Chưa ngồi yên chỗ, Nguyễn nói ngay: "Thằng Thanh sẽ chết. Chắc chắn chết. Bây giờ chúng ta cần phải có mười triệu đôla để mua lại nó". Trần Ngọc ngớ người: "Mười triệu đôla? Đào đâu ra số tiền đó?". "Sẽ có người đứng ra lo tiền. Còn nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho hắn giãy chết và muốn có thuốc uống thì phải tới đây".
Chạy án (Kỳ 53) Hãy tìm cách nắm lấy tài sản đó rồi chờ hắn chết vì sốc thuốc hay chết vì HIV hoặc tìm cách chia tay. Thế ... |
Chạy án (Kỳ 52) Minh Phương thấy Lâm cúi xuống cô vội chạy ra vì tưởng Lâm làm sao. Cô sững người khi thấy Lâm đang hít... Lâm hít ... |
Trần Ngọc đang ngồi uống cà phê tại quán Quê hương và đọc báo viết về Hoàng Quân với vẻ khoái chí ra mặt.
Có điện thoại di động, Ngọc xem số máy và biết đó là của Trưởng ban phóng viên:
- Alô, tôi Trần Ngọc đây.
- Anh Ngọc à, ở Công ty Hoàng Quân đang có cuộc đình công to lắm.
- Thế à? Cậu cử ngay một tổ phóng viên đến... Trực tiếp phỏng vấn công nhân và yêu cầu gặp tay Thanh.
- Báo cáo anh, gặp ông Thanh chắc khó vì tay này rất tránh đối đầu với báo chí.
- Không gặp cũng được. Chỉ cần phỏng vấn qua điện thoại, miễn là hắn ta trả lời vớ vẩn vài câu rồi sau đó gắn cái gì vào mồm hắn mà chẳng được.
- Vâng, em hiểu.
- Mà này, cố gắng ăn nói thật lịch sự, nhã nhặn nhé. Không cần hỏi chọc ngoáy và hãy tỏ ra thông cảm với khó khăn của họ.
- Vâng ạ.
Trần Ngọc bấm máy gọi cho một chiến hữu là Tổng biên tập một tờ báo:
- Alô, này, hôm nay báo ông đưa bài về Hoàng Quân hay quá. Thế là ông chia lửa với bọn tôi đấy. Hiện nay, công nhân Hoàng Quân đang đình công, ông cho phóng viên theo dõi thêm.
Không ngờ ông Tổng biên tập kia cũng đã biết:
- Ông yên tâm, quân của tôi đang đến rồi.
- Hay quá. Cú này chắc cổ phiếu của hắn sẽ mất giá thê thảm.
- Ông đừng coi thường tay Thanh. Sau lưng hắn là vô khối thế lực đấy. Chưa biết chừng nó chỉ bị thương còn tôi và ông lại hưu non.
- Ông lo gì? Tài năng như ông, không làm ở báo này làm báo khác. Thôi, chào nhé. Tuần sau ta gặp nhau.
Đúng lúc đó, Nam phóng ôtô đến.
Thấy Ngọc ông ta vồn vã:
- Cảm ơn ông anh đã huy động các chiến hữu góp sức. Anh ăn sáng chưa, tôi bảo chúng nó dọn nhé?
- Cảm ơn anh, tôi ăn rồi.
- Bọn đệ tử của tôi ở ngân hàng vừa cho biết là tất cả các ngân hàng đồng loạt đòi tay Thanh phải trả lãi đến hạn, đồng thời đòi trả nợ gốc.
- Khoảng bao nhiêu?
- Tôi nắm chưa chắc nhưng anh cứ tính, mỗi ngày ngủ dậy, thấy trả lãi hơn năm chục triệu thì có mà đi buôn ma túy cũng không kiếm đủ.
Trần Ngọc gật gù:
- Phải vay lãi ngân hàng để đầu tư xây dựng cơ bản và buôn bất động sản là chết rồi. Minh Phụng ngày xưa chết cũng vì vay lãi mua đất... Lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất, thế là sinh ra làm bậy.
Ngừng một lát, Ngọc nhìn Nam, nói kẻ cả:
- Này, tôi nghe nói ông căm báo tôi lắm phải không?
Nam giật mình:
- Đâu có, anh nghe thông tin sai rồi. Với anh, tuy trước đây có chuyện chưa thật hiểu nhau... Nhưng bây giờ, anh thấy đấy... chúng ta cùng một thuyền mà.
Ngọc ranh mãnh:
- Cùng thuyền... ừ thì có thể. Nhưng tôi làm cái gì trên con thuyền đó?
- Anh là người cầm lái.
