Thời gian qua, việc những người nổi tiếng phát ngôn bừa bãi và quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội đã thực sự gây bức xúc dư luận. Trước thực trạng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đang xây dựng quy chế phối hợp giữa hai cơ quan nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động của văn nghệ sĩ trên môi trường mạng.
Cụ thể, trường hợp nghệ sĩ vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen (blacklist) của bộ thông tin và truyền thông để đề nghị doanh nghiệp hạn chế quảng cáo hay hợp tác.
Liên tiếp nghệ sĩ, người nổi tiếng “phát ngôn lệch chuẩn”
Mới đây, vụ việc Facebook của đầu bếp Võ Quốc (tên đầy đủ là Võ Đình Quốc) có lời lẽ xúc phạm báo chí. Ngày 2/10, sau khi đóng 7,5 triệu đồng tiền phạt, đầu bếp Võ Quốc đã công khai xin lỗi về nội dung tục tĩu, vô văn hóa xúc phạm nhà báo, nghề báo xuất hiện trên Facebook của mình.
Nam đầu bếp này đã xin lỗi theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dư luận cho rằng lời xin lỗi không thành tâm. Bởi lẽ, khi những lời lẽ dơ bẩn xuất hiện, bị phản ứng thì Võ Quốc cho rằng mình bị hack Facebook và đã phải nhờ dịch vụ để lấy lại quyền sử dụng. Trong bài đăng tối 2/10, Võ Quốc dù xin lỗi nhưng vẫn khẳng định mình bị chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook và cho rằng mình không phải là người duy nhất sử dụng tài khoản Facebook này.
Có lẽ, chưa bao giờ văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa “chợ búa” trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng.
Một trong số những người nổi tiếng thường có những phát ngôn “vạ miệng” chính là cựu người mẫu Trang Trần. Cụ thể, cựu người mẫu này nói rằng, “đa số người mẫu Việt đều sống dựa vào nghề bán dâm và họ khó có thể làm giàu bằng nghề chân chính nếu không đi làm “gái””. Trang Trần từng khẳng định “phải có đến 40% chân dài theo đại gia”, “mẫu nữ cặp đại gia, mẫu nam cũng cặp đại gia. Đó là chuyện hiển nhiên. Và, những người dính vào chuyện đó đâu cần đi diễn mấy”. Những thông tin phát ngôn trên là thiếu kiểm chứng, khiến nhiều khán giả có cái nhìn sai lệch về nghề người mẫu. Không chỉ dừng lại ở lần vạ miệng đó, Trang Trần còn từng dùng nhiều lời lẽ thô tục đối với nghệ sĩ X.H. Thậm chí, cô còn dọa đánh đàn chị trong nghề vì đã dám để lại dòng bình luận không hay dành cho cô. Câu chuyện này khiến công chúng khá bức xúc và lên án hành động kém văn minh trong cách ứng xử của cựu người mẫu.
Ca sĩ Duy Mạnh cũng từng là một trong những nghệ sĩ thường xuyên “văng tục” trên trang cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nam ca sĩ quá phóng túng trong việc sử dụng ngôn từ trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả trẻ. Thậm chí, Duy Mạnh cũng từng bị Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phạt 7,5 triệu đồng do “phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục”. Người mẫu Hương Giang, ca sĩ Phương Thanh... là những nghệ sĩ nổi tiếng showbiz cũng có những lần phải đến gặp các cơ quan quản lý để nộp phạt vì những phát ngôn thiếu chuẩn xác, không văn minh trên mạng xã hội.
Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng mạng xã hội, miễn là không vi phạm pháp luật, nhưng đã là người nổi tiếng thì việc để lại rác văn hóa sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng. Chính vì vậy, những hành động, phát ngôn thiếu chuẩn mực rất cần phải lên án và chấn chỉnh.
Không chỉ phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, trên thực tế nhiều nghệ sĩ đã lợi dụng danh nghĩa “người của công chúng để lừa công chúng” khi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng. Mới đây, MC, diễn viên Cát Tường đã lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo lố sản phẩm sữa có công dụng trị tiểu đường. Cụ thể, trong buổi xin lỗi, Cát Tường nói đã kiểm tra giấy tờ kinh doanh sản phẩm. Cô cho rằng mình chủ quan khi quảng cáo sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thổi phồng công dụng sữa thay thế thuốc có tác dụng điều trị tiểu đường.
