Hà Nội có gần 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là 18.577ha, chiếm 5,59% tỷ lệ che phủ toàn thành phố.

Tuy diện tích không lớn, song rừng ở Hà Nội được ví như vành đai xanh bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô.

Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương có rừng triển khai các giải pháp; thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao độ che phủ của rừng.

Đặc biệt, Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14-5-2018 thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo; thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Nhờ đó, trách nhiệm trong quá trình giữ rừng và phát triển rừng bền vững được nâng cao.

Tuy nhiên, do một số bất cập, hiện nay diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân được các huyện, thị xã có rừng thông tin là do quy hoạch rừng chồng lấn các quy hoạch khác và phát sinh nhiều vi phạm. Điển hình tại huyện Sóc Sơn, theo ranh giới quy hoạch rừng năm 2008, có khoảng 1.200ha rừng bị chồng lấn với đất quốc phòng - an ninh, đất trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, đất tôn giáo - tín ngưỡng, đất ở của các hộ dân. Huyện Ba Vì cũng có hơn 2.800ha quy hoạch rừng chồng lấn với các quy hoạch khác.

Điều đáng nói là, một số địa phương đang lập phương án đề xuất thành phố đưa diện tích chồng lấn ra khỏi quy hoạch rừng. Nếu đề xuất được chuẩn y, diện tích rừng của Hà Nội sẽ giảm mạnh. Vô hình trung, hàng nghìn héc ta rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, bán trái thẩm quyền sẽ được “hợp thức hóa” bằng cách đưa ra khỏi quy hoạch rừng. Các chủ trương, chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của thành phố triển khai nhiều năm qua có nguy cơ không đem lại hiệu quả. Điều này cũng sẽ gây bức xúc trong nhân dân.

Với vai trò là vành đai xanh của Thủ đô, việc bảo vệ diện tích rừng hiện có là nhiệm vụ cấp thiết của mỗi người dân và các cấp chính quyền thành phố. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV, việc giữ rừng và phát triển rừng cũng được đưa ra tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Các đại biểu đề xuất, Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển hơn nữa diện tích đất trồng rừng; coi việc nâng tỷ lệ che phủ rừng là vấn đề sống còn, cốt lõi.

Trong đó, giải pháp được đưa ra là hạn chế tối đa các dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Giải pháp này cũng phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội, khi đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 5,67-6,2%.

Giữ rừng và giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng là nhiệm vụ cấp thiết. Để đạt mục tiêu này, các sở, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, làm cơ sở để thành phố điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và tổ chức cắm mốc ranh giới rừng ngoài thực địa. Đồng thời, các địa phương cần quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên; từng bước phục hồi và nâng cao chất lượng rừng hiện có; tăng cường năng lực quản trị cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng trên hệ thống số hóa; giao đất gắn với giao rừng; xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ tiếp tay cho vi phạm… Có như vậy mới giữ được rừng, bảo vệ tốt vành đai xanh của Thủ đô.

https://hanoimoi.vn/bao-ve-vanh-dai-xanh-cua-thu-do-670528.html

Hoàng Sơn / HNM.com.vn