Anh ơi, mỗi năm nó kiếm được hàng triệu USD, thì cũng coi như lộc bất tận hưởng mà. Anh em họ biết nghĩ đến cấp trên như thế cũng là phải đạo. Anh từ chối chúng nó buồn đấy.

chay an ky 91 Chạy án (Kỳ 90)

Trong phòng giam, lão Siu gục đầu im lặng. Thái độ bất thường của lão đã bị ba anh chàng cảnh sát đóng giả tù ...

chay an ky 91 Chạy án (Kỳ 89)

Khi nó thua bạc, nó có thể làm nhiều chuyện khác nữa. Vậy tại sao chúng ta không dám đặt câu hỏi: thằng Lâm đã ...

Cuộc họp kiểm điểm đảng viên của cơ quan do ông Cẩm phụ trách đã kết thúc. Ông Cẩm trở về phòng làm việc và trong lòng thấy vui vẻ vì ông cảm thấy mình thanh thản.

Trần Đức bước vào, cầm theo một chiếc túi da nhỏ rất đẹp và đặt lên bàn. Ông Cẩm thì hoàn toàn nghĩ đó là của Trần Đức.

Ông Cẩm:

- Tôi nói như thế, anh em nghĩ thế nào?

Trần Đức nịnh rất khéo:

- Anh em rất phục anh đã dám nói thẳng. Đây là điều mà bấy lâu nay không ai dám nhắc tới hoặc cố che giấu đi. Nhưng mà em nói thật, đọc cái dự thảo luật phòng chống tham nhũng thì mới thấy những vị ngồi soạn luật chả hiểu quái gì về tham nhũng ở Việt Nam bây giờ và có đến ba phần tư những điều luật, những quy định trong đó hoàn toàn không có tính khả thi.

Ông Cẩm cười nhạt:

- Không có luật thì bảo là có "thiếu cây gậy", nhưng có rồi thì cũng như không mà thôi.

Ông Cẩm ngừng một lát, rồi nhìn thằng vào ông Đức:    

- Tôi với nhà tôi vốn xung khắc. Anh chắc cũng chẳng lạ gì. Bà ấy thì chỉ máu mê làm giàu, suốt ngay lo kiếm tiền... Vì thế mà tôi lo lắm. Anh phải cố gắng để mắt giúp tôi. Nhưng yêu cầu gì của bà ấy mà không đúng với các quy định của Nhà nước, của Bộ thì dứt khoát anh phải ngăn cản. Anh mà cứ nể nang bà ấy là có ngày  anh giết tôi đấy.

Trần Đức cười:

- Anh cứ yên tâm đi, em luôn luôn cảnh giác. Tất nhiên là cũng có lúc chị ấy mượn cái bóng của anh để làm ăn, đó cũng là chuyện bình thường trong thời buổi này thôi. Làm gì có ai đứng độc lập một mình mà gây dựng cơ nghiệp được. Trên thế giới, đằng sau mỗi tập đoàn kinh tế lớn là có các thế lực chính trị... Còn ở mình, phía sau mỗi đại gia, là không ít những quan chức.

- Hiểu trong lòng thì đúng là như vậy, nhưng nói ra với đầy đủ chứng cứ thì khó lắm.

Vừa lúc đấy, ông Cẩm có điện thoại.

Trần Đức nhân cơ hội ấy liền cáo từ ra về:

- Em xin phép anh... Bây giờ em phải đi Hải Phòng để dự hội thảo về nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu.

- Cậu đi nhé.

Trần Đức đi rồi, ông Cẩm mới trả lời điện thoại:

- Alô, tôi nghe đây ạ... Dạ, báo cáo anh... Vâng. Vâng! Mười phút nữa tôi có mặt.

Hóa ra người gọi ông Cẩm là ở Văn phòng Chủ tịch nước. Ông Cẩm vội vàng đi và không để ý thấy chiếc túi da nhỏ mà Trần Đức để lại.

Ông Cẩm lên gặp Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chỉ có 15 phút, rồi lại trở về nhà. Lúc này ông mới để ý thấy chiếc túi da. Ông nhíu mày suy nghĩ, rồi mở túi. Ông giật mình khi thấy trong đó có một thiếp cảm ơn của Tổng công ty Toàn Thắng và một phong bì 10 ngàn USD.

Tấm thiếp của Tổng công ty Toàn Thắng viết: "Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Tổng công ty Toàn Thắng. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ, ủng hộ của đồng chí Thứ trưởng với Tổng công ty trong thời gian qua. Kính chúc đồng chí và gia đình dồi dào sức khỏe. Đạt nhiều thành tích trong công tác".

