Ở hồi thứ 8 Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, trên hành trình hạ trần tìm người lên đường đi Tây Trúc lấy kinh, Quan Âm Bồ Tát đã lần lượt gặp Quyện Liêm Đại Tướng (bị đày ở sông Lưu Sa), Thiên Bồng Nguyên Soái (đầu thai thành quái vật nửa người nửa lợn ở núi Phước Lăng), Bạch Long – Tam thái tử con Tây Hải Long Vương Ngao Thuận bị treo tại cửa trời, rồi Tề Thiên Đại Thánh bị giam dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, cuối cùng là tới Trường An gặp Đường Tam Tạng – Trần Huyền Trang.
Bồ Tát đặt tên Thánh cho 3 người, trừ Bạch Long Mã
Khi gặp Quyện Liêm, Bồ Tát nói thế này: “… Nay ta lãnh sắc Phật Tổ qua Ðông Ðộ tìm người lấy kinh. Ta muốn ngươi đợi đây theo người lên Tây Phương thỉnh kinh, ta kêu gươm bay đó không đâm ngươi nữa. Sau này nên công hết tội, đặng phục chức cũ, ngươi nghĩ thế nào?” Quyện Liêm vâng lời, cải ác quy y. Quan Âm thế phát cho gã, lấy sông làm họ nên đặt họ Sa, đặt tên thánh gọi là Ngộ Tịnh.
Tại Sao Bạch Long Mã không được Bồ Tát và Tam Tạng đặt cho pháp danh hay phật hiệu?
Khi gặp Thiên Bồng Nguyên Soái trong hình hài Lợn quái, Quan Âm có nói: “Ta vâng sắc Phật Tổ, xuống cõi trần mà tìm kẻ thỉnh kinh. Nếu ngươi chịu làm đệ tử người thỉnh kinh, mà tới Tây Phương thì phước đủ trừ tội, ta cứu ngươi nạn khỏi tai qua”. Thiên Bồng chịu theo, giải nghiệp đi tu. “Quan Âm thế phát xong rồi cứ theo đèo đặt họ, gọi là Trư, đặt tên thánh là Ngộ Năng”.
Lúc gặp Đại Thánh ở Ngũ Hành Sơn, Quan Âm nói: “Ngươi muốn làm phải thì trời cũng độ cho, ngươi đã quyết tu hành, đợi ta xuống Ðại Ðường tìm một thầy thỉnh kinh, dặn ghé mà cứu, thì ngươi theo làm đệ tử, giữ phép Phật mà đi tới Tây Phương thỉnh kinh về, cũng thành chánh quả”.
Khỉ ta thuận ý ngay. “Quan Âm nói: - Ngươi dốc lòng tu niệm, ta đặt tên thánh cho. Ðại Thánh nói: - Tôi tên là Ngộ Không khỏi mất công đặt nữa. Quan Âm nghe nói mừng rằng: - Khi trước ta có độ hai người tu, cũng lót chữ Ngộ. Nay ngươi cũng lót chữ Ngộ nữa, trùng phái với nhau, tốt lắm, tốt lắm".
Bạch Long Mã, nhân vật duy nhất trong bộ ngũ Tây Trúc thỉnh kinh không có pháp danh.
Như vậy, ngoài Đường Tăng – kiếp thứ 10 Kim Thiền Tử - vốn đã là hòa thượng có pháp danh từ trước khi gặp Bồ Tát thì cả ba “tội đồ” của triều đình từ Tề Thiên Đại Thánh, Thiên Bồng Nguyên Soái, Quyện Liêm Đại Tướng, vốn ban đầu theo Đạo giáo, sau khi được Bồ Tát thế phát thì mới chuyển sang đạo Phật và đều được Bồ Tát đặt cho Pháp danh: Ngộ Không, Ngộ Năng và Ngộ Tịnh.
Nhưng riêng Bạch Long, Tam thái tử con Tây Hải Long Vương dù được Bồ Tát cứu thoát khỏi tội chết, và chấp nhận thuận theo sự sắp đặt của Bồ Tát thì tuyệt nhiên không hề được thế phát hay đặt pháp danh Phật Giáo. Hồi 8 Tây Du Ký chép rõ như sau:
“Quan Âm tâu rằng: - Tôi vâng sắc Phật Tổ, xuống Ðông Ðộ tìm kẻ thỉnh kinh, gặp rồng có tội bị treo, nên tôi vào tấu, xin Bệ Hạ tha tội rồng ấy mà cho theo tôi, đặng đỡ gót kẻ thỉnh kinh ra công mà chuộc tội. Thượng Ðế nghe tấu, truyền tướng trời mở trói nghiệt long (rồng dữ) giao cho Bồ Tát. Quan Âm từ tạ, rồng nhỏ cũng lạy tạ ơn. Quan Âm dẫn rồng nhỏ xuống núi dặn rằng: - Ngươi ở khe này, đợi thầy thỉnh kinh đi ngang qua, sẽ hóa thành ngựa kim đỡ gót. Rồng con vâng lệnh ở đó mà chờ”.