- Không... cầm lái là anh, là thằng Nguyễn. Tôi chỉ... chỉ xin học ông Trần Túc danh nhân tỉnh ta thôi.
Nam hỏi lại thật thà:
- Anh nói gì, tôi không hiểu?
- Anh có thấy bức tượng ông Trần Túc ở Quảng trường ngã năm không? Một tay giơ phía trước, một tay giấu sau lưng...
Nam phá lên cười:
- À, bức tượng "ném đá giấu tay"... Hay lắm, hay lắm!
Ngọc hỏi Nam:
- Mấy lô hàng vừa rồi đi trót lọt cả đấy chứ?
- Vâng, may quá. Nó mà đọng lại vài ba tháng nữa thì bọn tôi chết sặc gạch.
- Tôi biết. Hôm nào cho anh em xin chén rượu nhé.
Nam xun xoe:
- Anh cứ yên tâm đi. Chúng mình đi cùng một thuyền mà.
Vừa lúc đó, Tony Nguyễn vào tới. Thấy hai người, Nguyễn mời lên phòng riêng.
Chưa ngồi yên chỗ, Nguyễn nói ngay:
- Thằng Thanh sẽ chết. Chắc chắn chết. Bây giờ chúng ta cần phải có mười triệu đôla để mua lại nó.
Trần Ngọc ngớ người:
- Mười triệu đôla? Đào đâu ra số tiền đó?
- Sẽ có người đứng ra lo tiền. Còn nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho hắn giãy chết và muốn có thuốc uống thì phải tới đây.
***
Tại một khu xây dựng các biệt thự của Tổng Công ty Hoàng Quân. Gần một trăm công nhân đang đứng ngồi vạ vật trước một căn nhà, bên ngoài có biển đề: "Ban Quản lý dự án khu biệt thự số 2".
Một số nhân viên bảo vệ của công ty ăn mặc như công nhân trà trộn vào đám công nhân.
Chúng lừ lừ nhìn mọi người bằng ánh mắt đe nẹt. Một số công nhân phát hiện ra điều bất bình thường và đưa mắt nhìn nhau lo ngại.
Nhưng họ chưa kịp tìm hiểu thì đã có một số nhà báo xông đến. Đèn máy chớp ảnh lia lịa. Đúng lúc đó, Minh Lý xuất hiện trong bộ váy rất đẹp và phảng phất nét kiêu kỳ.
Minh Lý nói với các nhà báo:
- Thưa các anh, các chị. Tôi là trợ lý Tổng giám đốc. Xin mời các anh chị vào phòng khách để chúng tôi trình bày nguyên nhân cuộc đình công này. Sau đó, các anh chị muốn phỏng vấn ai, ghi âm ai thì xin cứ thoải mái. Chỉ xin các anh chị đưa tin chính xác cho chúng tôi.
Thái độ đoan trang, cách nói nhã nhặn đầy vẻ chân thực của Minh Lý đã làm cho các nhà báo "nguội" cái đầu nóng. Mọi người có vẻ bớt hung hăng hơn.
Một phóng viên ăn mặc hệt như một gã du thu du thực với quần bò mài hai đầu gối, lên tiếng:
- Phải đấy, cứ nghe Ban Giám đốc nói trước đã.
Một người ngăn lại:
- Thôi ta cứ phỏng vấn công nhân trước, có sao đâu.
Thúy Quỳnh lên tiếng:
- Trước hết cứ nghe người đẹp Sao Mai nói, rồi ra phỏng vấn, vội gì?
Minh Lý nhã nhặn:
- Chị Quỳnh à? Đọc tên chị mãi trên báo, hôm nay mới được thấy. Em chỉ được biết chị qua ảnh thôi.
Rồi Minh Lý nói đon đả:
- Nào xin mời các anh báo Công an, báo Tuổi trẻ, báo Công lý, báo Doanh nhân vào phòng khách. Chúng tôi cũng sẽ mời một số công nhân vào để các anh chị gặp.
Minh Lý nói đến đó thì một gã bảo vệ đóng vai công nhân xây dựng đứng trong hàng rào, nói to:
- Cho tôi gặp nhà báo. Tôi phải tố cáo...
Lại một gã nữa cũng xông đến:
- Tôi cũng muốn gặp nhà báo. Để tôi thay mặt anh em công nhân trình bày với nhà báo.
Minh Lý đưa mắt nhìn tay trưởng ban bảo vệ. Hắn khẽ gật đầu.
Minh Lý chỉ vào hai người kia nói:
- Đồng ý cho hai anh vào gặp các nhà báo.
Thế là khi công nhân chưa kịp phản ứng gì bởi lẽ họ vẫn sợ một số gã cứ nhìn họ chằm chằm thì hai gã công nhân giả kia được ra cổng.
(Còn tiếp)