Những quy định nghiêm ngặt về phòng nguy cơ sử dụng chất cấm trong thi đấu, tập luyện thể thao (thường gọi là doping) đối với VĐV trước khi dự Olympic Paris 2024 hoàn toàn có thể áp dụng ở Việt Nam. Quan trọng nhất là việc học hỏi và áp dụng như thế nào.

Thử và học đều nghiêm

Ngay từ trước khi tham dự các vòng loại để tranh vé dự Olympic Paris 2024, các VĐV Việt Nam đều đã biết đến quy định phải hoàn tất lấy mẫu kiểm tra doping trước khi tham dự sự kiện. Nhiều VĐV Việt Nam đã nói vui, được lấy mẫu như thế này thực sự là niềm hạnh phúc. Bởi nếu không giành vé dự Olympic Paris 2024 thì lấy đâu ra cơ hội để được thử doping trước khi tham dự sự kiện. Mà việc tham dự sân chơi lớn như Olympic vẫn luôn là điều đáng tự hào và là điểm nhấn trong sự nghiệp của các VĐV Việt Nam và với thể thao Việt Nam. Không ngẫu nhiên khi nhiều VĐV sẵn sàng dồn tâm sức, chấp nhận tập huấn dài hạn ở nước ngoài chỉ để mong có ngày được nhận tấm vé dự Olympic.

Cho đến trước ngày Đoàn Thể thao Việt Nam xuất quân tham dự Olympic Paris 2024, vào tối 17-7, toàn bộ VĐV Việt Nam tham dự đều đã hoàn tất thủ tục lấy mẫu doping để bảo đảm “sạch” về doping khi có mặt tại sự kiện. Theo danh sách, 16 VĐV Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 gồm Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Hoàng Thị Tình (judo), Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh).

Học hỏi từ chuyện phòng ngừa doping trước Olympic -0
Võ sĩ Hà Thị Linh (phải) và các tuyển thủ Việt Nam khác đã trải qua quy trình nghiêm ngặt về phòng, chống doping trước khi dự Olympic Paris 2024.

Trong số này, Nguyễn Thị Thật, Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh, Nguyễn Huy Hoàng, Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền hiện đang tập luyện ở châu Âu. Những VĐV còn lại đều đang tập huấn ở trong nước.

Cách đây ít ngày, các tuyển thủ Việt Nam đang tập luyện ở trong nước đã hoàn tất lấy mẫu kiểm tra doping trước Olympic Paris 2024. Trong khi đó, những tuyển thủ tập huấn tại nước ngoài cũng đã được thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping ở ngay địa điểm tập luyện.

Cũng theo quy định của Tổ chức phòng, chống doping quốc tế (WADA), 16 tuyển thủ Việt Nam dự Olympic Paris 2024 đã hoàn thành bài kiểm tra kiến thức về phòng, chống doping theo chứng chỉ ADE, nền tảng giáo dục và học tập phòng, chống doping đã được WADA triển khai thực hiện từ năm 2018. Khi đạt chứng chỉ trên, VĐV mới đủ điều kiện dự Olympic tại Pháp. Tuyển thủ Trần Thị Nhi Yến (điền kinh) là người cuối cùng của thể thao Việt Nam nhận được suất đặc cách dự Olympic Paris 2024. Và dù cập rập chuẩn bị đến mấy thì cô cũng phải hoàn thành bài kiểm tra kiến thức về doping theo chứng chỉ ADE bên cạnh việc lấy mẫu kiểm tra doping.

Việc lấy mẫu kiểm tra doping trước khi tham dự Olympic cũng là quy định của WADA nhằm hạn chế tối đa nguy cơ sử dụng doping dù vô tình hay cố ý của các VĐV. Từ đó, bảo đảm thành tích tại Olympic “thật” và “sạch”, công bằng hơn với chính các VĐV tham gia thi đấu ở cùng nội dung. Trong khi đó, với những kiến thức từ nền tảng ADE, đã được kiểm chứng, VĐV đủ kiến thức về phòng, chống doping để thi đấu tại Olympic. Đến khi xảy ra vấn đề liên quan đến doping, lúc đó VĐV sẽ khó có thể lý giải là do thiếu hiểu biết. Mục đích của việc phòng và chống doping trước khi dự Olympic cũng nhằm đến điều đó và quan trọng là đều được thực hiện nghiêm ngặt.

