Cuộc chiến giữa lực lượng vũ trang hồi giáo Hamas Palestine và quân đội Israel ở Dải Gaza đã bước sang ngày thứ 17, với số thương vong cả hai bên đều tăng lên, cơ sở hạ tầng bị tàn phá ngày càng nhiều. Mặc dù cả thế giới lên án, kêu gọi hạ nhiệt chiến tranh và tiến hành đàm phán để giải cứu con tin, chấm dứt tàn sát dân thường, song Israel vẫn tỏ ra quyết tâm đẩy mạnh các cuộc không kích xuống Gaza, bất chấp sinh mạng dân thường, trong đó có cả các con tin Israel và người của các đồng minh.
- Đại sứ Việt Nam tại Israel: Người Việt thích ứng nhanh với chiến sự ở Dải Gaza
- Ai hưởng lợi từ xung đột Israel - Hamas?
Cuộc chiến trên bộ đầy rủi ro
Israel rất mong muốn tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza, nhưng điều đó cũng sẽ mang lại cho nước này nhiều rủi ro. Hiện tại, Washington đang cố gắng yêu cầu Israel trì hoãn chiến dịch tấn công trên bộ để có thêm thời gian đàm phán thả con tin. Hamas vẫn đang giữ hơn 200 con tin Israeal và các nước. Ngày 23/10, lực lượng này đã thả thêm 2 con tin người Israel, và tính đến nay đã có 4 con tin được thả. Một nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo việc thả hàng chục con tin khác đang được tiến hành. Truyền thông của Israel đưa tin rằng Mỹ và Qatar đang nỗ lực làm trung gian một thỏa thuận trong đó 50 con tin có quốc tịch nước ngoài hoặc có hai quốc tịch sẽ được trả tự do.
Ngày 23/10, Dải Gaza tiếp tục hứng chịu một trong những đêm ném bom đẫm máu nhất của Israel cho đến nay trong cuộc chiến với Hamas. Theo cơ quan y tế do Hamas điều hành, có 436 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza trong 24 giờ tính đến chiều ngày 23/10, trong đó có 182 trẻ em, và 70 người thiệt mạng trong đêm 22/10 trong các cuộc ném bom vào trại tị nạn Jabalia và các đường phố gần hai bệnh viện ở Gaza City. Khoảng một nửa số nhà ở trên dải đất Gaza hiện đã bị san bằng, bao gồm cả những khu vực mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã yêu cầu người Palestine sơ tán trước đó. Con số thương vong cả hai bên sau 17 ngày giao chiến giữa Israel và Hamas, theo cơ quan y tế Gaza cho biết ít nhất 5.087 người Palestine đã thiệt mạng, trong số đó có 2.055 trẻ em. Ngoài ra hơn 15.273 người bị thương. Phía Israel đã có hơn 1.400 người thiệt mạng, 222 người bị bắt làm con tin.
Tờ báo Maariv của Israel cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các tướng lĩnh của ông ta đang tranh cãi về thời điểm tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza. Dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên của Israel, tờ nhật báo cho biết nhà lãnh đạo Israel đang trì hoãn việc đưa bộ binh vào Gaza trong khi vẫn còn khả năng đàm phán giải cứu những con tin bị bắt giữ, và các cuộc không kích là vẫn chưa kết thúc. Văn phòng của ông Netanyahu đã buộc phải đưa ra một tuyên bố vào tối 23/10 phủ nhận các báo cáo về lục đục nội bộ, nói rằng: “Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng IDF đang hợp tác chặt chẽ và đầy đủ… có sự tin tưởng hoàn toàn và lẫn nhau”. Đúng vậy, trong tình huống chiến tranh “dầu sôi lửa bỏng” mà nội bộ chỉ huy cấp cao nhất không thống nhất với nhau thì quả không hay chút nào.
Thế giới tiếp tục lên tiếng phản đối Israel ném bom Gaza, tiếp tục nhiều lời kêu gọi ngừng bắn, ngừng các hành động tàn sát dân thường ở Dải Gaza. Người phát ngôn chính phủ các nước Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ,… liên tiếp kêu gọi chấm dứt ngay lập tức những hành động nêu trên và tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề mấu chốt đã tồn tại hơn 70 năm qua tại vùng đất ngày nay là Israel và các khu vực lãnh thổ Palestine. Người đứng đầu tổ chức nhân quyền của Liên hợp quốc, Volker Turk, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và cung cấp viện trợ nhân đạo “nhanh chóng và hiệu quả” cho người dân Gaza. Ông nói: “Bạo lực này sẽ không bao giờ chấm dứt trừ khi các nhà lãnh đạo đứng lên và thực hiện những lựa chọn dũng cảm và nhân đạo mà nhân loại cơ bản yêu cầu”. Trong khi đó, tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết bất kỳ cuộc thảo luận nào về lệnh ngừng bắn chỉ có thể diễn ra nếu Hamas trả tự do cho tất cả những con tin bị bắt giữ. Hôm 23/10, quân đội Israel cho biết họ đã tấn công hơn 320 “mục tiêu quân sự” và lực lượng mặt đất đã tiến hành “các cuộc đột kích hạn chế” để tiêu diệt các tay súng và tìm kiếm con tin. Tuy nhiên, Hamas đã công bố trên mạng xã hội Telegram rằng chính họ đã đánh bại cuộc tập kích đó của Israel, phá hủy một xe tăng và hai xe ủi bọc thép của Israel bên trong lãnh thổ Gaza. Hai máy bay không người lái được phóng từ Gaza tới Israel cũng đã bị bắn hạ. Phía Israel xác nhận có 1 binh sĩ thiệt mạng 3 người bị thương trong cuộc tập kích.
