Từng vô địch thế giới nhưng phải đến khi SEA Games được tổ chức trên sân nhà, Trần Quyết Chiến mới có cơ hội săn tấm huy chương vàng của đại hội.

Quán bi-a trên đường Thân Văn Nhiếp (TP.HCM) hút khách đến lạ dù chỉ mới mở 2 tháng nay với một mặt tiền khiêm tốn. Người ta đến đây không chỉ để tự tay cầm cơ giải trí mà còn vì cơ hội được xem - đúng hơn là chiêm ngưỡng - ông chủ quán biểu diễn vài đường. 

Thường thì không ai đến đây thách đấu với chủ quán, bởi họ biết anh là Trần Quyết Chiến, cơ thủ số một Việt Nam trên bàn carom 3 băng.

Đi lên từ chân chạy bàn

Năm 23 tuổi, Trần Quyết Chiến từ quê lên thành phố làm phục vụ bàn trong quán bi-a. Gần 40 tuổi, anh trở thành ông chủ. Nhưng câu chuyện cuộc đời gắn với bàn bi của Trần Quyết Chiến không chỉ có vậy. Tên tuổi của anh trong giới billiards chuyên nghiệp oai hơn thế nhiều.

Tay cơ sinh năm 1983 là người gốc Hà Tĩnh nhưng cả nhà di cư vào Cà Mau lập nghiệp ở vùng kinh tế mới cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, Trần Quyết Chiến hẵng còn là một cậu bé.

“Mình mê billiards từ nhỏ, 5 tuổi đã quậy bàn bi rồi”, Trần Quyết Chiến mở đầu câu chuyện.

Bàn billiards trở thành một phần cuộc sống của Trần Quyết Chiến khi gia đình anh mua lấy một chiếc để kinh doanh tại nhà. Khách đến chơi thì ít, mà cậu con trai nhà chủ - khi ấy mới học cấp 2 – cùng đám bạn thì cứ lúc nào không có người là lại sà vào chơi. Nhưng, đánh billiards thời đấy cũng như chơi điện tử của những năm sau này, trong mắt phụ huynh là trò lêu lổng không tốt cho con trẻ.

Cơ thủ số 3 thế giới Trần Quyết Chiến thách thức huyền thoại Efren Reyes - 1
 Trần Quyết Chiến từng vô địch thế giới môn billiards-snooker, nội dung carom 3 băng.

“Bố mẹ mình có cho chơi đâu. Mình thường xuyên bị ăn đòn vì chơi billiards đấy”, Trần Quyết Chiến nhớ lại.

“Người lớn thường có định kiến rằng billiards là môn cờ bạc. Thực ra thì cờ bạc hay không là do người chơi, chứ bản chất của billiards là một môn thể thao. Đến bây giờ thì mình đã làm cho bố mẹ tự hào, để đi khoe với hàng xóm là thằng con nhà tôi bây giờ đã được thế này thế kia”.

Con đường nghề nghiệp của Trần Quyết Chiến sau này cũng bám lấy bàn billiards, nhưng ban đầu không phải là cơ thủ chuyên nghiệp. Lúc mới từ Cà Mau lên Sài Gòn, anh làm phục vụ trong một quán billiards. Cậu thanh niên Trần Quyết Chiến vừa làm, vừa học lỏm bằng con mắt của kẻ si mê.

“Mình đâu có nghĩ được là cuộc sống và gia đình sau này cũng gắn liền với billiards. Mình cứ rèn luyện kỹ năng bản thân và ngày tiến bộ hơn, tới một trình độ nhất định thì mới dám nghĩ tới việc sẽ tiến lên con đường chuyên nghiệp”, Trần Quyết Chiến nói.

Săn HCV SEA Games năm 40 tuổi

Trần Quyết Chiến có bảng thành tích cá nhân đáng nể trên đấu trường quốc tế. Anh từng 1 lần vô địch, 2 lần á quân và 2 lần đứng hạng ba thế giới. Trên bảng xếp hạng carom 3 băng quốc tế, Trần Quyết Chiến cũng chỉ xếp sau 2 người.

