Liên minh châu Âu (EU) đang phải trải qua một thời kỳ không mấy dễ dàng khi những thách thức liên tiếp ập đến, từ tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đến nguy cơ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, nắng nóng kỷ lục kéo dài và nay là báo động về hạn hán ảnh hưởng tới 50% lãnh thổ. Mực nước sông, hồ, kênh thủy lợi không ngừng hạ thấp sẽ gây thiệt hại lớn tới lĩnh vực nông nghiệp, khiến bất ổn an ninh lương thực càng trở nên khó lường.
- Giá khí đốt tại châu Âu chạm trần trong vòng 5 tháng
- Gần 2.000 người thiệt mạng vì nắng nóng ở châu Âu
Bản đồ của Đài quan sát về tình trạng hạn hán châu Âu cho thấy, từ bán đảo Iberia ở Tây Nam Âu cho đến vùng bình nguyên ở Hungary, đồng bằng Po thuộc miền Bắc Italia hoặc vùng Languedoc, miền Nam nước Pháp đều đang trong tình trạng đáng báo động.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC), có đến 46% lãnh thổ EU đang ở mức cảnh báo, tức là đất thiếu hụt độ ẩm ở mức đáng kể, và khoảng 11% lãnh thổ khác cũng đã nâng lên mức nghiêm trọng. Đợt hạn hán này, bắt đầu từ đầu năm nay, có liên quan đến việc lượng mưa giảm mạnh từ tháng 9-2021 đến tháng 4-2022 và các đợt nắng nóng mạnh kéo dài. Các chuyên gia khí tượng nhận định, tình hình chưa có tín hiệu khả quan, thậm chí đang ngày càng tồi tệ hơn.
Do thiếu nước, nông nghiệp và thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nước bị ảnh hưởng lớn là Pháp, Romania, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia. Hiện tượng khô hạn có xu hướng tăng lên, phá hủy mùa màng, cây ăn quả như ô liu và nho. Ô liu hiện là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Tây Ban Nha với 50% dầu ô liu trên thế giới là do nước này cung cấp.
Hiệp hội nông dân nước này (COAG) cho biết, cứ 10ha đất trồng ô liu thì có 7ha không được tưới nước. Trong bối cảnh nhiệt độ tăng lên, 80% đồn điền cây ô liu không được tưới có thể không còn phù hợp để trồng cây này hoặc một vài giống cây khác. Chất lượng quả cũng sẽ giảm đi khi người nông dân phải thu hoạch sớm. Dự báo, thu hoạch ô liu từ những vùng không được tưới sẽ ít hơn 20% mức trung bình của 5 năm qua.
Trong khi đó, tại Pháp, tới 90/96 tỉnh ở nước này đã phải hạn chế sử dụng nước do tình trạng thiếu nguồn cung nước ở nhiều khu vực. Chỉ có một số tỉnh ở nước này, trong đó có vùng thủ đô Paris, là không bị áp đặt hạn chế sử dụng nước. Những biện pháp hạn chế sử dụng nước nghiêm ngặt nhất, trong đó có cấm sử dụng nước tưới tiêu cho nông nghiệp, đang có hiệu lực ở khu vực phía Tây Bắc lưu vực sông Loire cũng như ở khu vực phía Đông Nam sông Rhone.
Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp, nước này đã trải qua mùa xuân thứ 3 khô cạn nhất sau các mùa xuân năm 1976 và 2011, với lượng mưa giảm 45% so với mức trung bình. Công đoàn Nông nghiệp Pháp đã cảnh báo rằng, sản lượng lương thực bị mất ở quốc gia này có thể lên tới 40% nếu tình hình hạn hán tiếp tục diễn ra.
Tình trạng thiếu nước cũng tác động tiêu cực đến ngành năng lượng bởi nước có vai trò cần thiết cho hoạt động sản xuất thủy điện và hệ thống làm mát của các nhà máy điện. Ở Tây Ban Nha, lượng nước trong các hồ chứa đã giảm 31% so với bình thường, khiến sản lượng điện giảm 3.060GWh trong 6 tháng đầu năm nay. Việc thiếu nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện.
Báo cáo cảnh báo rằng nếu tình hình này tiếp tục có thể sẽ làm tăng giá điện của châu Âu, vốn đã ở mức cao kỷ lục. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), hoạt động sản xuất năng lượng của nhà máy thủy điện tại nhiều nước châu Âu thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2021.
EC cho rằng, nhằm đối phó tình trạng thiếu nước, các quốc gia bị ảnh hưởng nên lập tức thực hiện các biện pháp đặc biệt trong quản lý nguồn nước và năng lượng. Chính phủ các nước cũng cần ưu tiên chống biến đổi khí hậu - nguyên nhân gốc rễ làm gián đoạn vòng tuần hoàn của nước.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1038120/chau-au-bao-dong-ve-han-han