Bên cạnh việc quân đội Israel sẽ gặp khó khăn khi tiến vào Gaza, các mặt trận mở rộng của cuộc chiến cũng sẽ mở ra nếu Israel tấn công bộ binh vào Gaza. Iran đã nhiều lần cảnh báo và đó không phải là lời nói suông. Lực lượng Hezbollah đã sẵn sàng triển khai cuộc chiến với Israel ở biên giới phía Bắc nước này, và trong những ngày qua đã có những cuộc giao tranh nhỏ qua biên giới. Chưa kể, Israel dường như muốn phủ đầu các đối thủ. Đoán trước việc Iran hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm ở Syria và Liban nên Israel đã phóng tên lửa vào 2 sân bay lớn nhất của Syria ở Damascus và thành phố Aleppo ở miền Bắc Syria nhằm ngăn chặn việc tiếp vận của Iran. Hành động này khiến 2 sân bay của Syria bị tê liệt, buộc quân đội Nga phải mở cửa cho Syria sử dụng sân bay quân sự ở tỉnh Latakia. Giới quan sát cho rằng nếu Israel dám “cả gan” tấn công luôn sân bay quân sự này thì coi như đã chính thức “chọc giận” Moscow. Sẽ không ai đoán được điều gì xảy ra.
Mahmoud Basal, người phát ngôn của đơn vị dân quân Gaza nói với cơ quan truyền thông độc lập Wattan của Palestine rằng các hoạt động cứu hộ đang trở nên khó khăn hơn do quy mô tàn phá cản trở việc tiếp cận. Ông nói: “Các phi hành đoàn của chúng tôi đang tìm kiếm các nạn nhân và cơ hội tìm thấy những người sống sót đang giảm dần”.
Bên cạnh đó, các nỗ lực cứu trợ nhân đạo vẫn tiếp tục. Một đoàn xe chở hàng cứu trợ thứ ba gồm 20 xe tải đã vào Gaza qua cửa khẩu Rafah hôm 23/10 sau khi được các quan chức Is[1]rael kiểm tra - một diễn biến đáng mừng đối với 2,3 triệu dân Gaza đang bị mắc kẹt và cạn kiệt lương thực và nước sạch.
Nguy cơ chính trị đối với ông Netanyahu
Cuộc chiến ở Dải Gaza đang bộc lộ nhiều điểm yếu chết người của Israel. Đó là vấn đề bộ binh của IDF yếu về chiến thuật và năng lực chiến đấu, không được huấn luyện kỹ lưỡng trong thời gian “nhàn rỗi” vừa qua. Đó còn là các khí tài hiện đại của Israel tuy có sức mạnh áp đảo so với người Palestine, nhất là không quân, nhưng cũng bộc lộ nhược điểm dễ dàng bị Hamas đánh bại. Đợt tập kích đầu tiên của Hamas với hàng ngàn quả tên lửa đã chọc thủng cái gọi là “lá chắn thép” mang tên Iron Dome.
Trong khi đó, các cựu quan chức quân sự, chính trị và tình báo Israel cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, khi cuộc tranh luận nổ ra trong nước về phản ứng trước các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 khiến 1.400 người Israel thiệt mạng.
Cựu thủ tướng Ehud Barak mô tả vụ tấn công đó là “đòn nặng nề nhất mà Israel phải gánh chịu kể từ khi thành lập nước cho đến nay”. Ông nói với tờ báo The Observer: “Tôi không tin rằng người dân tin tưởng ông Netanyahu lãnh đạo khi ông ấy đang phải gánh chịu một sự kiện tàn khốc như vậy vừa xảy ra trong nhiệm kỳ của mình”. Một cựu tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel cho rằng ông Netanyahu nên từ chức ngay, trong khi một cựu quan chức tình báo mô tả chính phủ Israel đang bị “rối loạn chức năng”.
