Một ngày đầu tháng 7, HLV Toshiya Miura bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam khi bị bắt gặp đi uống cafe với Nguyễn Đức Thắng, HLV trưởng CLB Bình Định. Một lần nữa, Miura khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam tranh cãi vì ông khi xuất hiện tin tức, ông sẽ là HLV trưởng của Becamex Bình Dương.
- Thất bại toàn diện ở AFF Cup là cú sốc lớn với bóng đá nữ Việt Nam
- Bóng đá trẻ Thái Lan chỉ hoà và thua Việt Nam trong năm 2022
Mang tiếng vì một bài phỏng vấn
Ngày 11/12/2014 là một trong những thời khắc đen tối nhất của bóng đá Việt Nam. Ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014, đội tuyển Việt Nam bất ngờ thất thủ 2-4 ngay trên sân nhà Mỹ Đình. Kết quả đó khiến HLV Miura và các học trò bị loại, đi cùng không ít sự ngờ vực khi cả 4 bàn thua đều có lỗi trực tiếp từ hàng thủ.
Nhưng đó chưa phải thời điểm cơn bão chỉ trích ập đến HLV Miura. 10 ngày sau, bài phỏng vấn ông trên truyền hình Nhật Bản từ hồi tháng 10/2014 được dịch lại và đăng trên các phương tiện truyền thông Việt Nam. Ở bài phỏng vấn đó, ông Miura đã thẳng thừng nhận xét nhiều điều không hay về bóng đá Việt Nam mà mình mắt thấy tai nghe.
"V.League là giải đấu kinh khủng", "Cầu thủ trên sân không chịu chạy", "Các trận đấu diễn ra dưới thời tiết nóng bức", "Công tác tổ chức giải đấu được tiến hành qua loa", "HLV ngoại của đội tuyển Việt Nam thường xuyên bị thay theo yêu cầu của VFF"... Những điều HLV Miura liệt kê khiến người đọc nghĩ ông đang chỉ trích chính nơi mình đang làm việc.
Câu chuyện HLV Miura kể 8 năm trước đã tạo ra một cuộc tranh cãi lớn ở thời điểm đó. Nhiều người nói ông Miura làm vậy là nói xấu sau lưng, không dám đề cập thẳng thắn với những người làm bóng đá Việt Nam. Số khác tỏ thái độ đồng tình với điều ông nói.
"Bầu Đức lo tất"
Sau khi đội tuyển Việt Nam thua Thái Lan 0-3 ở vòng loại World Cup, ông bầu Đoàn Nguyên Đức gây tranh cãi bằng một tuyên bố trước truyền thông. Bầu Đức khẳng định với những gì đã làm được cùng đội tuyển Việt Nam, HLV Miura xứng đáng bị sa thải. Nếu VFF đồng tình với ý kiến này, ông sẽ "lo tất" cho các đội tuyển quốc gia.
Phát biểu của bầu Đức diễn ra trong bối cảnh ông đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử VFF có một lãnh đạo thể hiện công khai sự không hài lòng với huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, tới mức trực tiếp yêu cầu sa thải. Nhưng liệu vấn đề thành tích có phải nguyên nhân chính khiến bầu Đức phát biểu như vậy không? Vào giai đoạn 2014/15, lứa cầu thủ U19 Việt Nam với nòng cốt đến từ Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG của bầu Đức gây tiếng vang lớn ở các giải đấu quốc tế. Miura phớt lờ điều đó, khi cơ hội ông trao cho nhóm cầu thủ U19 lên U23 và đội tuyển Việt Nam khá ít ỏi.
"Tôi luôn muốn mang tất cả những cầu thủ Việt Nam lên đội tuyển quốc gia và thử nghiệm. Nhưng tôi bị giới hạn về thời gian, nên lựa chọn không thể làm vừa ý tất cả mọi người. Điều ấy khiến tôi bị hiểu nhầm là thích những cầu thủ to khỏe, lực điền, không phù hợp với tố chất phát triển bóng đá Việt Nam", Miura bộc bạch sau nhiều năm chia tay dải đất hình chữ S.
