Thông tin về những chiếc xe tăng M1A1 bị hạ gục trên chiến trường còn chưa hạ nhiệt, Ukraine phải đón nhận thêm những tổn thất lớn về hệ thống phòng không Patriot.

Hôm 10/3, một hệ thống tên lửa Patriot của Ukraine hoạt động gần Sergeevka ở khu vực giao tranh Donetsk, được xác nhận đã bị phá hủy phần lớn sau một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga. Các nhân viên vận hành hệ thống, nhiều người trong số họ được cho là có nguồn gốc nước ngoài đã thiệt mạng.

Cuộc tấn công diễn ra vào ngày 9/3 cũng ghi nhận ​​một tài sản phòng không “quý giá” khác của Ukraine là hệ thống S-300 bị phá hủy, cả hai cuộc tấn công đều được thực hiện bằng hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander-M.

Mặc dù S-300 do Ukraine vận hành có từ những năm 1980, nhưng tính cơ động của chúng vẫn cao hơn đáng kể so với các biến thể hiện đại của Patriot. Còn Patriot sở hữu các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng cho phép chúng bắn từ những chỗ ẩn nấp như giữa các tòa nhà hoặc trong rừng.

Ukraine đã nhận được các hệ thống Patriot từ ba quốc gia, với hệ thống đầu tiên do Đức và Hà Lan cùng cung cấp, hệ thống thứ hai do Mỹ cung cấp. Các đơn vị Patriot bị phá hủy trong cuộc tấn công gần đây, được cho là những tên lửa do Quân đội Đức chuyển giao.

Hệ thống phòng không Patriot của Ukraine bị phá hủy.

Hệ thống phòng không Patriot của Ukraine bị phá hủy.

Phương Tây thừa nhận

Vào tháng 5/2023, các nguồn tin chính phủ Nga đã đưa tin rằng, tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal đã vô hiệu hóa một hệ thống tên lửa Patriot của Ukraine ở thủ đô Kiev. Tuy nhiên cuộc tấn công không được xác minh bằng cảnh quay từ máy bay không người lái và các nguồn tin phương Tây cho biết hệ thống Patriot của Ukraine chỉ gặp một số thiệt hại nhỏ. 

Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đưa ra những báo cáo về việc phá hủy thành công một hệ thống Patriot khác của Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 23/2/2024. Trong đợt tấn công này, họ đã phá hủy bệ phóng tên lửa đất đối không, đạn dược và nhiều thành phần không xác định khác của hệ thống Patriot, nhưng thông tin này cũng không được các nguồn tin phương Tây thừa nhận.

Tuy nhiên, cuộc tấn công mới nhất có cả cảnh quay từ UAV làm minh chứng và cũng đánh dấu lần đầu tiên các nguồn tin phương Tây thừa nhận sự thiệt hại của hệ thống Patriot.

Mặc dù Iskander-M không được thiết kế để áp chế các mục tiêu phòng không như Patriot, nhưng tên lửa sử dụng hệ dẫn đường quán tính và vệ tinh có độ chính xác cao, cũng như khả năng định vị lại mục tiêu trong quá trình bay, đã khiến nó trở thành một trong những vũ khí hiệu quả để vô hiệu hóa những hệ thống tên lửa di động của Ukraine.

Xe tăng M1A1 Abrams của Ukraine bị phá hủy trên chiến trường.

Xe tăng M1A1 Abrams của Ukraine bị phá hủy trên chiến trường.

 Những tổn thất gần đây

Bình luận về các cuộc tấn công mới nhất, các nhà phân tích viết của tạp chí Forbes ước tính rằng, cuộc tấn công đã vô hiệu hóa tới 13% tổng số bệ phóng Patriot được chuyển đến Ukraine và kết quả là “bầu trời ở miền đông Ukraine có thể đã trở nên an toàn hơn rất nhiều đối với người Nga”.

Bài báo nhấn mạnh về vụ việc như sau: “Sự kiên trì và may mắn của người điều khiển máy bay không người lái Nga đã được đền đáp vào hôm 9/3, khi họ xác định được một đoàn xe của Ukraine bao gồm ít nhất hai bệ phóng bốn nòng gắn trên xe tải thuộc khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot”. Những đánh giá tương tự cũng được đưa ra thảo luận trong các bản báo cáo khác của phương Tây và được đưa ra trong bối cảnh triển vọng thành công của quân đội Ukraine ngày càng trở nên bi quan. 

Tổn thất của hệ thống Patriot được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có những thông tin về thiệt hại liên tiếp của xe tăng M1A1 Abrams trên chiến trường Ukraine. Chỉ ba ngày sau khi phía Ukraine tuyên bố lần đầu tiên triển khai xe tăng Abrams trên chiến trường để chiến đấu với các lực lượng Nga ở miền Đông, chiếc xe tăng Mỹ đầu tiên đã bị hạ gục. Cả hai tổn thất đều là đòn giáng mạnh vào tinh thần Quân đội Ukraine, vì trước đây họ có nhiều hy vọng sẽ lật ngược tình thế trong cuộc xung đột với Nga.

Sức mạnh không quân của Nga không bị hạn chế trong các hoạt động ở Ukraine. Trong khi đó, các nguồn tin phương Tây tiếp tục cảnh báo về tình trạng thiếu đạn dược, thiếu nhân sự ngày càng nghiêm trọng do thương vong rất cao mà lực lượng Ukraine phải gánh chịu trong năm 2023 và những tác động ngày càng tàn khốc do bom lượn của Nga gây ra.

Một vụ phóng tên lửa Iskander của Nga.

Một vụ phóng tên lửa Iskander của Nga.

Khó khăn cho Ukraine

Việc Mỹ đình chỉ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine từ cuối tháng 12/2023 đã khiến chính quyền Kiev có rất ít khả năng bổ sung cho các hệ thống Patriot bị mất hoặc đạn tên lửa cho các hệ thống đang hoạt động còn lại.

Bản thân quân đội Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng các hệ thống Patriot, điều này được  thể hiện qua nhu cầu tăng đột ngột từ tháng 10/2023, sau khi các cuộc tấn công leo thang nhằm vào các cơ sở quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Mặc dù các lực lượng Nga ban đầu gặp khó khăn do nguồn cung cấp tên lửa 9K720 hạn chế, nhưng việc đẩy mạnh sản lượng sản xuất lên gấp nhiều lần so với trước khi xung đột nổ ra, đã kịp thời bổ sung cho nhu cầu sử dụng của quân đội Nga. Điều này cho phép họ áp dụng các chiến thuật mới, liên quan đến việc tiêu tốn nhiều tên lửa hơn trong các cuộc tấn công.

Iskander-M và tiền thân của nó là tên lửa OTR-23 Oka được thiết kế đặc biệt để vô hiệu hóa các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các hệ thống phòng không như Patriot. Tên lửa Nga sử dụng quỹ đạo giảm áp đạn đạo khác thường với đỉnh quỹ đạo bay cao 50.000 mét và rất cơ động trong quá trình bay, điều này khiến nhiều hệ thống phòng không thậm chí còn khó phát hiện chúng và khó bị bắn hạ hơn nhiều. Iskander-M duy trì tốc độ cao từ Mach 5,8 đến Mach 8,7 trong giai đoạn cuối, góp phần nâng cao khả năng sống sót của tên lửa khi tấn công mục tiêu.

https://vtcnews.vn/chua-het-that-vong-vi-mat-xe-tang-m1-abrams-ukraine-them-kho-khi-mat-patriot-ar858329.html

LÊ HƯNG / VTC News