Bình quân giá thành phẩm xăng thị trường Singapore luôn ở mức trên 110 USD/thùng sau kỳ điều chỉnh gần nhất khiến giá trong nước có thể tăng trong kỳ tới.
- Có nên duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu?
- Cước vận tải vẫn “neo” ở mức cao dù giá xăng, dầu giảm mạnh
- Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn cao
Theo lịch, ngày 1/9 là tới đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, nhưng do trùng với dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nên việc điều chỉnh có thể lùi lại đến 5/9.
Giá xăng được dự báo tăng trở lại trong kỳ điều hành tới. (Ảnh: H.H)
Dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng trên thị trường Singapore những ngày qua tăng so với giá tại kỳ điều chỉnh gần nhất. Cụ thể, tính đến 26/8, giá xăng A95 là 111,05 USD/thùng, xăng A92 là 108,1 USD/thùng, dầu diesel là 149,1 USD/thùng.
Trên thế giới, thời điểm đầu ngày 30/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 96,7 USD/thùng, dầu thô Brent giao dịch ở mức 105,1 USD/thùng, tăng 4,1 USD, tương đương 4,06%.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cho biết, với việc giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore và dầu thế giới tăng mạnh, nhà điều hành sẽ phải tính toán tăng giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước. Mức tăng còn tùy thuộc vào trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG) và diễn biến giá dầu trước ngày điều chỉnh, nhưng với xu hướng hiện tại, giá xăng dầu được dự báo tăng khoảng 1.500 - 200 đồng/lít. Trường hợp quỹ BOG được nhà chức trách sử dụng thì mức tăng sẽ ít hơn.
Tại kỳ điều chỉnh trước đó 22/8, Liên bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên giá xăng và tăng giá các loại dầu. Theo đó, xăng E5 RON92 giữ nguyên mức 23.725 đồng/lít, xăng RON95 cũng đi ngang so với kỳ điều hành trước, ở mức giá 24.669 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 850 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.759 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 24.056 đồng/lít (tăng 736 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu vào 1/9
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương điều hành giá bán lẻ xăng dầu sớm hơn, tức vào ngày 1/9. Nguyên nhân là tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng song giá thành phẩm thế giới, nhất là dầu diesel tăng mạnh từ sau kỳ điều hành ngày 22/8. Đến ngày 25/8, giá dầu diesel tăng 16,6% so với kỳ điều hành 22/8.
Trường hợp điều hành giá xăng dầu vào 5/9 thay vì 1/9, tức chậm hơn chu kỳ thông thường, Hiệp hội Xăng dầu lo ngại sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá thế giới. Điều này gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong đảm bảo nguồn, nhất là tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn thị trường.
Theo Vinpa, việc điều chỉnh giá xăng dầu vào 1/9 sẽ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, vừa thuận lợi cho các đơn vị trong tạo nguồn, phục vụ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Kiến nghị này của Hiệp hội Xăng dầu nhận được đồng tình từ nhiều chủ đại lý, cửa hàng và doanh nghiệp lĩnh vực này. Các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng điều hành thị trường linh hoạt hơn, tránh nguy cơ lặp lại tình huống nguồn cung đứt gãy như hồi đầu năm.
Xử lý nghiêm cửa hàng xăng dầu đóng cửa
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh chỉ đạo khẩn lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các Cục Quản lý thị trường khu vực miền Nam giám sát suốt 24/24h làm việc đối với các cây xăng để không xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa.
Trường hợp nhà cung cấp xăng dầu không giao hàng, các Cục Quản lý thị trường phải làm việc với thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý…,nếu phát hiện vi phạm thì xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo về Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công Thương để xử lý.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu, tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hết hàng, khi kiểm tra, giám sát, phải “đo bồn” và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu hết hàng do yếu tố chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác thì phải xử lý nghiêm. Tổng cục yêu cầu kiểm tra tất cả các vụ việc mà cửa hàng bán lẻ thiếu hàng, hết hàng, đóng cửa.
Đặc biệt, các đội quản lý thị trường địa bàn phải có trách nhiệm phát hiện sớm, phải biết cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân hay báo chí phản ánh. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xử nghiêm các đơn vị nếu buông lỏng quản lý địa bàn.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than rằng, với mức chiết khấu 100 - 150 đồng/lít như hiện nay và sự khan hiếm nguồn cung, họ càng làm càng lỗ. Thêm vào đó, giá xăng dầu thế giới tăng giảm thất thường nên các đầu mối cũng hạn chế nhập hàng.
Lý giải điều này, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng về cũng bị lỗ nên giá bán buôn buộc phải cao hơn cả giá bán lẻ từ 2.500 - 2.700 đồng/lít, hoặc giảm nhập hàng vào, nên các đại lý phải chấp nhận mức "chiết khấu âm" hoặc không mua được hàng.
Trả lời VTC News, ông Đ.V. Hậu (39 tuổi) chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu H.Petro, cho biết, đúng là có tình trạng mức chiết khấu giảm xuống còn 0 đồng. Mức chiết khấu là tiền mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng dầu. Với hoa hồng bằng 0, cửa hàng của ông Hậu đang chịu lỗ tiền mặt bằng, nhân công, khấu hao tài sản…
“Từ sau kỳ điều hành ngày 22/8, mức chiết khấu đã giảm xuống còn 0 đồng. Doanh nghiệp càng bán nhiều càng lỗ nhiều”, ông H. nói.
Tuy nhiên, ông Hậu nêu quan điểm, kinh doanh khi lãi khi lỗ là bình thường, nên vẫn cố gắng đảm bảo đủ lượng cung ứng hằng ngày cho người dân.
https://vtc.vn/gia-xang-dau-co-the-tang-toi-2-000-dong-lit-ar697586.html