Rồng nhỏ hóa thân thành Bạch Long mã nâng bước Đường Tăng qua bao kiếp nạn.
Ngay cả Đường Tăng cũng “cố tình quên” Bạch Long Mã
Gác lại chuyện tìm người thỉnh kinh của Bồ Tát, chúng ta đi tiếp đến hành trình của Đường Tăng, trong từng lần “kết nạp” các đệ tử cùng đồng hành với mình trên đường tới Tây Trúc. Đầu tiên là việc gỡ lá bùa mà Như Lai Phật Tổ dùng để giam cầm Tề Thiên Đại Thánh dưới núi Ngũ Hành và sau đó được “anh khỉ” quỳ nhận làm thày ở hồi thứ 14.
“Tam Tạng thấy Ðại Thánh thiệt tình, không làm kiêu cách, liền kêu mà hỏi rằng: - Trò ôi, nói thử tên họ cho biết? Ðại Thánh nói: - Bạch Hòa Thượng, tôi thiệt họ Tôn. Tam Tạng nói: - để thầy đặt tên thánh cho, mới liệu bề kêu gọi. Ðại Thánh nói: - Tôi đã có tên thánh, gọi là Ngộ Không. Tam Tạng mừng rằng: - Tên ấy tốt lắm, ta thấy tướng nhà ngươi giống bộ thầy chùa, lấy chữ ấy làm tên ngoài, gọi là Tôn Hành Giả”.
Tới khi thu phục được Thiên Bồng Nguyên Soái trong hình hài Lợn tinh ở hồi 19 thì “Tam Tạng nói: - Ngươi đã làm đệ tử, ta phải đặt pháp danh cho ngươi. Con quái ấy bạch rằng: - Quan Âm đã đặt tên thánh cho tôi là Trư Ngộ Năng. Tam Tạng cười rằng: - Tên ấy tốt lắm! Chữ "Ngộ" ấy là đồng phái với sư huynh ngươi... ngươi đã cử ngũ huân và tam yểm là tám món, vật ta cho hiệu riêng là Bát Giới”.
Bạch Long là Tam thái tử con Tây Hải Long Vương.
Rồi tới hồi 22 khi gặp và “kết nạp” Sa Ngộ Tĩnhthì “Tam Tạng hỏi: - Mi thiệt tình chịu theo đạo Phật sao? Ngộ Tịnh nói: - Bạch thầy! Ðệ tử trước đã vâng lời Bồ Tát, lấy tên sông làm họ, và đặt pháp danh gọi là Sa Ngộ Tịnh, lẽ nào nay chẳng theo thầy! Tam Tạng nói: - Như vậy thì Ngộ Không đưa dao cạo cho ta. Hành Giả đưa dao. Tam Tạng cạo sạch trơn tóc đỏ. Sa Ngộ Tịnh lạy thầy xong xả, rồi lạy kêu Hành Giả là anh cả, Bát Giới là anh hai. Tam Tạng thấy Ngộ Tịnh lạy giống thầy chùa, nên kêu là Sa Tăng”
Như vậy, cả ba học trò của Đường Tăng ngoài tên thánh do Bồ Tát đặt lúc trước, sau khi chính thức nhập hội lên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh đều được Tam Tạng đặt cho pháp hiệu là (Tôn) Hành Giả, (Trư) Bát Giới và Sa Tăng. Và thêm một lần nữa, Bạch Long dù là nhân vật thứ ba (sau Tôn Ngộ Không) trở thành học trò của Đường Tăng, tiếp tục bị “lãng quên”. Không pháp danh, cũng không có tên hiệu.
Nguyên nhân thực sự là gì?
Việc Đường Tăng không đặt tên (Phật) hiệu cho Bạch Long thì dễ lý giải. Nguyên nhân là bởi Đường Tăng không hề biết rõ lai lịch của con rồng hóa thân thành ngựa Bạch Long Mã để nâng bước mình trên con đường thỉnh kinh với bao kiếp nạn. Chúng ta hãy trở về hồi thứ 15 Tây Du Ký để thấy rõ hơn điều này.
Tam Tạng không hề biết rõ lai lịch của Bạch Long Mã.
Sau khi Bạch Long “xơi” mất ngựa của Đường Tăng và giao chiến mấy trận không đấu nổi Tôn Ngộ Không, trốn sâu dưới lạch thì Quan Âm Bồ Tát mới xuất hiện nói rõ sự tình. Rồi sau đó Bồ Tát “lấy trái châu dưới cổ Tiểu Long, rồi lấy cành dương nhúng nước cam lồ rảy trên mình nó, thổi một hơi, hét một tiếng biểu biến, liền biến ra con ngựa kim, Quan Âm dặn rằng: - Ngươi phải hết lòng đi cho tới Tây Phương Phật thì hóa đặng mình vàng. Ngựa ấy ngậm hàm thiết gật đầu. Quan Âm truyền Hành Giả dắt về cho Tam Tạng”.