Tuy nhiên, bên cạnh việc lên tiếng xin lỗi, Cát Tường không quên ngụy biện cho sai lầm của mình rằng, cô không sản xuất thì không thể đảm bảo được chất lượng. Rồi cô cũng không biết được cái nào đúng, cái nào sai. Việc mọi người nói cô tiếp tay lừa đảo, giả mạo... là quy chụp. Ngoài ra, khi báo chí hỏi về những clip bán sữa thổi phồng công dụng do cô quảng cáo vẫn tràn lan trên mạng thì nữ MC đáp rằng: “Tôi đã hết hợp đồng với bên đó khoảng 5-6 tháng nay rồi. Vì bây giờ không làm, không có liên quan gì nên tôi không muốn dính líu nữa”.
Trước đó, Quyền Linh cũng phải lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo loại sữa tương tự. Đối với sản phẩm sữa Diasure, Quyền Linh nói: “Thấy sữa ghi hỗ trợ thì tôi làm, thấy từ viện hàn lâm chuyển giao công nghệ nên cũng tin tưởng. Tin tưởng có giấy phép, cứ nghĩ có mọi người kiểm soát hết rồi. Không phải tôi bằng mọi cách quảng cáo bất chấp đâu, cũng đâu phải nhiều tiền lắm đâu”.
Năm 2021, NSND Hồng Vân xin lỗi vì nhận quảng cáo, thổi phồng công dụng viên sủi có tác dụng làm xẹp u xơ tử cung. Trong video đăng trên trang cá nhân, nghệ sĩ cho biết có bạn thân bị u xơ tử cung, kích thước khối u lên đến 7 cm. Sau khi uống loại sủi này, khối u dần xẹp rồi biến mất. Để chứng minh, nghệ sĩ Hồng Vân đưa ra phiếu kết quả siêu âm của người này. Bản thân nghệ sĩ còn uống viên sủi này, cho biết tin dùng vì sản phẩm có chức năng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Thực phẩm chức năng này sau đó bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo.
Nghệ sĩ Hồng Vân cho biết trước khi nhận quảng cáo đã xem xét giấy phép kinh doanh và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn của cơ quan chức năng, nhưng không lường trước video khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh. Nữ nghệ sĩ nói sẽ cẩn trọng hơn với các phát ngôn, đồng thời kêu gọi đồng nghiệp hạn chế lỗi lầm tương tự để tránh ảnh hưởng đến uy tín của nghệ sĩ với công chúng.
Rõ ràng, việc các nghệ sĩ nhận quảng cáo “láo” cho sản phẩm kém chất lượng, hiểu rõ sản phẩm mà họ đang tiếp tay đưa đến người tiêu dùng ẩn chứa nhiều rủi ro, độc hại nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ vì cái lợi trước mắt còn hệ lụy thế nào là chuyện của xã hội. Nhiều người cho rằng chính vì sự dễ dãi của khán giả mà không ít người nổi tiếng mặc sức “lộng hành”. Sau khi làm sai, người nổi tiếng chỉ cần đăng đàn nói dăm ba lời xin lỗi mọi thứ lại trở về bình thường.
Cần nghiêm khắc thực hiện quyền lực của “blacklist”
Sau vụ Facebook “Vo Quoc”, đã đến lúc chúng ta không thể dễ dãi được nữa. Khán giả cần quyết liệt tẩy chay, cơ quan quản lý phải nghiêm khắc trong việc thực hiện quyền lực của “black[1]list”. Có như thế mới mong môi trường giải trí vốn nhiều điều tiếng, thành kiến “sạch” được. Khi những “con sâu” ấy bị loại bỏ, sẽ chỉ còn lại những nghệ sĩ - nhân vật giải trí thực thụ, khát khao cống hiến của mình cho xã hội.
Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... quyền lực “blacklist” thực sự được sử dụng triệt để. Nếu nghệ sĩ đã “nhúng chàm”, họ sẽ bị tẩy chay và chắc chắn những “giọt nước mắt cá sấu” khi đăng đàn xin lỗi không có tác dụng.
Năm 2022, nữ diễn viên hạng A Trung Quốc Cảnh Điềm đã bị phạt hơn 1 triệu USD vì quảng cáo sai sự thật. Cụ thể, cơ quan quản lý thị trường thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông yêu cầu diễn viên nộp hơn 7,2 triệu nhân dân tệ (hơn 1 triệu USD, tương đương khoảng 25 tỷ đồng). Theo điều tra, cuối năm 2021, Cảnh Điềm ký hợp đồng làm đại diện hình ảnh cho công ty thực phẩm Wu Xian Chang ở Quảng Châu, quảng cáo một loại đồ ăn của công ty này “có tác dụng ngăn ngừa hấp thu mỡ và đường”. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào chứng minh sản phẩm đó có tác dụng này.
