Lãnh đạo 3 nước trong “tam giác” an ninh AUKUS hôm 13/3 đã công bố một kế hoạch an ninh mới với việc trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia và Anh. Vấn đề đáng quan tâm trong kế hoạch mới của AUKUS là việc “lách” quy định trong Hiệp ước cấp phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) để đưa nhiên liệu hạt nhân lên tàu ngầm Australia, từ đó dấy lên lo ngại đây sẽ là tiền lệ xấu cho một cuộc đua phổ biến hạt nhân mới.

AUKUS và nguy cơ an ninh khu vực

Trước tiên, phải nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa Australia vào cuộc chiến chống Trung Quốc trong thế kỷ 21 khi ông quyết định thành lập liên minh quân sự - an ninh AUKUS (bao gồm 3 nước Anh, Mỹ, Australia, viết tắt là AUKUS), nâng quốc gia đang xây dựng tiềm lực quân sự lên thành một cường quốc quân sự quan trọng trong khu vực và quan trọng nhất là giúp Anh bành trướng ảnh hưởng quân sự ra toàn cầu, hướng đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

1_albanese-biden-sunak press conference.jpg -0
Lãnh đạo 3 nước AUKUS tại cuộc họp báo ngày 13-3.

Trọng tâm của vấn đề là việc Australia tuyên bố hủy bỏ hợp đồng “thỏa thuận thế kỷ” trị giá khoảng 60 tỷ USD để mua 12 tàu ngầm chạy bằng diesel từ Pháp, và thay vào đó mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ và Anh. Sự hình thành với mục tiêu nhập nhằng của AUKUS đã khiến nước Pháp tức giận và yêu cầu ông Biden phải xin lỗi. Điều này đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại về cách chính quyền của ông vận hành. Pháp từng là đối tác đáng tin cậy trong 30 năm của Australia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì vậy sự tức giận của Pháp là hoàn toàn có cơ sở. Sự tức giận của Pháp từng gây ra sóng gió trong quan hệ giữa các đồng minh phương Tây với nhau, đặc biệt là quan hệ giữa Anh và Pháp vốn đã xấu đi kể từ sau vụ việc Brexit càng trở nên tồi tệ hơn.

Quan trọng hơn, mỗi ngày trôi qua kể từ khi hợp đồng được công bố một cách phô trương vào ngày 16/9/2021, các câu hỏi đặt ra về mục đích cuối cùng của liên minh AUKUS và ý nghĩa của nó đối với các quốc gia khác trong khối ASEAN. Rủi ro được đặt ra là AUKUS còn lâu mới củng cố được một liên minh khu vực chống lại Trung Quốc, nhưng sẽ dẫn đến rạn nứt trong quan hệ truyền thống với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, New Zealand và Ấn Độ. Điều đáng quan tâm là AUKUS được xem là một khối tiêu cực hơn là tích cực. Nó cũng đặt ra những câu hỏi chính đáng từ các quốc gia Thái Bình Dương và các nhà tư tưởng về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và những kẽ hở trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Một số trong những lo ngại đó đã được người đứng đầu cơ quan thanh sát vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc Rafael Mariano Grossi cũng như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhắc đi nhắc lại vài lần.

Ở tít tận trời Tây, AUKUS cũng đã gây ra một cuộc tranh luận trong nội bộ châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sử dụng chức Chủ tịch EU vào 2022 để khởi động lại các đề xuất về phòng thủ châu Âu mạnh mẽ hơn. Cảm thấy mình đã “phản bội” nước Pháp, ông Biden đã ủng hộ rộng rãi các kế hoạch của ông Macron.

Ông Macron đã lập luận rằng nếu AUKUS là về bất cứ điều gì, thì đó là tín hiệu cho thấy trọng tâm địa chiến lược của Mỹ đang di chuyển không thể thay đổi từ châu Âu sang phía Đông để chống lại Trung Quốc. Điều đó lại làm nổi rõ vấn đề rằng cấu trúc an ninh phương Tây lấy châu Âu làm trung tâm cũ về cơ bản đang trong tình trạng lộn xộn như thế nào và cần phải cải cách, mang lại cho Paris cơ hội giành lấy một chiến thắng tiềm năng ở châu Âu từ đống tro tàn của sự sỉ nhục ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Rốt cuộc, không chỉ Paris mà cả EU đều không mấy ấn tượng với AUKUS. Và chính EU cũng đã hoãn các cuộc đàm phán thương mại tự do với Canberra. Gabriele Visentin, đặc phái viên của EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thừa nhận nhiều người coi việc AUKUS được công bố thành lập vào đúng ngày EU công bố chiến lược của riêng mình cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là có chủ ý chứ không phải là vô lý. Bất kể thời điểm nào, các bộ trưởng quốc phòng EU đang khẩn trương tiến hành các kế hoạch bảo vệ châu Âu mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc thành lập một lực lượng can thiệp quân sự chung 5.000 quân vào năm 2025.

