Thư ký báo chí điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, lượng khí đốt xuất khẩu giảm ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ được bù đắp bởi các khách hàng khác.
- Nga quyết không bán dầu và khí đốt cho các nước áp giá trần
- Loạt quốc gia EU phản đối kế hoạch áp giá trần khí đốt Nga
- Nga nêu lý do khóa van khí đốt, công ty Đức lập tức phản pháo
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, dù lượng khí đốt từ Nga chảy sang thị trường châu Âu giảm sút thời gian qua song điều này không phải vấn đề lớn đối với Moskva bởi Nga sẽ chuyển nguồn cung sang các thị trường khác trên thế giới.
“Châu Âu không phải là nơi tiêu thụ khí đốt tự nhiên duy nhất, cũng không phải là lục địa duy nhất cần khí đốt tự nhiên để duy trì tăng trưởng nhanh chóng", phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Châu Âu đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga. (Ảnh: Global Look Press)
“Có những khu vực đang phát triển nhanh hơn nhiều và có nhiều chương trình phát triển tham vọng hơn. Nhu cầu về khí đốt tại những nơi này có thể bù đắp cho sản lượng khí đốt sụt giảm tại thị trường châu Âu", ông Dmitry Peskov cho hay.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu trở nên trầm trọng hơn vào đầu tháng 7 do nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã buộc phải giảm lượng cung cấp khí đốt bởi các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc bảo trì tuabin cho đường ống dẫn khí Nord Stream 1.
Theo RT, các vấn đề nảy sinh do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, gây khó cho việc bảo dưỡng thiết bị và cung cấp phụ tùng thay thế đúng cách.
Trước đó, Reuters đưa tin các kho khí đốt của EU hiện đã đầy 84%, mức vượt quá mục tiêu trước mùa đông của khối. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo vẫn cần cắt giảm mức sử dụng khí đốt trong mùa đông tới để tránh các cơ sở hoạt động cạn kiệt. Các nước thành viên EU đã đồng ý hạn chế tiêu thụ khí đốt trong mùa đông năm nay. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát tiêu thụ cũng sẽ diễn ra tương tự với việc sử dụng điện.
EU phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Trước bối cảnh dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu giảm, các quốc gia EU nhất trí giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt để đảm bảo dự trữ cho mùa đông. Mỹ cũng đã đồng ý cung cấp cho châu Âu 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm 2022.