thay đổi, rất nhiều cán bộ phải rời bỏ vị trí mình đang làm để nhận công việc khác có khi thấp hơn, thu nhập kém hơn... Công ty mẹ từ 36 đầu mối giảm xuống còn 17 đầu mối và hàng chục cán bộ phải thay đổi vị trí công tác. Ấy vậy mà không có khiếu kiện vượt cấp hoặc kéo dài, không có tình trạng lãn công hoặc gây mất đoàn kết nội bộ. Đảng viên đi đầu trong việc thực hiện và các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cũng vào cuộc... Mọi người đều thấu hiểu: “Phải cải tổ để tồn tại và phát triển”.

Tập đoàn đã cụ thể việc triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận thông qua các đợt sinh hoạt chính trị cao điểm như tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình với các chủ đề “Tự soi, tự sửa”, “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” trong toàn Tập đoàn. Nội dung sinh hoạt không chỉ tập trung vào kiểm điểm 5 nhóm nội dung chính của Kết luận số 21-KL/TW mà còn gắn việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó tập trung làm tốt 3 nội dung học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Bài học về xây dựng Đảng ở Petrovietnam
Thành viên HĐTV Phạm Xuân Cảnh kiểm tra hoạt động trên giàn Thỏ Trắng 2

Tập đoàn cũng đã xác định văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh, thúc đẩy, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững; nâng cao vị thế và uy tín cho Tập đoàn. Đồng thời triển khai thực hiện Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam, theo hướng lượng hóa giá trị văn hóa gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kết quả rõ nét nhất là các hoạt động tái tạo văn hóa Petrovietnam được lồng ghép thực hiện gắn với các mục tiêu kế hoạch SXKD và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, thể hiện rõ tinh thần “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”. Việc triển khai thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” tạo bước đột phá trong thực hiện Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam. Và điều quan trọng là việc tái tạo văn hóa Petrovietnam đã đi vào thực chất, tránh được lối mòn, tránh hình thức, sáo rỗng… Kết quả của SXKD chính là phản ánh thực chất về văn hóa doanh nghiệp.

3 năm qua, Đảng bộ Tập đoàn đều đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tổ chức đảng các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt tỷ lệ trung bình hằng năm là 89,33% vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (80%); đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt tỷ lệ trung bình hằng năm là 95,2%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (80%).

Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn và các ban xây dựng đảng đã tiến hành 50 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 29 tổ chức đảng và 14 đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị và giám sát 01 tổ chức chính trị - xã hội, đạt tỷ lệ 90,6% số tổ chức đảng trực thuộc, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (Tổ chức đảng trực thuộc và người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp, đơn vị được kiểm tra, giám sát ít nhất 01 lần trong nhiệm kỳ).

Từ năm 2020-2022, tỷ lệ đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm 0,89%, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ 3,93%. Các tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm 0,07%.

Đây thực sự là những con số đầy sức thuyết phục, phản ánh được một cách trung thực nhất về kết quả công tác xây dựng Đảng của Petrovietnam trong giai đoạn vượt qua khủng hoảng kép.

PVVới những gì mà Petrovietnam đã làm được trong 5 năm qua, có vẻ như chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới với khí thế mới và tâm thế mới, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Xuân Cảnh: Đúng vậy. Năm 2023 đánh dấu một giai đoạn phục hồi thành công và tạo đà phát triển bền vững (2018-2023).

Có thể nói, năm 2023 cũng là “giao thừa” của một giai đoạn phát triển mới của Petrovietnam, dựa trên nền tảng 5 năm vừa qua đã rất thành công và thành công này được xã hội ghi nhận, được mọi người dầu khí ghi nhận, được Trung ương, Chính phủ ghi nhận, bằng những con số biết nói, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới.

Năm 2023 cũng là năm Bộ Chính trị chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và có chủ trương định hướng chiến lược phát triển cho ngành Dầu khí và Petrovietnam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2023 là năm bắt đầu Luật Dầu khí 2022 có hiệu lực, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí được ban hành. Đây là giải pháp về thể chế để phát triển ngành Dầu khí và Petrovietnam.

Năm 2023 là năm chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Petrovietnam. Những sự chuyển giao thế hệ đã được chuẩn bị và chúng ta đang ở một tâm thế rất sẵn sàng chuyển giao, sẵn sàng chuyển giao một cách vững vàng.

Cũng năm 2023 là thời điểm tổng kết 15 năm Đảng bộ Tập đoàn hoạt động theo mô hình Đảng bộ toàn Tập đoàn theo chỉ đạo của Trung ương. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam gần như là tập đoàn làm điểm về thành lập mô hình Đảng bộ toàn Tập đoàn và sau 15 năm, Trung ương tổng kết, đánh giá, khẳng định tính ưu việt của mô hình đó. Trung ương đã ban hành Quy định số 60-QĐ/TW ngày 8-3-2022 về mô hình tổ chức Đảng và Quy định số 87-QĐ-TW ngày 28-10-2022 về chức năng, nhiệm vụ của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước.

Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước có vai trò, chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của doanh nghiệp, nên công tác xây dựng Đảng có vai trò quyết định, bảo đảm cho tập đoàn kinh tế nhà nước phát triển đúng chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bài học thành công trong công tác xây dựng Đảng của Petrovietnam trong giai đoạn 2015-2023 là như thế.

PVXin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này. Và nói thật, tôi làm báo gần 40 năm, viết rất nhiều bài về Đảng, nhưng hôm nay, mới được hiểu thêm thế nào là công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước.

Chỉ thị 136 đã đề ra 8 nhóm giải pháp và lần đầu tiên, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đặt ra việc “tái tạo văn hóa dầu khí” với yêu cầu “rà soát các chuẩn mực văn hóa dầu khí; hoàn chỉnh bộ quy tắc ứng xử văn hóa dầu khí trong tình hình mới; tổ chức tuyên truyền và áp dụng sâu rộng trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-hoc-ve-xay-dung-dang-o-petrovietnam-697364.html

Nguyễn Như Phong / petrovietnam.petrotimes.vn