AUKUS và nguy cơ chạy đua hạt nhân mới -0
Quan hệ Anh-Pháp rạn nứt nghiêm trọng từ vụ tàu ngầm Australia.

Về phương diện cá nhân, các nhà ngoại giao và tình báo Pháp đang phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa là tại sao họ không phát hiện ra sự lừa dối kéo dài nhiều tháng của Australia. Nhưng Kurt Campbell, Giám đốc châu Á của Nhà Trắng và là người ủng hộ chính cho kế hoạch chia sẻ bí mật hạt nhân của Mỹ với Australia, đã không được Bộ Ngoại giao ủng hộ, nơi nhiều người nói rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu Campbell yêu cầu Australia tạm dừng trong 3 đến 6 tháng sau khi hủy hợp đồng với Pháp trước khi công bố hiệp ước an ninh mới.

Đối với Australia, việc được mời gia nhập AUKUS và ký kết hợp đồng tàu ngầm hạt nhân mới thoạt nhìn có vẻ Thủ tướng (khi đó) Scott Morrison được nâng tầm uy tín về khả năng đối phó và chuyên môn ngoại giao có tầm nhìn bao quát, nhưng thực chất thì ngược lại, điều đó càng ngày càng trở nên xa vời. Bản thân Tổng thống Biden cũng không thể thoát ra một cách an toàn. Bằng cách nói rằng ông nghĩ rằng Pháp đã được thông báo về việc mất hợp đồng tàu ngầm, ông Biden đã thể hiện hình ảnh một người cố gắng “giải cứu” liên minh của mình được mớ rắc rối do chính mình tạo ra.

Nhưng một khó khăn đối với AUKUS là dự án đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia hiện vẫn còn trên giấy. Một nhóm gồm các cựu cố vấn hải quân Mỹ được thuê để thiết kế các chi tiết trong 18 tháng, bao gồm cả nơi đóng tàu ngầm. Mục đích là để cho Australia thấy, một quốc gia không có căn cứ hạt nhân dân sự, có thể đồng sản xuất tàu ngầm mới, loại tàu Astute được chế tạo theo thiết kế của Anh, hoặc loại tàu ngầm lớp Virginia được chế tạo ở Connecticut hoặc Virginia.

Dù lựa chọn là gì thì cũng phải đến năm 2040 Australia mới có thể đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào hoạt động ở Biển Đông. Trong khi đó, nếu tiếp tục tuân thủ hợp đồng cũ với Pháp thì chiếc tàu ngầm đầu tiên có thể sẵn sàng vào năm 2034, nghĩa là tàu ngầm lớp Collins cũ kỹ của Australia sẽ phải được trang bị lại. Jean-Pierre Thébault, đại sứ Pháp tại Australia đã không ngần ngại chỉ ra những điểm không chắc chắn của cái mà ông gọi là “bước nhảy khổng lồ vào điều chưa biết”.

Điểm hấp dẫn khác của hiệp ước an ninh Aukus hợp tác chặt chẽ trên mạng, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Australia háo hức chứng tỏ rằng đó không phải là một tiện ích PR, mà là một bước hữu hình. Nếu đúng như vậy, nó sẽ khiến các đồng minh có công nghệ tiên tiến hơn như Nhật Bản và Hàn Quốc bối rối vì bị đứng ngoài cuộc. Mỹ trước đó đã từ chối yêu cầu của Hàn Quốc về việc chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân của nước này.

Việc Australia đã cho thấy nhu cầu chiến lược thay đổi và Pháp sẽ không bao giờ thỏa mãn được những nhu cầu đó. Nước này muốn thứ gì đó có thể di chuyển được quãng đường xa hơn. Từ căn cứ điều hành Ran ở Perth đến Biển Đông chỉ cách nhau khoảng 3.500 dặm. Australia bị thu hút bởi thực tế là công nghệ của Mỹ có nghĩa là một lò phản ứng hạt nhân trong tàu ngầm sẽ không cần thay thế hoặc bổ sung nhiên liệu hạt nhân trong suốt nhiều thập kỷ phục vụ. Đây là một sự khác biệt quan trọng với mô hình Pháp. Úc sẽ không cần một ngành công nghiệp hạt nhân dân sự lớn để duy trì con tàu.