Ngay sau đó, trên trang cá nhân, Cảnh Điềm đăng thư xin lỗi, cho biết từ khi nhận được thông báo vi phạm, cô thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu từ cơ quan chức năng. Diễn viên này viết: “Tôi không kiểm tra đến nơi đến chốn giấy tờ, thông tin sản phẩm khi ký hợp đồng, gây ảnh hưởng không tốt cho người tiêu dùng, tôi thành thật xin lỗi”. Nữ diễn viên chấp nhận mức phạt và đã nộp đủ tiền.
Trong vụ của Cảnh Điềm, nữ diễn viên phải nhận mức phạt gần gấp đôi cát-sê hợp đồng quảng cáo. Còn tại Việt Nam, những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng sản phẩm chỉ xin lỗi, xem như xong chuyện. Phần lớn không bị xử lý tận gốc, dẫu theo nhiều luật sư đã có căn cứ xử lý. Mức phạt nếu có cũng rất nhẹ, chẳng thấm vào đâu. Chẳng hạn, Angela Phương Trinh chỉ bị phạt 5 triệu đồng vì những bài viết quảng bá cho việc dùng địa long chữa COVID-19 và tên một đơn vị bán bột địa long. Số tiền phạt quá nhỏ so với thù lao của nhiều người nổi tiếng nhận được cho công việc này. Sau khi bị phạt, An[1]gela Phương Trinh tiếp tục quảng bá địa long trị ung thư, hỗ trợ điều trị một số bệnh khác. Sự thách thức này cho thấy rõ mức phạt vẫn không có ý nghĩa trong việc răn đe.
Hầu hết những sự việc đã xảy ra, chỉ khi công chúng phát giác, phản ứng mạnh thì nghệ sĩ mới lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm. Điều đó cho thấy ý thức của họ với pháp luật, với cộng đồng bị xem nhẹ hoặc không/chưa được trang bị đúng mức cần có.
Sau vụ việc đầu bếp Võ Quốc, MC Cát Tường..., Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh khuyến nghị các cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan, đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp... cân nhắc hợp tác với chủ tài khoản này. “Việc này cũng nằm trong công tác của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh nhằm chuẩn bị hệ thống hóa các hành vi vi phạm và danh sách các tài khoản mạng xã hội cần đưa vào blacklist chung của cả nước do Bộ Thông tin và Truyền thông”, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết.
Với vụ việc này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết: “Ông Võ Quốc vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của mình. Chúng tôi đang tìm hiểu, xác minh và kiểm tra thông tin để nắm được bản chất sự việc. Nếu đúng với kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ thông báo với các nhãn hàng để hạn chế tài khoản này trong thời gian nhất định”.
Theo ông Lê Quang Tự Do, “whitelist” - danh sách được xác thực và “blacklist” là sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai vào đầu năm 2023. Sáng kiến này nhằm khuyến khích các nhãn hàng, các đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo vào trang, kênh được Bộ Thông tin và Truyền thông xác thực (whitelist).
Bên cạnh đó, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo không quảng cáo, không hợp tác với các trang, kênh và những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ có các mức thời gian, thời hạn không hợp tác. Việc này là trên cơ sở đồng thuận của các bên, không phải quy định bắt buộc.
“Khi chúng tôi tổ chức sáng kiến này, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các công ty truyền thông và các cơ quan báo chí đều ủng hộ nhằm góp phần làm trong sạch không gian mạng và bảo vệ an toàn thương hiệu. Nếu các đơn vị đăng quảng cáo vào các trang, kênh vi phạm pháp luật, chính họ cũng bị xử phạt hành chính, đồng thời cũng bị ảnh hưởng đến thương hiệu”, ông Lê Quang Tự Do nhận định.
Có thể thấy, không gian mạng như một cái chợ tổng hợp, ở đó có thể bày bừa những món hàng từ cao cấp đến cả ôi thiu. Rất nhiều người đã sử dụng mạng xã hội mà không biết giới hạn của phát ngôn dẫn đến tình trạng loạn ngôn để bày tỏ quan đểm không chuẩn mực.
Người tiêu dùng đã trở nên chán ngán với những nghệ sĩ nhận quảng cáo bất chấp trên trang cá nhân của mình. Điều những nghệ sĩ này nhìn thấy chính là lợi nhuận, là những con số lên đến hàng trăm triệu đồng cho một bài đăng trên trang cá nhân mà quên đi trách nhiệm cộng đồng của từng người, đặc biệt là trách nhiệm của một người nổi tiếng với xã hội.