Đã nói đúng lại còn… nói to
Những nhận xét chẳng mấy hay ho của HLV Miura về V.League có thể khiến nhiều người không hài lòng. Tuy nhiên ở một góc độ nào đó, đơn vị tổ chức giải đấu là VPF đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến từ ông thầy Nhật Bản để cải tổ công tác tổ chức các giải vô địch quốc gia. Một trong những thay đổi đầu tiên đến từ thời điểm tổ chức trận đấu.
Các trận đấu thuộc V.League từng diễn ra trong khoảng 3-5 giờ chiều, nay được lùi xuống 6-7 giờ tối để cầu thủ thi đấu dưới điều kiện thời tiết mát mẻ hơn. Điều đó giúp khán giả đến sân nhiều hơn, đồng thời cầu thủ cũng thi đấu với cường độ cao hơn trước. Đó là nền tảng căn bản để V.League nâng cao trình độ chuyên môn giải đấu.
Một nhận xét khó nghe khác của HLV Miura là việc thay đổi suy nghĩ của người hâm mộ bóng đá về kỹ thuật cá nhân. Trả lời phóng viên, HLV Miura nhắc đi nhắc lại "kỹ thuật cá nhân" phải là khả năng đỡ bóng bước một, chuyền bóng và sút bóng. Đây là những điều căn bản nhưng cầu thủ Việt Nam thường chưa nắm vững, nên không thể nói cầu thủ Việt Nam kỹ thuật tốt. Và để kỹ thuật chuẩn chỉnh suốt 90 phút, cầu thủ cần có nền tảng thể lực để làm điều đó.
Quan điểm khác với số đông khán giả về kỹ thuật chơi bóng từng khiến ông bị chỉ trích suốt một thời gian dài. Nhưng đến khi HLV Park Hang-seo nhận trách nhiệm ở đội tuyển Việt Nam và U23, ông cũng đưa ra góc nhìn và yêu cầu tương tự giống người tiền nhiệm Nhật Bản. Bóng đá hiện đại phải ít chạm, tốc độ cao trên nền tảng thể lực tốt của các cầu thủ.
Duyên với V.League
Tháng 3/2015, khi thành tích CLB HAGL không tốt ở V.League, bầu Đức từng nói ông rất muốn HLV Miura về làm việc ở đội trong tương lai. Tuyên bố này diễn ra ở thời điểm HAGL có 9 cầu thủ trong danh sách sơ bộ tập trung lên đội tuyển quốc gia. Nhưng sau đó phần lớn tuyển thủ của đội bóng phố Núi trong danh sách này đều phải ngồi dự bị ở đội tuyển, nên ông Miura không bao giờ có cơ hội dẫn HAGL như bầu Đức nói nữa.
Đến tháng 2/2016, đúng 1 tháng sau khi rời ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia, HLV Miura tiếp tục có một đề nghị khác ở V.League. Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng đã gặp mặt trực tiếp HLV Miura để mời ông làm Giám đốc kỹ thuật của đội. Nhưng vì một vài lý do nào đó, dự định này không bao giờ trở thành sự thật tại đội bóng đất Mỏ. Phải tới tháng 1/2018, HLV Miura mới chính thức làm công tác huấn luyện ở một đội V.League.
Ông thầy Nhật Bản đảm nhiệm vị trí HLV trưởng CLB Thành phố Hồ Chí Minh, khi đó được điều hành bởi Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh. Mới đây, ông Miura đã trở lại Việt Nam và theo nguồn tin thân cận, ông đang trong quá trình đàm phán để trở thành HLV trưởng của Becamex Bình Dương.
https://cand.com.vn/the-thao/hlv-miura-va-chuyen-muon-nam-cu-voi-bong-da-viet-nam-i661622/