AUKUS và nguy cơ chạy đua hạt nhân mới -0
Với kế hoạch AUKUS, đội tàu ngầm hạt nhân của Anh sẽ tăng gấp đôi.

“Lách” kẽ hở NPT và nguy cơ chạy đua hạt nhân

Một bước tiến quan trọng của AUKUS là việc lãnh đạo 3 nước trong “tam giác” an ninh hôm 13/3 đã công bố một kế hoạch an ninh mới tại cuộc họp báo chung ở Point Loma, San Diego. Đây được xem là một thỏa thuận “lịch sử” được đàm phán kéo dài 18 tháng qua, theo đó các tàu ngầm AUKUS mới có khả năng đi biển từ cuối những năm 2030. Các tàu ngầm hạt nhân mới này sẽ dựa trên thiết kế của Anh, với một số được sản xuất tại Anh bởi 2 hãng BAE Systems và Rolls-Royce chủ yếu ở Barrow-in-Furness.

Các tàu ngầm mới sẽ thay thế 7 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện tại được Anh sử dụng  nhưng có thể bổ sung thêm nhiều tàu nữa, nâng quy mô tiềm năng của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Anh lên 19 chiếc. Hiệp ước an ninh AUKUS cũng sẽ chứng kiến Australia trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Australia hy vọng sẽ nhận được các tàu ngầm hạt nhân vào đầu những năm 2040. Đồng thời, các tàu ngầm của Anh sẽ bắt đầu được luân chuyển đến Australia từ đầu năm 2027 để chuẩn bị chuyển giao kiến thức kỹ thuật, xây dựng lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng cho Australia.

Phát biểu tại California hôm 13/3, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố động thái này sẽ góp phần vào “an ninh và ổn định toàn cầu”. Ba nhà lãnh đạo cho rằng các nước AUKUS đã tham vấn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và đã đạt thỏa thuận về tiêu chuẩn hạt nhân trên tàu ngầm mới trang bị cho Australia.

Tuy nhiên, kế hoạch AUKUS cũng bộc lộ nguy cơ: Lần đầu tiên một kẽ hở trong NPT đã được lợi dụng để chuyển vật liệu phân hạch và công nghệ hạt nhân từ một quốc gia có vũ khí hạt nhân sang một quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Lỗ hổng nằm ở đoạn 14 của hiệp ước, theo đó cho phép vật liệu phân hạch được sử dụng cho mục đích quân sự không gây nổ, như động cơ đẩy hải quân, được miễn kiểm tra và giám sát bởi cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Điều đó đã khiến các chuyên gia kiểm soát vũ khí lo lắng vì nó tạo tiền lệ có thể được sử dụng bởi những nước khác để che giấu uranium hoặc plutonium được làm giàu ở mức độ cao, cốt lõi của vũ khí hạt nhân, khỏi sự giám sát của quốc tế.

Các quốc gia AUKUS đã tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu với IAEA về các kế hoạch nhằm hạn chế rủi ro. Ngay từ đầu các cuộc đàm phán, người ta đã đưa ra ý tưởng rằng đoạn 14 hoàn toàn có thể không được viện dẫn và nhiên liệu hạt nhân sẽ được giữ dưới sự bảo vệ của IAEA. Tuy nhiên, IAEA đã không chuẩn bị để giảm bớt các tiêu chuẩn thanh tra của mình đến mức cơ quan này sẽ không thể xác định thời gian của chuyến thăm và các đối tác AUKUS đã rất lo lắng về việc cho phép một nhóm thanh tra quốc tế lên tàu ngầm của họ.

Để giảm thiểu nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, Australia đã đồng ý không có lò phản ứng huấn luyện trên lãnh thổ của mình, mà thay vào đó huấn luyện các thủy thủ tàu ngầm của mình ở Mỹ và Anh. Australia sẽ không làm giàu hoặc tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và vật liệu phân hạch do Mỹ và Anh cung cấp sẽ ở dạng hàn và không phải tiếp nhiên liệu trong suốt vòng đời của chúng. Australia đã cam kết không mua các thiết bị cần thiết để tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng để có thể sử dụng làm vũ khí.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết ông tin rằng các đối tác AUKUS “cam kết đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ và không phổ biến vũ khí hạt nhân cao nhất”, đồng thời ghi nhận “sự tham gia và tính minh bạch mà ba quốc gia đã thể hiện cho đến nay ”.

 https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/aukus-va-nguy-co-chay-dua-hat-nhan-moi-i686696/

An Châu / Công an nhân dân