Sau màn lột xác ngoạn mục ở mùa giải 2021, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nhanh chóng trở lại với hình ảnh chán chường tại V.League, khi danh tiếng lấn át thực lực của họ, khiến họ lạc lối giữa mê cung kỳ vọng của giới mộ điệu.
- Hàng công bế tắc, HAGL hoà trận thứ 8 tại V-League 2023
- Thất bại trước HAGL, CLB Hà Nội nối dài chuỗi trận thất vọng
HAGL lại đua trụ hạng?
Trận hòa 0-0 tẻ nhạt với TP Hồ Chí Minh ngay trên sân nhà Pleiku đẩy HAGL vào tình thế khó khăn tại V.League 2023. Sau 12 vòng đấu, đội bóng của HLV Kiatisuk giành vỏn vẹn 2 chiến thắng và hòa đến 8 trận. Cho dù chỉ thua 2 trận, nhưng họ không thể chiếm được vị trí tốt trên bảng xếp hạng vì hòa quá nhiều.
Trước vòng hạ màn giai đoạn 1 V.League 2023, HAGL chỉ đứng thứ 9 với 14 điểm, kém 2 điểm so với top 8. Họ buộc phải thắng TopenLand Bình Định trên sân Quy Nhơn để thoát khỏi nhóm đua trụ hạng ở giai đoạn 2. Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này rất khó xảy ra. Bản thân Bình Định cũng cần điểm ở trận này để tránh rơi vào vùng nguy hiểm.
Nếu HAGL không thể lọt vào top 8 sau khi giai đoạn 1 khép lại, đó sẽ là câu chuyện buồn quen thuộc của đội bóng phố Núi. Mời HLV Kiatisuk Senamuang trở lại làm HLV có lẽ là nỗ lực sau cùng của bầu Đức trong việc nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá đẹp đẽ ở V.League.
HAGL đã suýt làm nên chuyện ở mùa giải đầu tiên cùng Kiatisuk, trước khi V.League 2021 phải tạm hoãn và hủy bỏ vì đại dịch. Đáng tiếc, đó giống như khoảnh khắc lóe sáng cuối cùng của HAGL trước khi dần dần lụi tàn. Mùa trước, HAGL vẫn có đầy đủ các ngôi sao quan trọng nhất, nhưng họ chỉ về đích thứ 6/13 đội với 32 điểm, kém xa đội vô địch Hà Nội FC đến 19 điểm.
Mùa này, HAGL bất đắc dĩ thay máu lực lượng khi thế hệ đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG lần lượt dứt áo ra đi theo dạng tự do. Kết quả sân cỏ phản ánh đúng những gì HAGL đang có. Kiatisuk thậm chí xứng đáng nhận lời khen ngợi khi giúp đội chủ sân Pleiku thua ít như vậy.
Tuy nhiên, đó vẫn là thực tế khó chấp nhận với những ai yêu mến HAGL. Họ đã mất khá lâu để thoát khỏi hình ảnh “Đội bóng quốc dân… đua trụ hạng”, để rồi trở lại vòng quay cũ theo cách tệ hơn. Nếu như 6, 7 năm trước, HAGL chật vật ở V.League vì chấp nhận trao cơ hội cho lứa cầu thủ trẻ giàu tiềm năng thì hiện tại hoàn toàn khác. Tập thể HAGL lúc này là tập hợp của nhiều lớp cầu thủ, bao gồm nhiều cựu binh và ngoại binh. Họ đang đánh đổi kết quả tệ hại không để lấy bất cứ hy vọng nào trong tương lai.
Các tài năng trẻ thực sự như Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Quốc Việt có quá ít cơ hội ra sân. Các tài năng khác như Dụng Quang Nho, Trần Bảo Toàn, Nguyễn Thanh Nhân… lại thuộc diện “lỡ thì”, và họ cũng không có đủ thời gian để phát triển bản thân. Kiatisuk cố gắng chắp vá để đảm bảo HAGL không đối mặt với thảm họa xuống hạng, và người ta không thể trách móc ông sử dụng các đội hình mang tính chất an toàn nhất có thể.
Lạc lối ở V.League
Vấn đề nằm ở đó. HAGL không còn đủ vị thế để hy sinh V.League cho một đội bóng nhiều hy vọng hơn trong tương lai. Sau trận hòa TP Hồ Chí Minh, Kiatisuk khẳng định đội bóng của ông không có kết quả tốt vì sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, nhưng thực tế không phải như vậy. Trước TP Hồ Chí Minh, đội hình xuất phát của HAGL có độ tuổi trung bình lên đến 27,9, và người trẻ nhất góp mặt là Trần Bảo Toàn cũng đã 23 tuổi.
