Thăng Long là nơi hội tụ dân từ nhiều vùng miền khác nhau. Khi về kinh đô, họ mang theo những tập tục, thói quen và cả các món ăn quen thuộc.
Thú chơi hoa ngày Tết |
Thăng Long không chỉ là trung tâm quyền lực của các triều đại phong kiến mà còn là trung tâm kinh tế với các phường nghề và đặc biệt là hệ thống chợ, nên Thăng Long còn có tên Nôm là Kẻ Chợ. W.Dampier là người Anh, ông đến Thăng Long năm 1688 và ở lại đây trong nhiều năm, đã viết và xuất bản ở Anh cuốn “Du hành và khám phá”.
Về chợ ngày Tết, Dampier viết: “Ngày cận Tết, các chợ ở Kẻ Chợ nhộn nhịp hơn thường ngày, nếu ngày thường chợ họp theo phiên thì gần Tết ngày nào chợ cũng họp, có đủ sản vật các vùng miền”. Tuy nhiên Dampier không biết vì sao chợ lại có nhiều sản vật từ các vùng miền đưa về. Một trong những lý do chính là đất kinh thành tập trung rất đông giới tinh hoa và tầng lớp trung lưu, họ là những người biết ăn và sành ăn, luôn muốn có những nguyên liệu ngon nhất.
Vì thế, mâm cỗ Tết của người Thăng Long bao giờ cũng phải có đủ sản vật của rừng núi, đồng bằng và biển. Cũng bởi thế nên các chợ trong kinh thành luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn Tết cho mọi tầng lớp thị dân Thăng Long. Muốn mua sản vật rừng núi như: măng khô, mộc nhĩ, nấm hương hay lá dong; mua sản vật đồng bằng là gạo nếp gói bánh chưng, thổi xôi, gạo tám hay thịt gà, thịt lợn, cá, rau củ quả các loại thì ra chợ: Cửa Đông, Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước đều có.
Đến thế kỷ XIX, Thăng Long lại có thêm Chợ Mới (tương ứng với phố Hàng Chiếu), chợ Đông Thành (tương ứng với phố Hàng Vải - Hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Yên Thái (Bưởi). Và đến cuối thế kỷ XIX, chính quyền mở chợ Đồng Xuân. Ở các chợ trên còn bán bưởi, bòng, cam đường, quýt, quất... để các gia đình bày mâm ngũ quả. Ngày Tết muốn có chai nước mắm ngon làm bằng cá biển để chấm thịt gà luộc hay nêm các món xào cho vào nồi canh thì ra phố Hàng Mắm. Đấy là thực phẩm, còn muốn mua bánh khảo, chè lam, kẹo lạc, bánh mảnh cộng hay rượu mía, rượu gạo thì ra phố Hàng Đường. Ở phố này còn bán đường phèn, mật cho các bà các cô làm món chè kho, chè con ong. Đặc biệt, Hàng Đường còn bán chè ướp nhụy sen Tây Hồ thơm dịu.
Dumontie được coi là nhà Hà Nội học đầu tiên, ông thông thạo tiếng Hán, tiếng Việt. Ông sang Hà Nội cuối thế kỷ XIX và có nhiều bài khảo cứu văn hóa, phong tục Thăng Long. Về chợ Tết, ông viết: “Chợ nào cũng ăm ắp sản vật phục vụ ngày Tết. Các bà, các cô đi chợ mua tay nặng trĩu. Các món ăn ngày Tết của dân chúng Kẻ Chợ rất lạ, họ kho một nồi cá to, lại có món măng hầm với chân giò rất nhiều mỡ. Tôi được giải thích là măng khô có nhiều chất xơ nên nấu với thịt mỡ không lo đi ngoài”.
Các chợ không chỉ bán thực phẩm, nguyên liệu chế biến các món ăn mặn, ăn ngọt, Thăng Long còn có chợ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh truyền thống. Phố Hàng Bồ ngoài bán giấy, bút, ngày giáp Tết còn bán câu đối, chữ đã viết sẵn trên giấy điều. Ở hè phố này, các ông đồ trải chiếu ngồi bên cạnh cửa hàng viết câu đối hay chữ cho khách. Nếu người nào muốn có chữ hay nhưng không am hiểu thì chỉ cần trình bày mong muốn trong năm mới, các ông đồ sẽ tìm chữ và câu đối hộ. Những năm 1930, chữ Nho thất thế so với chữ Pháp và quốc ngữ song chợ câu đối Hàng Bồ vẫn rất đông người đến xin chữ. Người Việt cũng có phong tục treo tranh Tết nên gần Tết phố Hàng Trống đông đúc người ra chọn tranh. Ở đây có đủ các loại tranh dân gian từ tranh tứ bình, tố nữ hay các con vật đến tranh thờ cúng do các nghệ nhân làng Tự Tháp vẽ (nay là phố Hàng Trống).
Nhưng đặc biệt hơn, Thăng Long còn có cả chợ hoa phục vụ cho thú chơi hoa ngày Tết. Trong cuốn “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ Cầu Đông”. Do biến cố lịch sử, bến Đông Bộ Đầu bị lấp và một phần chợ Cầu Đông xưa nay là chợ Đồng Xuân. Và thế là chợ hoa Tết phải dời về phố Hàng Khoai. Song đến thập niên đầu tiên thế kỷ XX, chợ Hàng Khoai chật hẹp vì người bán hoa tăng lên, người đi ngắm hoa cũng nhiều hơn nên chợ dời sang phố Hàng Lược. Ngoài bán hoa, người ta còn bán chậu, đôn, lọ làm ở làng gốm Bát Tràng. Chợ bán nhiều loại hoa nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào. Sau ngày ông Công, ông Táo về trời, chợ bắt đầu nhóm họp và nhộn nhịp nhất từ ngày 27 đến 30 Tết. Cúng tất niên xong, nhiều gia đình ăn mặc đẹp dẫn nhau đi chơi chợ hoa. Vì thế chợ hoa chiều và đêm 30 bao giờ cũng đông vui nhất.
Ngày nay đi chợ sắm Tết quá tiện lợi, chỉ cần vào siêu thị đi một vòng là nhặt đủ đồ ăn, thức uống cho mấy ngày Tết. Thế nhưng, với nhiều người Hà Nội hoài cổ thì hàng Tết trong siêu thị là thứ sản xuất công nghiệp, nuôi trồng trong trang trại mang tính đại trà, vì thế, họ vẫn đến các chợ truyền thống tìm mua những sản vật để nấu mâm cỗ ngày Tết.
Tết sắp vào đầu ngõ Vậy là tôi đã cầm chắc trong tay cặp vé tàu Tết. Tôi “phôn” ngay cho ông anh họ nuôi cá thuê dưới Đồng Nai, ... |
Vườn đào cổ thụ Hải Phòng chờ Tết Hàng nghìn gốc đào cổ thụ làng Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) chuẩn bị bung nở, cây đẹp giá 50 triệu, cây bình thường ... |