Dưới đó là chữ ký của Lê Nam.

Ông Cẩm vứt chiếc thiếp vào sọt rác, rồi gọi điện thoại di động cho Trần Đức:

- Anh Đức đấy à? Anh để quên chiếc túi ở trên bàn của tôi.

Trần Đức đang ngồi trên ôtô đi Hải Phòng:

- Báo cáo anh, lúc nãy em sơ suất chưa nói với anh. Công ty Toàn Thắng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Họ không muốn làm to nên chỉ gửi thiệp cảm ơn và có chút quà gọi là.

- Thế nào là quà "gọi là". 10 ngàn USD mà gọi là "quà" được à?

- Anh ơi, mỗi năm nó kiếm được hàng triệu USD, thì cũng coi như lộc bất tận hưởng mà. Anh em họ biết nghĩ đến cấp trên như thế cũng là phải đạo. Anh từ chối chúng nó buồn đấy.

- Buồn hay vui kệ chúng nó. Khi nào anh về, cầm đưa trả tay Nam cho tôi. Nói là tôi cảám ơn nhé.

Nói rồi ông Cẩm bực bội cắt máy. Ông ném chiếc túi vào một góc tủ sách.

***

Tony Nguyễn ra sân bay đứng vào dòng người xếp hàng làm thủ tục bay đi Thái Lan. Có một số người quen trông thấy Nguyễn liền vẫy chào. Nguyễn cũng chào lại. Nhưng rồi khi đến gần lượt mình thì Nguyễn ra khỏi hàng và gọi taxi đi xuống Hải Phòng. Nguyễn bảo lái xe chở đến một khách sạn lớn. Nhưng đang làm thủ tục thì hắn lại đổi ý và thuê một xe người chạy xe ôm chở ra ga Hải Phòng. Hắn mua vé tàu đi Hà Nội chuyến trưa. Hắn mua một thẻ điện thoại công cộng và gọi cho ai đó.

Một lát sau, hắn lững thững đi ra ngoài phố và khi thấy một chiếc xe Ford Laser vừa lao tới, hắn chui tọt vào xe. Chiếc xe chở Nguyễn ra Đồ Sơn, rồi đến thẳng một biệt thự nhỏ...

Xe vừa dừng đã thấy một người đàn ông đứng tuổi chạy ra, xun xoe đón.

Với nét mặt lạnh lùng, Nguyễn vào nhà và nói ngay:

- Từ ngày hôm nay, không cho khách thuê nữa. Anh hãy làm như đang sửa chữa nâng cấp khách sạn. Cho bọn nhân viên phục vụ về nghỉ phép khoảng hai chục ngày, nhưng trả lương đầy đủ cho chúng nó. Chỉ giữ lại vài ba đứa thật tin cậy thôi.

- Dạ, em xin làm ngay.

- Này, tôi cũng không thể ở đây một mình... Anh tìm cho tôi một em tử tế nhé.

- Vâng ạ. Dạo này sinh viên đang nghỉ hè, sẵn lắm ạ.

Tony Nguyễn lấy máy tính xách tay ra và nối mạng Internet. Hắn đang kiểm tra xem số tiền mà Lâm gửi đã vào tài khoản của hắn chưa. Nguyễn mỉm cười đắc ý khi thấy số tiền mà Lâm hứa cho vay đã có trong tài khoản.

Nguyễn gọi điện thoại cho đại lý bán vé máy bay:

- Tôi cần một vé đi thành phố Hồ Chí Minh và sau đó đi Thái Lan.

- Anh làm ơn chờ giây lát. Anh lấy vé VIP hay hạng C ạ?

- Nếu có vé VIP thì tốt.

- Vé thành phố Hồ Chí Minh - Bangkok ngày mai đã hết chỗ. Nhưng chuyến bay Nội Bài - Bangkok ngày mai thì vẫn còn vé.

Nguyễn ngần ngừ một lát, rồi gật đầu:

- Vậy chị cho tôi chuyến đó.

- Vâng, anh tới lấy vé hay chúng tôi mang đến ạ.

- Thôi, lát nữa tôi sẽ lấy vé.

- Xin anh cho biết tên?

- Tony Nguyễn.

- Vâng! Nếu trong hai giờ nữa, anh không lấy vé, chúng tôi phải xin lỗi anh và chuyển chỗ cho người khác.

- OK! Cám ơn cô. - Nguyễn nói xong, buông máy và mỉm cười tinh quái.

(Còn tiếp)

 

Nguyễn Như Phong