Các biện pháp can thiệp diễn ra trong bối cảnh Israel ngày càng lo ngại trước nỗ lực của chính phủ nhằm giải thoát một số trong số 222 con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza. Một số gia đình của những người bị bắt làm con tin đã cầu xin chính phủ đàm phán trước khi xâm chiếm Gaza, trong khi những người khác nói rằng chỉ có một chiến dịch quân sự ngay lập tức nhằm tiêu diệt sự lãnh đạo của Hamas mới có thể mang lại giải pháp, ngay cả khi điều này gây nguy hiểm cho sự an toàn của các con tin.
Ông Netanyahu đã hứng chịu sự chỉ trích rộng rãi từ phần lớn công chúng Israel, các cựu lãnh đạo quân đội và các cựu quan chức khác về những nỗ lực của ông trong việc cải tổ cơ quan tư pháp Israel trước cuộc tấn công bất ngờ của Hamas. Thủ tướng Israel cũng dính vào một phiên tòa xét xử tham nhũng với một loạt cáo buộc bao gồm gian lận, vi phạm lòng tin của công chúng và nhận hối lộ.
Các bộ trưởng nội các bao gồm Bộ trưởng Tài chính cực hữu gây tranh cãi Bezalel Smotrich, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi, và Ronen Bar, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Shin Bet đều đã xin lỗi về sự thất bại của chính phủ Israel trong việc bảo vệ công dân của mình sau cuộc tấn công. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 80% người Israel muốn ông Netanyahu phải chịu trách nhiệm về những thất bại đã tạo điều kiện cho Hamas xâm nhập. Trong một cuộc thăm dò riêng, 56% cho rằng ông Netanyahu nên từ chức sau khi chiến tranh kết thúc. Cựu quan chức tình báo Israel Avi Melamed nhận xét: “Rõ ràng chính phủ này đang hoạt động kém hiệu quả về nhiều mặt. Đây là quan điểm của nhiều người Israel, họ cho rằng chính phủ này rõ ràng là một thảm họa”. Ông Melamed có vẻ không hài lòng khi nói về phản ứng của chính phủ Israel đối với cuộc khủng hoảng, và không muốn chính trị hóa các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng con tin hoặc phản ứng của nhà nước đối với những thất bại về an ninh.
Giống như cuộc chiến Ukraine, Mỹ và phương Tây dường như cũng đang “nhảy múa” cùng ông Netanyahu trong cuộc chiến tàn sát người Palestine, và họ đều lớn tiếng cho rằng “Israel có quyền làm thế”. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Pháp và nhiều nước khác ủng hộ dự thảo nghị quyết nhằm tạm dừng các hoạt động thù địch và đảo ngược lệnh sơ tán của Israel ở phía bắc Gaza. Nhưng Mỹ thì phủ quyết, cho rằng điều đó sẽ trói tay Israel. Đáng tiếc là Anh đã bỏ phiếu trắng cùng với Nga.
Rất nhiều hoạt động ngoại giao đang diễn ra ở hậu trường. Nỗi lo lớn nhất là nếu Israel tấn công trên bộ vào Gaza, Hezbollah ở Liban sẽ mở mặt trận thứ hai. Sự bất ổn đang lan sang Iraq và Syria. Việc Mỹ cam kết cung cấp thêm bom đạn cho Israel khiến thế giới Hồi giáo phẫn nộ. Trong khi đó, không ai, kể cả ông Biden, biết kế hoạch hậu Hamas, thời hậu chiến của Netanyahu là gì. Đó là bởi vì gần như chắc chắn không có.
Nội các chiến tranh của Israel đã đặt ra bốn mục tiêu cho “Chiến dịch Thanh kiếm sắt”: tiêu diệt quân sự Hamas, loại bỏ mối đe dọa khủng bố ở Gaza, giải quyết cuộc khủng hoảng con tin và bảo vệ biên giới nhà nước và người dân. Nhưng các quan chức Israel thừa nhận họ vẫn đang tranh luận về những gì xảy ra sau đó. Họ nói việc tái chiếm Gaza không phải chuyện đùa. Nhưng dường như không có chiến lược rút lui.
Vậy ai có thể điều hành Gaza nếu Hamas thực sự đã bị lật đổ? Một quản trị viên do Liên hợp quốc bổ nhiệm được hỗ trợ bởi lực lượng gìn giữ hòa bình? Một loại đại diện cấp cao quốc tế, như ở Bosnia? Hiện vẫn chưa rõ các nhà lãnh đạo phương Tây có thể tạo ra đòn bẩy đến mức nào đối với bất kỳ giải pháp hậu chiến nào. Liên đoàn Arab một lần nữa yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán để thành lập một nhà nước Palestine. Nhưng hơn bao giờ hết, Israel không lắng nghe.
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/chien-su-hamas-israel-khong-con-duong-lui-i711710/