Tôn Hành Giả dắt ngựa về thưa với Đường Tăng rằng: - Bạch thầy, con ngựa đó. Tam Tạng mừng rằng: - Con ngựa bây giờ, sao phát tướng dữ vậy? Kiếm đặng ở đâu đó, nói lại ta nghe? Tôn Hành Giả thưa rằng: - Thầy nói chuyện chiêm bao sao vậy? Nhờ ông Yết Ðế mời phật Quan Âm, bắt rồng bạch lấy châu, hóa ngựa kim thế mạng, bữa trước rượt thầy chạy chết, bây giờ làm bộ hiền lành, nếu sau sanh chứng điều chi, thầy nói cho tôi đánh nó. Tam Tạng nghe nói, lượm đất làm hương, để trên bàn thạch, lạy về Nam Hải tạ ơn”.
Tất cả những gì Đường Tăng biết về Bạch Long chỉ là con rồng đã ăn thịt ngựa của mình, sau được Bồ Tát quy phục, hóa thành ngựa để ông cưỡi đi lấy kinh. Đường Tăng trước sau, kể từ thời điểm gặp Bạch Long, cho tới khi lấy được kinh, trở về Trường An, tuyệt nhiên không biết lai lịch của con rồng này. Đấy là lý do tại sao Đường Tăng đặt pháp hiệu cho Hành Giả, Bát Giới và Sa Tăng nhưng lại không làm điều đó với Bạch Long Mã.
Quan Âm Bồ Tát cứu Bạch Long khỏi án tử hình.
Nhưng tại sao Quan Âm Bồ Tát cũng không thế phát hay đặt cho Bạch Long pháp danh tên thánh, khi cứu chàng ta khỏi án tử (hồi 8) và sau đó hóa phép thành ngựa kim đỡ gót Đường Tăng (hồi 15)? Riêng điều này, thì nguyên nhân sâu sa hơn nhiều.
Thứ nhất, khác với Đại Thánh, Thiên Bồng và Quyện Liêm đều đã bị Thiên đình giáng tội, đã trải qua một quãng thời gian rất dài bị đầy ải dưới trần gian, Bạch Long khi được Bồ Tát cứu khỏi án tử, thực ra mới chỉ chịu phạt đánh 200 roi và treo ở cửa Trời. Việc chấp thuận trở thành 1 thành viên trên con đường đi Tây Trúc thỉnh kinh, nói 1 cách chính xác, là giải pháp duy nhất để Bạch Long thoát tội chết.
Hoàn thành nhiệm vụ này, tiền án tiền sự của Bạch Long mới được xóa bỏ. Việc cải đạo, thế phát và đặt tên Thánh cho Bạch Lòng trong hoàn cảnh ấy, vì thế, ngay cả Bồ Tát thần thông quảng đại cũng không thể vượt mặt Như Lai Phật Tổ cũng như Ngọc Hoàng Thượng Đế mà làm được.
Thứ hai, Quan Âm Bồ Tát đã chắc chắn 1 điều, nếu Bạch Long hoàn thành hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh và thể hiện tốt phẩm chất đạo đức và một lòng hướng Phật qua các kiếp nạn, thì con rồng này sẽ “hóa đặng mình vàng”. Đấy thực ra chỉ một cách nói cho vai trò và phật tước của Bạch Long sau này. Hãy lưu ý, sau khi lấy được kinh, Bạch Long được Như Lai Phật Tổ phong làm “Thiên Long Bát Bộ”.
Trong các kinh bộ Phật thường nhắc đến tám bộ Thiên, Long, Dạ xoa, Càn Thát bà, A tu la, Ca Lầu la, Khẩn Na la, Ma Hầu La già, là những thiên thần phát tâm quy y Phật bảo, Pháp bảo và hộ trì Phật pháp, khiến cho chánh pháp nhiệm mầu được phát triển, trường tồn, bất hoại. Trong tám bộ, được phân ra thành hai, gồm chư Thiên và chư Thần. Do bộ Thiên, Long đứng đầu nên gọi là Thiên Long Bát Bộ. Bạch Long chính là nhân vật đứng đầu chư Thiên!
10 yêu quái tốt bụng nhất trong Tây Du Ký, vị trí số 1 ít người có thể đoán ra! Những yêu quái lương thiện này đều không muốn ăn thịt Đường Tăng. Hai mỹ nhân trong số đó thậm chí còn muốn nên duyên ... |
Yêu quái ăn thịt Đường Tăng có thực sự “trường sinh bất lão”? Đám yêu quái trong “Tây Du Ký” luôn cho rằng ăn được thịt của Đường Tăng sẽ trường sinh bất lão. Thế nhưng đó có ... |