“Tấm huy chương đồng giải vô địch châu Á 2012 là bước ngoặt để thay đổi bản thân và khả năng của mình. Nhờ thành công đó, mình được thành phố hỗ trợ để đi thi đấu tại các giải quốc tế, được ra đấu trường lớn mà học hỏi và tập luyện, thay đổi bản thân và phát triển kỹ năng của mình. Nhưng quan trọng nhất, mình hiểu rằng phải tập luyện tích cực mỗi ngày và hạn chế những thứ vô bổ”, Trần Quyết Chiến chia sẻ.

Nhưng dường như tay cơ số một Việt Nam không để tâm nhiều lắm đến chuyện mình đạt được những giải thưởng gì và nổi tiếng ra sao. Nói về thành công của bản thân, Trần Quyết Chiến luôn thêm vào câu: “Mình vẫn còn nhiều thứ chưa đạt được”.

“Bản thân mình cũng chẳng nghĩ nhiều về việc nổi tiếng, chỉ có ví dụ là đi đây đó, tỉnh này tỉnh kia thì được anh em chào đón niềm nở, nhiệt tình hơn, có lẽ cũng nhờ hình tượng của mình thôi. Bên cạnh đó, mình cũng có thêm khán giả, thêm nhà tài trợ và cuộc sống của bản thân và gia đình mình cũng được tốt hơn”, Trần Quyết Chiến chia sẻ.

“Đừng nhìn vào thành công của mình. Điều quan trọng là mình làm gì, đã đánh đổi, đã tập luyện như thế nào để có được ngày hôm nay. Đừng nghĩ rằng có thể thành công chỉ trong một thời gian ngắn, bởi đó là điều không thể.

Có nhiều bạn từng đến nói với mình rằng muốn được như thế này thế kia, nhưng sau một thời gian tập thì lại nản chí, như vậy không được. Phải rèn luyện thật nhiều, chịu gian khó, phấn đấu từng ngày, từng ngày một thì mới có hy vọng đạt được thành công”.

Cơ thủ số 3 thế giới Trần Quyết Chiến thách thức huyền thoại Efren Reyes - 2
 Từng vô địch thế giới nhưng tay cơ số một Việt Nam vẫn chưa có vinh dự cầm trên tay tấm huy chương vàng SEA Games. Không phải Trần Quyết Chiến không đủ trình độ, mà bỏi anh không có cơ hội được thi đấu SEA Games cho đến khi đại hội được tổ chức trên sân nhà.

Billiards - snooker chưa được coi là một môn thể thao Olympic. Môn này vẫn xuất hiện đều đặn ở SEA Games, nhưng riêng nội dung carom 3 băng mới một lần duy nhất được đưa vào chương trình thi đấu ở kỳ đại hội cách đây 10 năm tại Indonesia.

“Sự phát triển của carom 3 băng trong khu vực chưa phổ biến. Ở một số nước Đông Nam Á, bộ môn này rất ít người chơi. Không có phong trào, không có cơ hội tranh chấp huy chương thì họ càng không có lý do tham dự", Trần Quyết Chiến lý giải.

Trong lần đầu tiên carom 3 băng được đưa vào SEA Games cách đây hơn một thập kỷ, tấm huy chương vàng thuộc về Nguyễn Quốc Nguyện. Trên bục nhận huy chương còn có Dương Anh Vũ ở vị trí số ba.

Năm nay, Trần Quyết Chiến là niềm hi vọng vàng của đoàn Việt Nam bên cạnh đàn em Nguyễn Đức Anh Chiến. Nhưng để đạt được mục tiêu là tấm huy chương danh giá nhất, anh sẽ phải vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ, trong đó không thể không kể tới huyền thoại thế giới – Efren Reyes.

https://vtc.vn/co-thu-so-3-the-gioi-tran-quyet-chien-thach-thuc-huyen-thoai-efren-reyes-ar675549.html

 

CÔNG THÀNH - NGỌC ANH / VTC News