Thế là bóng đá nam phải dừng cuộc chơi một cách tức tưởi ở vòng loại. Bất ngờ và hụt hẫng với hàng trăm ngàn comment trên internet và mạng xã hội. Thông cảm, chia sẻ thì ít mà giận dữ cay cú thì nhiều. Nghĩ cũng bạc.
Trong thể thao, thắng thua là chuyện bình thường nhưng với bóng đá nam thì “Được làm vua, thua làm giặc”, khốc liệt như trong chiến tranh. Nếu chiều 24.8 mà tuyển Việt Nam chiến thắng, thậm chí hòa với đội tuyển Thái thì Hữu Thắng và các học trò sẽ được lên mây. Có người bảo, thua cũng được, vấn đề là cách thua, quá bạc nhược.
Công Phượng sút 11 m vọt xà trong trận U.22 Việt Nam thu đậm U.22 Thái Lan. Ảnh: Độc Lập. |
Nghĩ cũng tội cho thầy trò Hữu Thắng. Ai chẳng muốn thắng. Đâu có ai muốn thua. Nhưng bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, không phải cứ muốn là được.
Cách đây gần 20 năm, có lần ngồi chuyện trò với cựu huấn luyện viên (HLV) từng là danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang về bóng đá, ông tâm sự nhiều việc.
Ông kể , khi cầu thủ đối diện khung thành trống, có lúc vẫn sút ra ngoài. Bình luận viên tường thuật trực tiếp thường nói: “Chúng tôi thấy đá ra ngoài khó hơn đá vào khung thành”. Có làm cầu thủ mới biết, mọi thứ đang chuyển động rất nhanh, bị đối thủ kèm cặp truy cản, chậm nửa giây là mất bóng, chạm hoặc sút bóng chệch một ly là đi mấy mét. Sự khác biệt về đẳng cấp của cầu thủ chuyên nghiệp là tỉ lệ chính xác trong những tình huống như vậy.
Đội tuyển bóng đá nam thất bại, tôi cũng buồn dù đã linh cảm trước nhưng nghĩ lại thì "thua cũng hay".
Cái hay thứ nhất là cách thua. Không ai nghĩ thua đậm và toàn tập như vậy. Quá bất ngờ nên hụt hẫng. Nhưng bóng đá mà không bất ngờ thì bớt hấp dẫn. Đến nỗi HLV Thái Lan đã phát biểu ngay trong buổi họp báo sau trận đấu: “Cám ơn những sai lầm của Việt Nam giúp chúng tôi có chiến thắng may mắn”.
Thật ra là họ khiêm tốn. Nhìn cục diện trận đấu, người Thái ăn đứt Việt Nam. Về kỹ chiến thuật, đặc biệt là sự chuẩn bị tâm lý ngay từ vòng ngoài. Bao nhiêu năm nay, vòng lọai thắng tưng bừng, giao hữu thắng giòn giã, nhưng những trận cầu quyết định đều khiêm tốn nhường chiến thắng cho đối thủ. Nếu Việt Nam thắng thì lỗ hổng thủ môn mấy kỳ liền sẽ bị cho qua.
Tôi nhớ, trước đây, đội tuyển luôn có HLV thủ môn mà? HLV Hữu Thắng cũng khó lòng nhìn ra những nhược điểm cố hữu của mình. Cách mà tuyển Việt Nam thua rất hay, ngoài dự đoán của cả những ai giàu trí tưởng tượng, làm tốn bao nhiêu giấy mực và tạo điều kiện cho thiên hạ ném đá tơi bời. Cũng là cách xả stress, dù hơi tiêu cực.
Cái hay tiếp theo là nếu thắng, không chừng có đua xe. Cảnh sát giao thông lại vất vả. Không chừng có chết người vì tai nạn. Về sớm đỡ tốn tiền ăn ở thêm mấy ngày. Đặc biệt là hơn chục tỉ tiền hứa thưởng vẫn còn nguyên, có thể dùng làm công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo và những mảnh đời bất hạnh.
Thua cũng hay vì càng làm cho ước mơ giành huy chương vàng bóng đá nam dù là vùng trũng của thế giới sau 58 năm vẫn chưa thể thực hiện.
Buồn làm gì, bóng đá nam Myanmar từng vô địch châu Á vào năm 1966 và 1970, giờ còn chưa vô địch Đông Nam Á thì Việt Nam đâu có gì phải mắc cỡ?
Cái hay thứ 3 là nhờ bóng đa nam bị loại sớm nên chức vô địch lần thứ 5 của bóng đá nữ có thêm giá trị. Đội tuyển được thưởng 4 tỉ đồng ngay khi vô địch. Tiền thưởng chắc chắn sẽ còn thêm. Nếu bóng đá nam vô địch, thì thiên hạ sẽ quên béng sự chiến đấu bản lĩnh và kiên cường của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Các em được đầu tư ít hơn rất nhiều, điều kiện cũng kém rất xa nhưng đã 5 lần mang vinh quang cho Tổ quốc.
Có thể nói, bóng đá nữ Việt Nam đang thống trị Asean. Theo dõi các kỳ SEA Games và Asia Games hay Olympic, các vận động viên nữ luôn áp đảo về thành tích so với nam giới. Đầu tư cho nữ kinh tế và hiệu quả hơn rất nhiều.
Cái hay cuối cùng là “Họa hề phúc chi sở ý” (trong cái rủi có cái may). “Ai chiến thắng không hề chiến bại” (Dậy mà đi, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Tân). Có ai thắng hoặc thua mãi đâu? Thua thì làm lại, “Thất bại là mẹ thành công”, có gì đâu mà bực dọc quá đáng. Người Việt mê bóng đá lại có thêm vài năm ước mơ, hồi hộp chờ đợi cho cuộc sống thêm chất đời. Sẽ có ngày Việt Nam lên ngôi vô địch Asean. Thái Lan vô địch mãi có khi cũng chán, thế nào chẳng có lúc họ nhường lại cho mình.
Suy cho cùng, bóng đá nam - thua cũng hay!
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân sống tại TP.HCM.