Hạn chế những sai số

Thực tế, thể thao Việt Nam từng nhận những tin không vui liên quan đến doping ở sân chơi Olympic. Như năm 2008, ở Olympic Bắc Kinh, một tuyển thủ thể dục dụng cụ của Việt Nam cũng bị phát hiện sử dụng doping. Dù sau đó, VĐV đã lý giải là do sử dụng thuốc mà không biết trong đó có chất lợi tiểu, khiến cơ thể không tăng trọng lượng thì cuối cùng vẫn bị ngừng thi đấu ngay tại kỳ Olympic năm đó.

Ngay với trường hợp đô cử Trần Lê Quốc Toàn cũng gián tiếp là nạn nhân của việc sử dụng doping. Năm 2012, ở Olympic London (Anh), Trần Lê Quốc Toàn chỉ xếp hạng Tư hạng 56kg trong khi đô cử Valentin Hristov (Azerbaijan) xếp hạng Ba, giành HCĐ. Nhưng đến cuối năm 2018, Ủy ban Kỷ luật của Ủy ban Olympic quốc tế IOC xác nhận Valentin Hristov dương tính với chất cấm tại Olympic 2012. Như thế, Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên vị trí giành HCĐ và đến năm 2020, chàng trai người Đà Nẵng này mới nhận tận tay tấm HCĐ. Đi kèm đó đương nhiên là tiền thưởng theo quy định dành cho thành tích đoạt huy chương Olympic của anh.

Tất nhiên khi không nhìn lại thì cũng có thể nhìn về phía trước, nơi thể thao Việt Nam có thể cân nhắc tính toán việc áp dụng quy trình phòng, chống doping trước Olympic để áp dụng cho các giải đấu quốc nội, cho VĐV Việt Nam trước những kỳ thi đấu quốc tế quan trọng. Đến lúc này, đây vẫn là vấn đề khó với thể thao Việt Nam, nhưng khó không có nghĩa là không làm được hoặc không làm.

Như việc áp dụng học và kiểm tra kiến thức phòng, chống doping cho VĐV qua nền tảng ADE như với VĐV trước khi dự Olympic Paris 2024 hoặc phần mềm tương tự được công nhận ở cấp quốc gia là hoàn toàn khả thi. Việc này không quá tốn kém, chỉ cần sự nghiêm túc của người học, người giám sát. Còn việc xét nghiệm doping thì có thể lựa chọn ngẫu nhiên với một vài trường hợp VĐV trước các giải đấu thay vì toàn bộ VĐV. Có như vậy, mới tăng ý thức của VĐV bởi hoàn toàn có khả năng VĐV học thuộc, học giỏi về lý thuyết phòng, chống doping nhưng vẫn có thể sử dụng doping khi biết là không có sự giám sát, kiểm tra nào trước và trong giải đấu.

Có thể thấy rằng, có quá nhiều điều có thể học hỏi từ một quy trình phòng, chống doping của thể thao quốc tế để mang đến sự trong sạch, công bằng trong thi đấu thể thao tại Việt Nam. Vấn đề vẫn là những người có trách nhiệm có muốn thực hiện hay không và sẽ thực hiện đến đâu.

2 thời điểm, 2 hiệu ứng khác nhau

Ngược lại năm 2012, nếu đô cử Trần Lê Quốc Toàn được xác định ngay là giành HCĐ Olympic London thì hiệu ứng sẽ lớn khủng khiếp. Đặc biệt, ở kỳ Olympic đó, khi chưa có thông tin liên quan đến VĐV xếp trên Quốc Toàn dương tính với chất cấm, thể thao Việt Nam “trắng tay” trong khi ở kỳ Olympic 2008 trước đó, thể thao Việt Nam đã giành được tấm HCB đầy danh giá của Hoàng Anh Tuấn cũng ở môn cử tạ. Sau kỳ Olympic 2012, những nhà quản lý ngành Thể thao cũng bị sức ép nhất định từ việc “trắng” huy chương. Trong khi đó, nếu được xác định giành HCĐ Olympic năm đó, chắc chắn tiền thưởng và sự vinh danh cho Quốc Toàn sẽ lớn hơn nhiều so với 8 năm sau đó.  (Minh Khuê)

https://cand.com.vn/the-thao/hoc-hoi-tu-chuyen-phong-ngua-doping-truoc-olympic--i737732/

Minh Hà / cand.com.vn