Bộ khung hiện tại của HAGL đã trở nên lộn xộn hơn bao giờ hết và không còn nhiều điểm để bấu víu. Nguyễn Minh Vương, Nguyễn Tuấn Anh, Châu Ngọc Quang tưởng còn trẻ nhưng đã ngấp nghé tuổi 30. Sau những cái tên này, HAGL không còn điểm tựa và có thể sẽ trôi đi trong vô định. Rất khó để họ chờ đợi những cái tên như Trần Đình Bảo (26 tuổi), Đinh Thanh Bình (25 tuổi), Trần Thanh Sơn (26 tuổi)… làm đầu tàu tiếp theo của đội bóng.
Phải đá trụ hạng ở giai đoạn 2 mùa này hay không thực sự không quá quan trọng với HAGL. Nếu lọt vào top 8, họ cũng chỉ trụ hạng sớm mà hoàn toàn không có khả năng tiếp cận các đội đua vô địch. Nếu nằm ở nhóm 6 đội cuối bảng, HAGL vẫn có số điểm tương đối an toàn.
Vị trí của HAGL sẽ không trở thành nỗi trăn trở nếu họ không quá nổi tiếng và không gieo mầm hy vọng vào người hâm mộ sau mỗi năm. Hiện tại, bầu Đức vẫn cố gắng bơm tiền cho CLB bất chấp kết quả kinh doanh khó khăn. Hợp đồng tài trợ béo bở với Carabao cũng giúp HAGL có thể sống tốt ở V.League nếu bỏ qua tham vọng vô địch.
Nói cách khác, HAGL và người hâm mộ sẽ phải học sống với trạng thái “bình thường mới” như lúc này. HAGL không còn là đại gia ở V.League, không còn khả năng đua vô địch. Họ phải chấp nhận mục tiêu trụ hạng mỗi khi bước vào mùa giải mới, và hài lòng - thậm chí tự hào với việc CLB biết cách kiếm tiền nuôi sống bản thân trong bối cảnh bất ổn của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ít nhất, HAGL chưa rơi vào cảnh thiếu tài trợ, cảnh nợ lương thưởng cầu thủ.
Nếu HAGL không thể chấp nhận thực tế như thế, họ sẽ lại lạc lối ở V.League. Lần này, nguy cơ sẽ còn lớn hơn thời điểm bầu Đức quyết tâm đôn lứa Công Phượng, Xuân Trường… lên đội một. Bởi lẽ bất cứ quyết định sai lầm nào cũng có thể khiến HAGL trả giá đắt và không thể cứu vãn tình hình, khi sự cạnh tranh ở V.League ngày càng khắc nghiệt hơn.
2.000 tỷ của bầu Đức chỉ còn là quá khứ
Năm 2020, bầu Đức chia sẻ với truyền thông rằng ông đã “đốt” hơn 2.000 tỷ trong vòng 20 năm làm bóng đá với HAGL. Đây không chỉ là số tiền khổng lồ, mà còn là khoảng thời gian đáng kinh ngạc của một ông bầu bóng đá Việt Nam.
Cùng làm mưa làm gió với HAGL của bầu Đức khi V.League bắt đầu chuyển sang chuyên nghiệp vào năm 2000, Long An đã lụn bại và xuống hạng không hẹn ngày trở lại. Ninh Bình thậm chí giải thể. Các biểu tượng như Thể Công, Công an Hà Nội cũng “chết đi, sống lại” nhiều lần.
17 năm sau khi HAGL giành chức vô địch V.League đầu tiên, nhiều đối thủ của họ không còn tồn tại trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Sự bền bỉ của bầu Đức vì thế là hiện tượng của V.League. Đáng tiếc, mọi chuyện đang dần trở thành quá khứ. Giờ đây, bầu Đức không thể rót tiền nuôi tham vọng cho HAGL và cũng chẳng thể phát triển tài năng trẻ mạnh bạo như trước. Từ lâu, các lứa cầu thủ do HAGL đào tạo phần lớn không thể đáp ứng yêu cầu.
https://cand.com.vn/the-thao/hoang-anh-gia-lai-lai-lac-loi-o-v-league-i698657/