Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới công bố đợt tăng lãi suất tiếp theo trong nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong 4 thập niên. Nếu đó là tất cả những gì cần thiết để kéo giảm giá cả đang tăng vọt thì sẽ là một cái giá có thể chịu được.
- Federer rơi nước mắt trong trận đấu kết thúc sự nghiệp
- Sau Fed, Ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp
- FED tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu Chủ tịch FED Jerome Powell sai, vấn đề của FED sẽ trở thành vấn đề của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức độ mà Chủ tịch Jerome Powell gọi là “cao bất thường”. Biên độ 3% - 3,25% cũng là lãi suất cao nhất của FED tính từ tháng 1/2008. FED phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất lên mức 4,4% vào cuối năm nay trước khi đạt mức đỉnh 4,6% vào năm 2023 để chống lạm phát.
Các quan chức FED dự báo đến năm 2024 lãi suất sẽ giảm xuống còn 3,9%, năm 2025 còn 2,9%. Chủ tịch Jerome Powell đã bày tỏ lập trường chính sách cứng rắn, nói rằng FED sẽ mạnh tay để hạ nhiệt lạm phát và duy trì việc tăng lãi suất cho đến khi đạt được mục tiêu.
Hiện tại, FED cho rằng, họ có thể quản lý tình hình này mà không gây ra “hạ cánh cứng”. Mặc dù tăng trưởng GDP có thể giảm xuống 0,2% trong quý này và giảm xuống 1,2% tính cả năm kể từ bây giờ (mức thấp hơn nhiều so với 2% mà FED dự báo), nhưng FED tin mọi thứ sẽ trở lại đúng hướng vào cuối năm 2024. Dựa trên các chu kỳ lãi suất trước đó, có thể thấy FED đang tỏ ra lạc quan hoặc đang cố gắng “nói giảm, nói tránh”.
Mặc dù vậy, ông Jerome Powell đã đúng khi nói rằng lạm phát còn tồi tệ hơn cả giảm tăng trưởng. Thất nghiệp khiến cho hàng triệu người gặp khó khăn, nhưng giá cả tăng cao làm tổn hại gần như tất cả mọi người.
Theo Phòng Thương mại Mỹ, khoảng một nửa số doanh nghiệp nhỏ nói rằng, lạm phát là thách thức lớn nhất. Theo một cuộc khảo sát của Pew vào tháng 5, người dân cũng đồng tình với điều này. Hơn nữa, rủi ro suy thoái kinh tế gây ra thiệt hại lâu dài là thấp. Các ngân hàng đang báo cáo rằng khách hàng vẫn còn nhiều tiền trong ngân hàng hơn so với trước khi COVID-19 xảy ra và tình trạng trả nợ trễ hạn đang tăng lên, nhưng chỉ tăng từ từ.
Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon nói rằng, ngành tài chính có thể dễ dàng xử lý một cuộc “hạ cánh cứng”. Trước đó, Chủ tịch FED đã nhận định là không có cách nào để thiết lập lại nền kinh tế mà không bị ảnh hưởng. Nếu hậu quả lớn hơn ông Jerome Powell dự báo, FED sẽ chuyển “việc khó” cho Tổng thống Joe Biden và Quốc hội. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phải dành hai năm tiếp theo để đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng và kinh tế khó khăn.
Theo giới chuyên gia, mặc dù việc tăng lãi suất là động thái quyết liệt để kiềm chế lạm phát nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác: Làm tăng mạnh thâm hụt liên bang hơn nữa trong những năm tới.
Một phân tích mới của Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB) dự báo rằng, chỉ riêng động thái tăng lãi suất trong tuần này sẽ làm cho Chính phủ Mỹ thâm hụt thêm 2,1 nghìn tỷ USD trong thập niên tới. Đó là chưa tính tới một loạt đợt tăng lãi suất đã diễn ra trong năm nay và sẽ làm thâm hụt thêm hàng nghìn tỷ USD trong những năm tới. Chắc chắn tác động của thâm hụt không phải là mối quan tâm cấp bách nhất đối với các nhà hoạch định chính sách vốn đang tập trung vào chống lạm phát. Tuy nhiên, đó là một yếu tố quan trọng có khả năng gây khó khăn cho FED và các nhà hoạch định chính sách tài khóa khi họ cố gắng tìm cách “hạ cánh mềm”, tức là kéo giảm tỷ lệ lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Chủ tịch CRFB Maya MacGuineas cho hay: “Chính sách tài khóa vô trách nhiệm trong những năm gần đây đã khiến công việc của FED trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần. Thách thức này khiến nguy cơ suy thoái thậm chí có nhiều khả năng xảy ra hơn”. Nói về những thách thức của FED trong kiềm chế lạm phát mà không làm tăng nợ thêm nữa, bà cho biết: “Như thể FED đang đi trên hai sợi dây thừng một lúc vậy”.
Một loạt nhà kinh tế khác đã bình luận về cơ hội “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ trước quyết định mới nhất của FED. Nhà kinh tế quốc tế cấp cao của công ty Vanguard, ông Andrew Patterson nhận định rằng, khó có thể tránh khỏi cuộc suy thoái do FED gây ra vào năm 2023 nhưng cuộc suy thoái này có thể sẽ nhẹ nhàng hơn một chút.
Trong khi đó, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư Shawn Snyder của công ty Citi US Wealth Management nói thêm rằng, nếu nền kinh tế Mỹ trải qua những dấu hiệu suy thoái trong những tháng tới, FED có thể rơi vào tình thế khó khăn hơn.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán và tư vấn KPMG, nêu rõ, việc FED quyết định tiếp tục tăng lãi suất sẽ là một trong những quyết định khó khăn nhất và mang tính chính trị cao nhất. Áp lực chính trị đối với FED chắc chắn sẽ gia tăng trong giai đoạn tới. Chuyên gia Adam Ozimek, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức nghiên cứu Economic Innovation Group, thì cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ sớm cải thiện song các thị trường cần phải kiên nhẫn.
Về phần mình, Chủ tịch FED thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát của FED có thể đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái và gây ra khó khăn nghiêm trọng cho hàng triệu người Mỹ. Theo ông, trong khi FED hy vọng có thể tránh được một kịch bản như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều nếu FED cho phép lạm phát không giảm và đẩy Mỹ vào một cuộc khủng hoảng sâu hơn.
FED đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nghiêm trọng vào năm 2021 vì từ chối tăng lãi suất trong khi lạm phát bắt đầu tăng tốc, khẳng định lãi suất cao hơn có thể làm giảm tốc độ phục hồi. Nhưng sự kết hợp của những khó khăn trong chuỗi cung ứng, đại dịch COVID-19 bùng phát và cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá cả tăng trên 8% hàng năm vào mùa hè này, mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/fed-da-qua-bong-chong-lam-phat-cho-tong-thong-joe-biden--i668576/