Trong tập luyện cũng như thi đấu, Ánh Viên luôn tự đặt ra cho mình những thách thức mới. Giành 9-10 HCV là cột mốc mà cô nhắm đến để chinh phục tại SEA Games 29.

Con đã không muốn phấn đấu nữa thì thôi, con trở về là con số 0, còn thầy sẽ không có một người học trò và VĐV với ý chí như thế này, với sự tự mãn như thế này. Con suy nghĩ đi, nếu vẫn muốn phấn đấu theo những gì thầy đã vạch ra thì con hãy quên ngay những gì con đã có…”.

Người “con” trong lời kể của HLV Đặng Anh Tuấn ở đây chính là Nguyễn Thị Ánh Viên. Thời điểm được ông nhắc đến ở trên đến vào sau SEA Games 2013. Khi đó, Ánh Viên vừa mới đoạt 3 HCV trên đất Myanmar, sống trong cơ man những lời tung hô, chúc tụng, chưa kể việc được thăng quân hàm ở đơn vị.

Ở tuổi 17, kình ngư sinh năm 1996 lập tức dao động. Cô tự cho mình đã đạt được một điều gì đó, xứng đáng được tận hưởng cho thành quả đã tạo ra. HLV Đặng Anh Tuấn không trách cô học trò vì điều đó. Bởi mọi thứ đến quá nhanh với một cô gái đi xa nhà biền biện vài năm trời, hạn chế về giao tiếp xã hội, chỉ quen tập luyện và thi đấu...

Nhưng là một người cha thứ hai, HLV Đặng Anh Tuấn không để Ánh Viên trượt dài theo suy nghĩ đó. Ông quyết định có một cuộc nói chuyện thẳng thắn để kình ngư trẻ tuổi này “tỉnh ngộ” ra. Đó là quá trình đầy khó khăn, thử thách nhưng sự nghiêm khắc, tình thương của ông Tuấn đã giúp Ánh Viên hiểu được mình đang ở đâu, cần phải làm gì.

Con người, ai cũng trải qua một cột mốc để đánh dấu sự trưởng thành. Với Ánh Viên, nó đến chỉ gần 2 năm sau khi cô có được bài học lớn trong cuộc đời. Ở SEA Games 28 trên đất Singapore, kình ngư người Cần Thơ đã làm dậy sóng làn đua xanh khi giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục đại hội.

Báo chí Đông Nam Á gọi Ánh Viên là “Iron Girl” (Cô gái thép). Cô trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông, cũng như người hâm mộ quê nhà. Nhưng lúc này, Ánh Viên đã rất khác so với trước. Cô không chỉ khiến mọi người nể vì thành tích, mà còn khiến họ phục vì những suy nghĩ chín chắc của mình.

Cô nói: “Tôi đã giành nhiều huy chương vàng và phá nhiều kỷ lục SEA Games nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu. Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai. Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì”.

Ánh Viên trở thành một thần tượng thể thao đích thực, những thông điệp tích cực trên đỉnh vinh quang của cô đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người để họ nhìn nhận lại mình, nỗ lực hoàn thiện bản thân.

Hồ bơi đầu tiên trong đời Ánh Viên là lạch nước trước nhà ở ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (Cần Thơ). Mùa nước nổi, con rạch trở nên hung dữ và nguy hiểm. Sợ cháu bị đuối nước, ông nội Viên dạy cô cháu gái của mình bơi khi mới 5 tuổi.

Lúc đầu khi bỏ xuống nước, Ánh Viên la oai oái… vì sợ. Nhưng chỉ sau 3 ngày, cô đã có thể tự nổi trên mặt nước. Đến khi biết bơi thuần thục, cô gái sinh năm 1996 không có đối thủ khi đua tranh với những bạn bè cùng trang lứa ở ấp. Quan trọng hơn, cô thật sự thích thú với môn thể thao này.

Trong trí nhớ của bố mẹ, Ánh Viên còn nhỏ là cô bé dong dỏng cao, đen nhẻm nhưng có quyết tâm không gì ngăn cản được. “Năm lớp 5, cháu nó được dự thi Hội khỏe Phù Đổng. Với mong muốn đạt thành tích, cháu nó tự tập luyện ngay ở con lạch trước nhà. Ngày nào cũng vậy, cứ đi học về là cháu lao xuống nước. Nhiều lúc thấy ở dưới lâu quá, chúng tôi hay la nhưng sau đó thì ủng hộ vì cháu quyết tâm quá”, ông Nguyễn Văn Tác – bố của Ánh Viên nhớ lại.

Tinh thần đó được kình ngư này mang theo suốt trong quá trình tập luyện, thi đấu từ lúc nhỏ cho đến khi chinh phục đỉnh cao ở SEA Games. Thay cho những lời than vãn, Ánh Viên tự nhủ phải cố gắng để giải sau cao hơn giải trước. Điều gì làm chưa được, cô phấn đấu hết sức để hoàn thành.

Làn nước xanh tại Malaysia là nơi để Ánh Viên tạo kỷ lục mới của mình. Cô cùng HLV Đặng Anh Tuấn phấn đấu vượt qua thành tích giành 8 HCV ở Singapore cách đây 2 năm, đặc biệt thi đấu tốt hơn nữa ở một số nội dung không phải thế mạnh.

Ít người biết rằng ở SEA Games lần trước, điều khiến Ánh Viên hài lòng nhất không nằm ở việc phá 8 kỷ lục mà là khi cô giành tấm HCV ở 200 m bơi ếch. Đây là nội dung không phải thế mạnh của cô nên khi vượt qua được, cô xem nó như một thành tựu của bản thân.

Thử thách lần này cho cô gái thép của bơi Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Ánh Viên không còn bí ẩn với các đối thủ khu vực. Ngược lại, cô là đích đến để những kình ngư khác phấn đấu vượt mặt. Giành được HCV đã khó, bảo vệ được nó với thành tích tốt hơn còn khó hơn bội phần.

Áp lực là điều không thường thấy ở Ánh Viên. Cô không nghĩ nhiều đến những tấm HCV mà biết cách làm cho tâm lý của mình thoải mái nhất khi lao xuống nước thi đấu. Người hâm mộ chắc hẳn không lạ với hình ảnh khi thi đấu xong, cô nhoẻn miệng cười, vẫy tay chào mọi người.

Đứng trước nhiệm vụ nặng nề nhưng Ánh Viên xem mọi chuyện rất đơn giản. Bí quyết của cô chỉ nằm ở mấy chữ: “Nỗ lực hết mình giống như bản thân chưa đạt được gì cả”.

Với tinh thần và động lực đó, kình ngư Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục làm dậy sóng làn bơi Đông Nam Á.

/ Theo Zing